Lợi ích trên hết

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc đến ý tưởng về một ngân hàng phát triển mới ở châu Á vào năm 2013, Washington không để ý là mấy.

Tình thế nay đã khác bởi hàng loạt đồng minh thân cận của Mỹ đã tham gia hoặc đang cân nhắc dù ban đầu thẳng thừng lắc đầu.

“Thảm họa ngoại giao” nổ ra đối với Mỹ hôm 12-3 khi Anh tuyên bố tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu với tư cách thành viên sáng lập. Mỹ chưa hết choáng váng thì 3 ngày sau, các “ông lớn” Đức, Pháp, Ý của Liên minh châu Âu (EU) theo bước Anh, bỏ ngoài tai những cảnh báo cả công khai lẫn riêng tư của Mỹ.

Tại châu Á – Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Úc đang “cân nhắc cẩn thận”. Báo chí Úc tiết lộ Canberra định đầu tư khoảng 2,3 tỉ USD vào AIIB và quyết định cuối cùng có thể được gút trong cuộc họp nội các hôm 23-3.

Ngạc nhiên hơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Taro Aso vừa đánh tiếng Tokyo có thể xem xét gia nhập nếu AIIB bảo đảm các tiêu chuẩn về cho vay. Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga lại nói: “Chúng tôi đang rất thận trọng”, qua đó phản ánh thế khó xử của Tokyo – xuất phát từ quan hệ với Mỹ cộng với việc AIIB là đối thủ tiềm năng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nơi luôn có giám đốc là người Nhật.

Diễn biến này khiến Washington lo ngại sâu sắc! Không chỉ đe dọa vị thế của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và ADB – các định chế tài chính Mỹ nắm quyền chi phối, AIIB nhiều khả năng còn phá thế chủ đạo về kinh tế của Washington tại châu Á – Thái Bình Dương cũng như xói mòn nỗ lực duy trì sức mạnh quân sự vượt trội trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á.

Sức hút của AIIB, theo giới phân tích, rõ ràng đến từ thị trường lẫn núi tiền khổng lồ của Trung Quốc. Từ chối AIIB, các nước châu Âu có nguy cơ bỏ qua một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng địa – chính trị mạnh nhất thế giới. Hơn nữa, EU thấy không có lý do gì phải hy sinh lợi ích kinh tế để hỗ trợ những mục tiêu chiến lược của Mỹ trong khi Washington không có khả năng hoặc không muốn “đền đáp”. Trong khi đó, tương tự Trung Quốc, các thế lực kinh tế mới nổi như Brazil và Ấn Độ không thỏa mãn với vai trò ít ỏi tại WB hay IMF. Vì vậy, dù rất vồn vã với Washington, New Delhi vẫn là nhà đầu tư lớn thứ hai của AIIB.

Thêm một vấn đề khác, cả WB và ADB đều không thể đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng ở châu Á – lên đến ít nhất 8.000 tỉ USD từ năm 2010-2020, theo ADB. Ngồi trên kho dự trữ ngoại hối 3.000 tỉ USD, Bắc Kinh thừa sức nắm bắt cơ hội này, nhất là khi nhiều dự án của chính họ sẽ hưởng lợi, như đường sắt cao tốc nối Vân Nam với Đông Nam Á, các cảng ở Indonesia, Pakistan và Sri Lanka, “con đường tơ lụa” mới từ Trung Á đến châu Âu…

Câu hỏi đặt ra là Mỹ xử lý thách thức này ra sao? “Giữ thế đối lập là một sai lầm lớn” – ông Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua, phân tích với tờ The New York Times. Theo ông, thay vì tẩy chay, Mỹ nên “khôn ngoan hơn” bằng cách giữ vai trò nào đó trong AIIB để tác động vào quá trình hình thành cũng như hoạt động của nó.

Vả lại, dù góp hơn phân nửa của số vốn 50 tỉ USD ban đầu nhưng chưa chắc Trung Quốc thống trị được AIIB khi các nền kinh tế lớn cũng có mặt. Không thể phủ nhận quyền lực mềm của Mỹ đang suy giảm song Mỹ có thể cứu vãn tình thế bằng cách hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bởi theo chuyên gia Daniel Blumenthal thuộc Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ: “AIIB chỉ là công cụ để Trung Quốc tuần hoàn vốn giữa lúc đà tăng trưởng chững lại, còn TPP mới thực sự là tương lai kinh tế của châu Á”.

(Mỹ Nhung Người Lao Động)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề