Lời xin lỗi của người Nhật – bài học cải thiện thủ tục hành chính

Giữa thảm họa động đất-sóng thần năm 2011 tại Nhật, thế giới đã cảm kích trước hình ảnh lãnh đạo Điện lực Tokyo cúi đầu xin lỗi người dân về những thiệt hại tại nhà máy điện hạt nhân…

Tại Nhật, xin lỗi đã trở thành một văn hóa. Ngay ở các cơ quan công quyền, nếu nhân viên không thể trả lời hay giúp người dân, doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục, lời xin lỗi cũng được đưa ra vì họ đã không hoàn thành nhiệm vụ. Rất ít người muốn phải cúi đầu xin lỗi, do đó họ luôn phục vụ bằng thái độ tận tâm và trả lời thắc mắc đến khi người dân hiểu thì thôi.

Đối với Việt Nam, những lời xin lỗi của công chức – những người hằng ngày đang thực thi công việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, khi thủ tục chậm trễ còn khá hiếm. “Việt Nam khác với nhiều quốc gia trên thế giới. Như ở Nhật Bản, cán bộ công vụ rất lễ phép với người dân. Nếu làm thủ tục muộn, họ sẽ có công văn giải thích và xin lỗi. Một hành động rất lễ nghĩa”, bà Nguyễn Minh Thảo – Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) trao đổi với VnExpress.

loi-xin-loi-cua-nguoi-nhat-bai-hoc-cai-thien-thu-tuc-hanh-chinh

Chuyên gia cho rằng dư địa để cải cách thủ tục hành chính vẫn còn rất lớn. Ảnh: HC

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015, Phó Viện tưởng CIEM Võ Trí Thành cho rằng con người là yếu tố cần lưu tâm nhất để tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thời hội nhập. “Điều tôi đặc biệt lo ngại khi hội nhập không phải là doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp nếu không cạnh tranh được thì chết. Nhưng 100.000 doanh nghiệp hôm nay chết, ngày mai sẽ có 200.000 doanh nghiệp khác mọc lên. Mà tôi lo ở con người”, ông Thành nói.

Đại diện CIEM cho hay nhiều cán bộ vẫn có suy nghĩ họ làm việc cho cơ quan Nhà nước, được quyền xử lý hay không xử lý các vụ việc, hoặc do chính sách, năng lực cán bộ hạn chế khiến thủ tục rắc rối. Mặt khác, doanh nghiệp lại có tâm lý khi đến cơ quan công quyền là đi xin làm thủ tục, nhờ cậy làm thủ tục, chứ không phải được phục vụ vì bản thân đã trả phí, dẫn đến cán bộ công quyền càng có cơ hội sai trái.

Chẳng hạn, báo chí gần đây phản ánh một nhà đầu tư nước ngoài bị đòi 15.000 USD (khoảng 330 triệu đồng) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư. “Không một luật nào quy định phải đưa 15.000 USD mới được cấp đăng ký kinh doanh. Đây là do cán bộ công vụ gây khó khăn. Cần chế tài với những hành vi cản trở doanh nghiệp làm thủ tục hành chính”, bà Thảo nhận xét.

Tại cuộc đối thoại giữa hải quan và doanh nghiệp ngày 29/10, dại diện công ty An Đô cũng bộc bạch mấy năm gần đây cảm thấy mệt mỏi trong việc kiểm tra chuyên ngành. Hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã phải nộp 620 triệu đồng và cử thêm một nhân viên chuyên đảm nhiệm việc này.

“Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không linh động bởi cùng một mẫu hàng mà vẫn phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Ví dụ như cái ô che mưa nắng cũng phải kiểm tra chuyên ngành, một tấn vải chỉ mất một vài triệu tiền thuế nhưng mất 8 triệu kiểm tra chuyên ngành, cho nên các doanh nghiệp nhỏ chỉ muốn lậu thuế cho nhanh, đỡ tốn kém”, vị này bức xúc.

Những lời kêu than như vậy đã được bày tỏ nhiều lần trong các cuộc đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan do Bộ Tài chính tổ chức nhiều năm qua. Trong bối cảnh ấy, hàng loạt chính sách đã được đưa ra để cải cách thủ tục hành chính, mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn, đặc biệt là Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Hệ quả là Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng 3 bậc so với năm ngoái, xếp thứ 90 trên 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo báo cáo Doing Business 2016. “Việc tăng bậc cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong quá trình cải cách. Trong báo cáo này, Việt Nam là ngôi sao sáng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Sebastian Eckart – chuyên gia của Ngân hàng Thế giới chia sẻ.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá doanh nghiệp gần đây đã ghi nhận những đường hướng cải cách, thay đổi mà Chính phủ đề ra, đặc biệt là việc ban hành hai Nghị quyết 19 với tư duy rất mới. “Rõ ràng những nỗ lực chính sách của cơ quan quản lý đã ghi nhận”, bà Thảo đồng tình.

Báo cáo Doing Business 2016 cho biết Việt Nam đã giảm được 40 giờ nộp thuế và 62 giờ nộp bảo hiểm so với năm ngoái. Con số này chưa tính tới tác động của những chính sách mới ban hành, bởi báo cáo chỉ tính toán thời gian doanh nghiệp thực hiện thủ tục thuế trong năm 2014. Hay với khởi sự kinh doanh, chỉ số này cải thiện 6 bậc và có thể còn được xếp hạng cao hơn nếu ghi nhận những thay đổi từ Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7/2015.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đau đáu chính sách tốt, nhưng quá trình thực thi sẽ ra sao để không còn nghe những tiếng kêu như của các doanh nghiệp trên. Ông Đậu Anh Tuấn cho biết doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng nhiều vào những chuyển biến về sự chuyên nghiệp, thông thoáng của thủ tục hành chính trên thực tế, của từng công chức cụ thể.

Chẳng hạn, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế cần nỗ lực rất lớn và không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng ngân sách đang tạo sức ép lên bộ máy hành thu thuế các cấp. Quan hệ giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp là quan hệ nhạy cảm, bất tương xứng về quyền lực. Tuy nhiên, cải cách trong lĩnh vực thuế dù nhỏ sẽ có những hiệu ứng lớn, tác động đến tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động.

“Tôi biết ngành thuế thời gian qua đã và đang nỗ lực rất lớn để cải cách thủ tục hành chính, giảm định kiến của xã hội đối với ngành. Không gian cải cách còn rất lớn và kết quả cuối cùng phải là sự hài lòng của doanh nghiệp. Thu được thuế nhưng phải thu được lòng dân. Rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực thi, thu hẹp sự lệch pha giữa quyết định hành chính và quyết định kinh doanh là công việc cần phải làm trong thời tới”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Minh Thảo cho hay Việt Nam vẫn đang ở nửa cuối của bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu nên càng có áp lực phải thay đổi nhiều hơn nữa. Nghị quyết 19 mới có sự vào cuộc của một số Bộ, cần kêu gọi thêm nhiều Bộ, ngành khác quan tâm, ngoài ra cũng cần sự hưởng ứng của các địa phương để cải thiện các chỉ số, như bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, giao thương quốc tế…

Đại diện VCCI đề xuất cải cách không chỉ hướng vào các chỉ số, lĩnh vực mà WB đánh giá mà còn rất nhiều vấn đề đang ảnh hưởng đến gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ.

Ông Tuấn lấy ví dụ quy định kế toán yêu cầu tất cả doanh nghiệp phải có kế toán trưởng, kế toán viên, tuân thủ mẫu biểu sổ sách kế toán như nhau, lập và công bố báo cáo tài chính hàng năm… đang tạo ra gánh nặng lớn về thủ tục cho các doanh nghiệp nhỏ. Việt Nam hiện có gần 42% doanh nghiệp tư nhân doanh thu hàng năm dưới ngưỡng một tỷ đồng và 85% có doanh thu dưới một triệu USD, một tiêu chuẩn rất thấp so với các nước. Sự bất cập này dẫn tới thực trạng là hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện hay thực hiện rất hình thức các quy định, vừa gây tốn kém mà không có ý nghĩa trong quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, chế tài đối với những cán bộ, cơ quan thực thi chưa tốt chính sách cũng cần thực hiện quyết liệt, công khai, bên cạnh việc nêu gương những địa phương, cơ sở làm tốt. “Khi người đứng đầu quyết liệt thì sẽ tạo ra áp lực thực thi. Chẳng hạn, cơ quan có thể lắp camera, ghi âm để xem thái độ phục vụ của công chức. Điều này không hề khó, nhưng quan trọng cần phải quyết tâm chứ không phải lắp camera xong để đó”, đại diện CIEM cho hay.

Đối với doanh nghiệp, bà Thảo cho rằng cần phải cập nhật thông tin, chính sách, tìm hiểu quy định luật lệ mới để không bị cơ quan công quyền bắt nạt, đòi hỏi những chi phí không chính thức.

“Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút dòng vốn đầu tư”, bà Thảo nhận xét.

Theo vnexpress


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề