‘Luật phòng chống tham nhũng của Việt Nam như con cọp không có răng’

10 năm trước ở Việt Nam mọi người còn e dè khi đề cập đến câu chuyện tham nhũng, nhưng bây giờ thì chúng ta có thể đề cập cởi mở về chủ đề này, đó là một sự thay đổi. Thế nhưng việc thực thi Luật phòng chống tham nhũng 10 năm rồi không đem lại hiệu quả như mong muốn?

Tôi có thể ví von rằng Luật phòng chống tham nhũng như cọp mà không có răng, đặc biệt là thực thi yếu kém. Có người cho rằng trước hết là ở vấn đề về sự độc lập của các cơ quan phòng chống tham nhũng.

Tôi thì nghĩ vấn đề lớn hơn, đó là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hành động của cơ quan này. Ở Singapore, cơ quan chống tham nhũng đặt trong văn phòng thủ tướng, nhưng đất nước vẫn là hình mẫu về chống tham nhũng.

Để phòng và chống tham nhũng, vấn đề quan trọng nhất là loại bỏ các nguy cơ, điều kiện dẫn đến tham nhũng trong bộ máy.

Chúng ta có thể phát hiện một cá nhân tham nhũng và loại ra khỏi bộ máy để thay bằng người khác, nhưng người mới này vẫn có thể tham nhũng bởi vì vị trí công tác của anh ta vẫn còn những điều kiện để tham nhũng.

Minh bạch quá trình xây dựng chính sách, ban hành các quyết định, các hợp đồng…, có cơ chế giám sát hiệu quả từ nội bộ và từ bên ngoài mới là giải pháp chặn đứng tham nhũng.

Vấn đề nữa là sự quyết tâm trong hành động. Ở Philippines, có lần một ông chánh tòa ở địa phương để lộ ra chiếc đồng hồ đeo tay đắt tiền và người ta đặt vấn đề với thu nhập của ông thì khó mua được cái đồng hồ ấy.

Vậy là cơ quan chống tham nhũng mở cuộc điều tra, xác minh các bản kê khai tài sản và những thông tin có liên quan để làm rõ vấn đề. Như vậy, việc kiểm soát tài sản, thu nhập không chỉ là trách nhiệm giải trình nội bộ mà còn phải có giải trình ra bên ngoài, tức là phải có vai trò giám sát của người dân.

Trong năm qua ở Việt Nam có 1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện 5 người kê khai không trung thực. Vậy con số 1 triệu đối tượng phải kê khai liệu có cần thiết?

Tôi cho rằng chỉ cần kiểm soát 10.000 người ở những vị trí rất quan trọng và việc kê khai này thực hiện thực chất thì sẽ hiệu quả hơn.

Và hằng năm Việt Nam nên ban hành sách trắng về bản kê khai tài sản của cán bộ chủ chốt, như các chính trị gia, bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng… Nếu Việt Nam đi theo lộ trình này thì trong thời gian ngắn sẽ có hiệu quả.

Một nhà đầu tư nước ngoài nói rằng sang Việt Nam đầu tư phải hiểu văn hóa của người Việt Nam, đó là phải có phong bì. Nhưng công ty của ông làm ăn minh bạch nên không thể đưa phong bì cho quan chức, công ty phải hợp thức hóa khoản chi đó bằng một hợp đồng khống.

Ở Thụy Điển cách đây 100 năm cũng xảy ra tình trạng bệnh nhân vào bệnh viện phải đưa tiền cho bác sĩ, nhưng sau đó người ta khắc phục bằng cách là khi đưa tiền thì phải có hóa đơn và các khoản thu nhập, chi tiêu trong xã hội đều được kiểm soát.

Việt Nam đang xã hội hóa mạnh mẽ dịch vụ y tế, giáo dục. Các bệnh viện và trường tư ra đời, bệnh nhân và người học đến đây sử dụng dịch vụ và trả tiền theo thỏa thuận, có nghĩa là hai bên đã chính thức hóa các giao dịch.

Vấn đề quan trọng là những giao dịch như vậy ở các cơ quan khác cũng phải được công khai hóa, minh 
bạch hóa và được kiểm soát.

Trí Lê (Theo TUỔI TRẺ ONLINE)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề