Lực lượng quân sự Nga ở Syria quy mô cỡ nào?

Phương Tây nghi ngờ mục đích thật sự của quân đội Nga khi mở chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria kể từ ngày 30-9.

Bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cho biết cuộc thảo luận sẽ diễn ra trong hôm nay.Theo AFP, hôm nay Nga và Mỹ đạt thỏa thuận tổ chức các cuộc đối thoại quân sự khẩn cấp để tránh nguy cơ lực lượng hai nước đụng độ trên bầu trời Syria.

Trước đó Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã thực hiện 20 vụ không kích và bắn phá 8 mục tiêu của IS. Tuy nhiên người đứng đầu phe đối lập Syria, ông Khaled Khoja, cáo buộc bom và tên lửa Nga đã sát hại 36 thường dân, bao gồm 5 trẻ em, ở tỉnh Homs.

Dưới đây là những câu hỏi quan trọng nhất về chiến dịch không kích của Nga ở Syria.

Lực lượng Nga tại Syria có quy mô lớn đến đâu?

Tình báo Mỹ cho biết hiện Nga triển khai ít nhất 32 máy bay chiến đấu tại Syria, bao gồm 4 máy bay ném bom Su-34, 12 máy bay ném bom Su-25, 12 máy bay cường kích (tấn công mặt đất) Su-24 và 4 máy bay tiêm kích (chống máy bay kẻ thù) Su-30. Các máy bay này được điều tới căn cứ không quân ở tỉnh Latakia

Nga cũng đưa 500 binh sĩ tới căn cứ Latakia để bảo vệ cơ sở này. Phía Mỹ ước tính cộng cả các phi công, đội bay, công nhân hỗ trợ…, Nga điều khoảng 2.000 người tới căn cứ Latakia. Ngoài ra, Matxcơva cũng triển khai xe tăng, xe bọc thép, pháo cối và máy bay trực thăng tại đây.

Nga có hợp tác với liên quân Mỹ hay không?

Các quan chức Mỹ tiết lộ một tướng quân đội Nga làm việc tại trung tâm tình báo ở Baghdad (Iraq) đã đi bộ tới Đại sứ quán Mỹ và thông báo về chiến dịch không kích của Nga ở Syria khoảng 1 giờ trước khi máy bay Nga cất cánh. Nhưng vị tướng này không cho biết về thời gian, địa điểm và cách thức Nga tổ chức không kích.

Hành động thông báo đơn giản này chưa tương thích với cơ chế “giảm xung đột” mà quan chức ngoại giao, quân đội Mỹ và Nga đã nhắc đến để tránh nguy cơ máy bay liên quân do Mỹ lãnh đạo và máy bay Nga đụng độ ngoài ý muốn trên bầu trời Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết đối thoại quân sự giữa hai nước sẽ sớm bắt đầu.

Các quan chức khẳng định kể cả khi đối thoại quân sự hai nước không đi đến đâu thì máy bay của liên quân do Mỹ lãnh đạo vẫn có hệ thống cảnh báo giúp phát hiện các máy bay khác đến gần và thực hiện các biện pháp tránh né cần thiết.

Mục tiêu của Nga?

Điện Kremlin khẳng định đợt không kích nhắm vào các mục tiêu của khủng bố IS. Tuy nhiên các quan chức quốc phòng Mỹ chỉ trích máy bay Nga tấn công lực lượng đối lập Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết theo điều tra ban đầu, máy bay Nga có bắn phá một số địa điểm không nằm trong quyền kiểm soát của IS.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain chỉ trích Nga chỉ muốn bảo vệ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” nếu quả thực Nga tấn công quân nổi dậy Syria thay vì IS.

Tư lệnh NATO Philip Breedlove cũng bày tỏ sự ngạc nhiên với việc Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không SA-15 và SA-22 tới Syria. Các loại vũ khí này hoàn toàn vô dụng khi đối phó với IS bởi IS không hề có không quân. Ông cảnh báo vũ khí Nga có thể cản trở hoạt động của liên minh quốc tế chống IS.

Cuộc xung đột Syria có đảo chiều?

Theo giới quan sát, lực lượng Nga có lợi thế là có thể phối hợp với quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chia sẻ thông tin tình báo để thực hiện các chiến dịch không kích một cách hiệu quả. Tuy nhiên hiệu quả của không kích cũng chỉ có giới hạn.

Các cuộc giao tranh tại Syria chủ yếu nổ ra ở khu vực thành thị. Các nhóm nổi dậy, dù là cực đoan như IS hay ôn hòa như phe đối lập, đều không tập trung quân đông đảo ở một vài nơi để tránh nguy cơ bị tấn công từ trên không.

Liên quân do Mỹ lãnh đạo đã tổ chức hàng nghìn đợt không kích IS ở Syria và Iraq nhưng đến nay nhóm khủng bố này vẫn trụ vững.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã khẳng định nước này sẽ không triển khai bộ binh tới Syria. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter xác nhận liên quân quốc tế vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch không kích chống lại IS.

“Chiến dịch của chúng tôi sẽ không có gì thay đổi” – ông Carter nhấn mạnh.

Theo TTO


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề