Lý giải sự nguyên tắc của Đức trong khủng hoảng Eurozone

Một đề tài xuyên suốt – và thực sự là nét chủ đạo – trong cách thức các nhà lãnh đạo nước Đức thảo luận về khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), là họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc. Theo sau điệp khúc này là một đoạn đồng ca từ những nước còn lại trong liên minh tiền tệ này, đòi hỏi được biết lý do tại sao nước Đức lại thực thi đường lối cứng nhắc như vậy. Câu trả lời phản ánh cách thức hệ thống chính phủ liên bang Đức định hình quá trình hoạch định chính sách của nước này cũng như kinh nghiệm lịch sử của họ với các cuộc khủng hoảng nợ.

Nỗi ám ảnh với các nguyên tắc của Đức vốn đã tồn tại từ lâu trước cuộc khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách của nước này luôn khăng khăng rằng châu Âu không thể có một đồng tiền chung nếu trước tiên không đạt được sự tương đồng về kinh tế. Tuy nhiên điều này có vẻ đã không bao giờ xảy ra. Do đó, trong những năm 1990, khi khu vực đồng tiền chung châu Âu được thành lập, Đức đã đòi hỏi việc thi hành nghiêm khắc “các tiêu chuẩn tương đồng”, những yêu cầu cần thiết cho việc chấp nhận đồng Euro.

Các nhà kinh tế ở các nước khác đã chế nhạo việc người Đức cứ khư khư giữ lấy những nguyên tắc cứng nhắc. Ví dụ, không có bất cứ lý do nào lý giải tại sao tỷ lệ nợ trên GDP ở mức 59% nên được xem là an toàn, còn 62% được xem là nguy hiểm đến mức vô trách nhiệm. Tuy nhiên, người Đức đã quả quyết như vậy và cuối cùng đã đạt được điều họ muốn.

Cách tiếp cận đó phần nào xuất phát từ cấu trúc chính trị của Đức. Hệ thống chính phủ của một quốc gia càng mang tính liên bang thì cần càng nhiều nguyên tắc để đảm bảo cho sự vận hành trơn tru. Khi trách nhiệm của các cấp chính quyền khác nhau không được phân định rõ ràng, có nguy cơ là các quan chức sẽ cố gắng đẩy những gánh nặng lên các cấp cao hơn. Để tránh điều này, các liên bang thường áp dụng một cách tiếp cận chú trọng tính pháp lý.

Quả thực về mặt lịch sử, có một mối tương quan mạnh mẽ giữa các liên bang thành công với một chính sách tiền tệ ổn định được củng cố bằng những nguyên tắc rõ ràng. Vào cuối thế kỷ 20, Thụy Sĩ, Đức và Hoa Kỳ – tất cả đều là những nước liên bang – là những nước tiên phong trong việc áp dụng một chính sách tiền tệ định hướng ổn định. Căn cứ vào việc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có cấu trúc mang tính liên bang theo nhiều cách khác nhau, Đức cho rằng cam kết rõ ràng đối với (việc tuân thủ) nguyên tắc là một điều kiện tiên quyết cho thành công của khối này.

Chắc chắn là ngay cả người Đức cũng biết rằng các nguyên tắc đôi khi cần phải mềm dẻo. Các nhà tư tưởng từ thời xa xưa như Aristotle đã lập luận rằng những nguyên tắc sẽ thất bại khi chúng quá cứng nhắc. Trong cuốn The Nicomachean Ethics (Đạo đức học viết tặng Nicomachea), Aristotle đã dẫn chứng việc các nhà điêu khắc trên đảo Lesbos sử dụng những chiếc thước được làm từ chì mềm dẻo thay vì sắt cứng để khắc các đường nét vào trong đá. Khả năng thay đổi hình dáng những chiếc thước cắt này sao cho phù hợp với viên đá là một phép ẩn dụ cho nhu cầu điều chỉnh luật lệ khi hoàn cảnh thay đổi.

Tuy nhiên, khi nói đến nợ, người Đức vẫn khăng khăng sử dụng nguyên tắc cứng nhắc nhất. Kể từ khi cuộc khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung châu Âu khởi phát, chính phủ Đức đã nhất quyết duy trì quan điểm của nước này đối với các điều khoản hiệp ước của châu Âu mà nước này diễn giải như việc cấm các gói cứu trợ tài chính và hỗ trợ tiền tệ cho nợ chính phủ. Gần đây, Đức đã chống lại một đề xuất nhằm miễn một phần khoản nợ của Hy Lạp bằng cách khẳng định rằng các điều khoản hiệp ước này vừa cấm giải cứu tài chính (bailout), vừa không cho phép các nước phá sản cũng như việc miễn giảm nợ.

Bài học mà Đức tích lũy được từ lịch sử của nước này là: trong vấn đề nợ nần, tính linh hoạt là thứ người ta phải kiên quyết tránh xa. Điều này có thể gây ngạc nhiên đối với các nhà bình luận Mỹ, những người đã lập luận rằng sau khi đã vỡ nợ vào các năm 1923, 1932-1933, 1945 và 1953, Đức đang đạo đức giả khi nhất quyết đòi các nước hiện nay phải hành xử khác với những gì Đức từng làm.

Sự thật là người Đức xem gần như tất cả các vụ vỡ nợ đó là yếu tố gây bất ổn định. Vụ vỡ nợ năm 1923, do siêu lạm phát gây ra, đã làm suy yếu hệ thống tài chính của Đức và phần nào gây ra cuộc Đại suy thoái. Các vụ vỡ nợ vào đầu những năm 1930 là chuyện không thể tránh khỏi khi Đức không thể tiếp cận được các thị trường vốn tư nhân và nước này đã mất lòng tin vào tương lai. Thay vì tạo đà cho một sự phục hồi kinh tế bền vững, giảm phát và vỡ nợ lại thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc – dẫn đến ảnh hưởng thảm khốc.

Lần vỡ nợ năm 1945 là hậu quả của việc thua trận trong Thế Chiến II. Quả thực, truyền thống của cái gọi là Chủ nghĩa tự do có trật tự – Ordoliberalism,[1] thứ định hình chính sách kinh tế của Đức thời hậu chiến, là một phản ứng đối với sự chuyên quyền tai hại của Đức quốc xã.

Chỉ có việc xóa nợ năm 1953 mới được xem là một luồng sinh khí tích cực ở Đức, và nhìn vào hoàn cảnh mà nó xảy ra ta sẽ hiểu hơn về cách tiếp cận của nước này đối với cuộc khủng hoảng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện nay. Như nhà kinh tế học Timothy Guinnane của Đại học Yale đã chỉ ra, khoản nợ được miễn không phải là số nợ gốc, mà là nợ lãi không trả được cộng dồn trong khoảng thời gian giữa cuộc Đại suy thoái và Thế chiến II.

Từ quan điểm của Đức, điều quan trọng hơn chính là bối cảnh chính trị mà ở đó các cuộc đàm phán diễn ra. Đầu tiên, đã có một sự thay đổi chế độ hoàn toàn ở Đức. Các đồng minh chiến thắng đã loại bỏ những kẻ phải chịu trách nhiệm đối với những chính sách mang tính phá hoại, gây mất ổn định trong quá khứ, hoàn toàn đoạn tuyệt với chuyện đã qua và làm cho các chủ nợ của Đức tin tưởng rằng nước Đức sẽ bước sang trang mới. Thêm vào đó, các nhà hoạch định chính sách mới của Đức đã công khai tình hình tài chính tồi tệ của họ. Năm 1950, nước này đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về cán cân thanh toán. Một số quan chức ủng hộ việc kiểm soát vốn nhưng thay vào đó chính phủ đã thực thi chính sách tiền tệ thắt lưng buộc bụng.

Kinh nghiệm này lý giải một nỗi ám ảnh khác của Đức: cải cách ở các nước vay nợ. Nước Đức cần thay đổi hoàn toàn chế độ trong nước nhằm thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nợ và vỡ nợ. Có lẽ yêu cầu đó là hơi quá mức trong bối cảnh hiện nay của Eurozone; nhưng, nếu không định hướng lại một cách căn bản các chính sách của một quốc gia, thì theo tư tưởng của Đức, miễn nợ vẫn sẽ luôn là một việc làm vô ích.

Harold James là giáo sư lịch sử và quan hệ quốc tế ở Đại học Princeton, giáo sư lịch sử tại Viện Đại học châu Âu ở Florence, đồng thời là viện sỹ cao cấp của Trung tâm Cải cách Quản lý Quốc tế. Là một chuyên gia về lịch sử kinh tế và toàn cầu hóa, ông là tác giả của “The Creation and Destruction of Value: The Globalization CycleKrupp: A History of the Legendary German Firm, và “Making the European Monetary Union”.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Rule, Germania

———————–

[1] Ordoliberalism: “Chủ nghĩa tự do có trật tự” là một cơ cấu trong hệ thống của Đức nằm giữa “chủ nghĩa tự do xã hội” (social liberalism) và “chủ nghĩa tân tự do” (neoliberalism) trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của Nhà nước để bảo đảm thị trường tự do sản xuất ra thành quả gần với tiềm năng lý thuyết của thị trường.

Nguồn: Harold James, “Rule, Germania”, Project Syndicate, 30/7/2015

Biên dịch: Trần Văn Thăng, Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

theo Nghiên Cứu Quốc Tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề