Ma trận kinh doanh nước uống đóng chai

Cả cơ sở sản xuất nhỏ lẫn hãng lớn đều kinh doanh nước đóng chai nhưng không công bố rõ ràng về nguồn nước được sản xuất. Với cơ sở nhỏ, lợi nhuận lớn chỉ có trên lý thuyết.

Gia đình chị Nguyễn Thu Lê ở phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có sẵn mặt bằng khoảng 200 m2 và số vốn hơn 150 triệu đồng. Quyết định kinh doanh nước tinh khiết, chị Lê nhẩm tính: “Do có sẵn kho bãi nên với 150 triệu, tôi có thể đầu tư một dây chuyền sản xuất nước tinh khiết khá tốt, công suất 500 l/h. Vốn sản xuất một bình 20 lít chỉ khoảng 4.000 đồng, bán 10.000-12.000 đồng/bình là có lãi”.

Theo tìm hiểu từ một số đơn vị kinh doanh, phân phối và lắp đặt dây chuyền sản xuất nước đóng chai, tổng chi phí đầu tư ban đầu cho một dây chuyền phụ thuộc vào công suất và nguồn nước (nước máy hay giếng khoan) tại địa bàn sản xuất.

Phổ biến nhất là dây chuyền làm nước đóng chai công suất từ 500 đến 1000 lít/h. Trừ lượng tiêu hao, một dây chuyền 500 l/h sẽ cho ra khoảng 20 bình 20 lít mỗi giờ và khoảng 160 bình mỗi ngày làm việc 8 tiếng.

“Giá vốn để sản xuất mỗi bình 20 lít khoảng 4.000 đồng, bán ra mức thấp là 10.000 đồng/bình thì một ngày, đại lý chỉ cần bán được 100 bình, tháng bỏ túi hơn 20 triệu. Sau vài tháng hồi vốn là sống khỏe rồi”, chủ một đơn vị phân phối dây chuyền sản xuất lạc quan.

Ma trận kinh doanh nước uống đóng chai
Một dây chuyền sản xuất nước tinh khiết đóng chai bán tự động. Ảnh: PT.

Anh Nguyễn Mạnh, chủ một cơ sở sản xuất nước tinh khiết ở Hoài Đức, Hà Nội cũng cho biết, chi phí sản xuất cho mỗi bình 20 lít không quá 4.000 đồng.

Chi tiết ước tính bao gồm: 1.000 đồng tem nhãn, 500 đồng màng co, 1.000 đồng khấu hao vỏ bình (vỏ bình mua mới khoảng 30.000-40.000 đồng một chiếc), 500 đồng điện nước, 1.000 đồng khấu hao dây chuyền.

Tuy nhiên, chi phí trên là chưa tính phương tiện vận chuyển, nhân công, phí bảo trì bảo dưỡng máy móc, phí vệ sinh, làm sạch vỏ bình, kho bãi… “Và đặc biệt, để sống được với nghề thì mức phí cao nhất là quảng cáo, quan hệ khách hàng”, anh Mạnh cho hay.

Hai tháng sau khai trương, anh Mạnh trúng thầu hợp đồng cung cấp nước cho 5 trường tiểu học, một bệnh viện và nhiều mối nhập lẻ. Tuy nhiên, do cạnh tranh khốc liệt từ nhiều đối thủ về giá, khuyến mại… cơ sở này dần đuối sức.

Trụ được 2 năm, anh đúc kết: “Nghề này lãi mỏng, cạnh tranh khốc liệt. Mức lợi nhuận khủng chỉ có trên lý thuyết”.

Chủ một xưởng nước đóng chai khác tại An Khánh (Hoài Đức) cho biết, cộng tất cả chi phí, giá của một bình 20 lít không dưới 10.000 đồng.

Anh này nhận xét, nếu một cơ sở đưa mức giá bán chỉ 5.000-6.000 đồng/bình 20 lít, kèm nhiều khuyến mại tặng vỏ, chân đế, quà cáp thì phải xem xét kỹ. Rất có thể người bán đã chạy tắt quy trình, đưa ra sản phẩm kém chất lượng.

Lập lờ về nguồn nước

Theo chia sẻ từ dân trong nghề, nhiều hộ kinh doanh tham lợi, đầu tư dây chuyền giá rẻ, chất lượng nguồn nước không đảm bảo nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất. Chưa hết, có đơn vị công bố không rõ ràng về nguồn nước để sản xuất nước đóng chai.

Ma trận kinh doanh nước uống đóng chai
Một hãng nước uống đóng chai thương hiệu quốc tế gần đây bị buộc phải ghi rõ nguồn nguyên liệu là “public water source” (nước máy) thay vì “pure water” (nước tinh khiết) để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng. Ảnh: katjuju.

“Cách đây vài năm, thậm chí người tiêu dùng không phân biệt nước đóng chai từ nguồn nước khoáng, nước suối hay nước tinh khiết. Họ thường hiểu 3 loại trên là một loại nước siêu sạch, bổ dưỡng, mà không biết rằng đa số nước đóng chai hiện nay chỉ đơn giản là nước máy qua xử lý”, chị Lê Minh Hà, phụ trách marketing một hãng nước uống đóng chai tại Hà Nội cho biết.

Chị Hà nói thêm, trong giới “làm nước”, nhiều cơ sở dựa trên kiến thức mơ hồ của người dùng để lập lờ đánh tráo khái niệm giữa nước khoáng và nước tinh khiết, nhằm đẩy cao giá trị sản phẩm. Thậm chí, ngay cả các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất nước máy qua xử lý thành nước tinh khiết, cũng từng đặt thông điệp cho sản phẩm của mình là nguồn nước thiên nhiên.

Nguyên giám đốc một công ty sản xuất nước tinh khiết tại Hà Nội (giờ chuyển sang ngành bia) tiết lộ: “Hầu hết nước tinh khiết cả hãng lớn lẫn cơ sở sản xuất nhỏ đều lấy nguồn nước máy, có nơi là giếng khoan. Thế nhưng, mỹ từ dùng là nguồn nước từ thiên nhiên cho nó dễ nghe. Còn nước nào chả có nguồn gốc từ thiên nhiên”.

Khách hàng Phương Thanh (Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) chia sẻ, trước đây chị thường nhầm lẫn các khái niệm nước khoáng thiên nhiên và nước tinh khiết. Tuy nhiên, gần đây, nhờ tìm hiểu kỹ, chị mới thấy đây là vấn đề cần quan tâm.

“Từ ngày nhà bạn thân kinh doanh sản xuất nước đóng chai, tôi mới thấy loại nước này không hẳn sạch và an toàn 100% như vẫn tưởng. Nếu cơ sở sản xuất không đảm bảo, nước vẫn nhiễm khuẩn, mất chất và có khả năng gây bệnh như thường”.

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas), thị trường Việt Nam có trên 130 sản phẩm nước uống đóng chai. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm chưa đạt chất lượng hoặc làm hàng nhái, giả thương hiệu lớn khiến việc quản lý ngày càng phức tạp.

Theo Zing


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề