Liệu Putin có thể sống sót?

Nhiều người cho rằng Vladimir Putin điều hành nước Nga như một kẻ độc tài, từng uy hiếp và loại trừ những kẻ chống đối, đồng thời tạo ra một mối đe dọa lớn đối với những nước xung quanh. Đó là một quan điểm hợp lý, nhưng có lẽ nó cần được suy xét lại trong hoàn cảnh những sự kiện gần đây.

Ukraine và nỗ lực để đảo ngược sự suy thoái của nước Nga

Trước hết hiển nhiên phải bắt đầu từ Ukraine. Đây là quốc gia có ý nghĩa chiến lược quan trọng, được Nga xem như một nước đệm để chống lại phương Tây, và là con đường vận chuyển năng lượng sang châu Âu – một yếu tố nền tảng của kinh tế Nga. Ngày 1/1, Viktor Yanukovich, một người được xem là có thiên hướng thân Nga, vẫn là Tổng thống Ukraine. Với sự phức tạp của xã hội và chính trị Ukraine thì cũng khó để nói rằng, dưới sự cầm quyền của Yanukovich, Ukraine đơn giản chỉ là một con rối của Nga. Nhưng có thể nói khi Yanukovich và đồng sự còn đương nhiệm thì những lợi ích cơ bản của Nga tại Ukraine đã được bảo đảm.

Điều này cực kỳ quan trọng đối với Putin. Putin thay thế Boris Yeltsin vào năm 2000 một phần là do “thành tích” điều hành của Yeltsin trong chiến tranh Kosovo. Nước Nga lúc ấy đã liên minh với người Serbia và trước đó không muốn NATO khởi động cuộc chiến chống lại nước này. Tuy nhiên những yêu sách của Nga đã bị phương Tây phớt lờ. Mặt khác, khi cuộc không kích không đủ ép Belgrade đầu hàng, Moscow đã thương lượng một thỏa hiệp cho phép Mỹ và quân NATO thâm nhập và quản lý Kosovo. Theo thỏa thuận, quân đội Nga được hứa hẹn sẽ đóng một vai trò chính yếu trong việc gìn giữ hòa bình ở Kosovo. Tuy nhiên, trên thực tế quân Nga đã không bao giờ được cho phép thực thi vai trò đó. Yeltsin khi ấy đã không thể đáp trả lại sự sỉ nhục này.

Putin lên thay Yeltsin cũng vì tình trạng kinh tế thảm khốc của Nga. Tuy nước này trước nay vẫn nghèo, có một cảm giác rộng khắp là dẫu sao Nga cũng là một lực lượng cần được thừa nhận trên trường quốc tế. Tuy nhiên dưới thời Yeltsin, Nga càng nghèo hơn và bị quốc tế rẻ rúng. Putin phải giải quyết cả hai vấn đề này. Ông ta mất một thời gian dài để khôi phục lại sức mạnh của Nga mặc dù trước đó Putin đã nói sự sụp đổ của Liên Xô là tai họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20. Điều này không có nghĩa là ông ta muốn gầy dựng lại một Liên Xô đã tan rã, mà muốn sức mạnh của Nga được coi trọng trở lại, và ông muốn bảo vệ và phát huy những lợi ích quốc gia của Nga.

Tình thế thay đổi khi Cách mạng Cam xảy ra tại Ukraine vào năm 2004. Năm đó, Yanukovich được bầu làm tổng thống trong tình trạng đầy uẩn khúc, và những người biểu tình đã buộc ông ta phải chấp nhận cuộc bầu cử lần hai. Kết quả là ông ta thất cử, và chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền. Khi đó Putin cáo buộc rằng CIA và các tổ chức tình báo phương Tây đã dàn xếp các cuộc biểu tình. Một cách tương đối công khai, Putin cho rằng đây là thời điểm mà phương Tây có ý định phá hủy Liên bang Nga như đã từng làm với Liên bang Xô Viết. Tầm quan trọng của Ukraine đối với Nga là hiển nhiên. Vì thế Putin cho rằng CIA đã đứng sau các cuộc biểu tình ở Ukraine để đẩy Nga vào tình thế nguy hiểm, và điều này chỉ có thể được lý giải bởi mong muốn làm cho nước Nga sụp đổ. Sau sự kiện Kosovo, Putin đã ra mặt chuyển thái độ từ nghi ngờ sang thù địch đối với phương Tây.

Từ 2004 đến 2010, Nga đã nỗ lực để xoay chuyển tình thế của cuộc Cách mạng Cam. Nga đã xây dựng lại quân đội, tập trung vào bộ máy tình báo, và tận dụng mọi ảnh hưởng về kinh tế để cải thiện quan hệ với Ukraine. Giả sử người Nga không thể kiểm soát được Ukraine, họ cũng không muốn để Mỹ và phương Tây làm được điều đó. Đây tất nhiên là lợi ích ngoại giao thiết yếu, tuy không phải là duy nhất của Nga.

Việc Nga xâm lược Grudia có liên quan nhiều đến Ukraine hơn là vùng Caucasus (Cap-ca-dơ). Lúc đó Mỹ vẫn đang lấn sâu vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Dù Washington không có những ràng buộc chính thức với Grudia, nhưng hai bên có mối quan hệ khá thân thiết và có những đảm bảo ngầm. Nga có hai mục tiêu khi xâm chiếm Grudia. Thứ nhất, Nga muốn cho khu vực thấy rằng quân đội Nga đã phục hồi trở lại sau tình trạng lộn xộn hồi năm 2000, và đến 2008 đã có thể hành động quả quyết. Thứ hai là chứng minh cho khu vực mà đặc biệt là Kiev, rằng những bảo đảm của Hoa Kỳ, dù là công khai hay ẩn ý, cũng không hề có giá trị. Năm 2010, Yanukovich thắng cử trở thành tổng thống Ukraine, lật ngược tình thế thời Cách mạng Cam và từ đó hạn chế ảnh hưởng của phương Tây lên đất nước này.

Khi nhận ra vết nứt ngày càng sâu rộng với Nga và xu hướng lánh xa Hoa Kỳ trong khu vực, chính quyền Obama đã nỗ lực tái tạo lại nhưng mối quan hệ trước đây khi Hillary Clinton đề nghị với Putin một “nút tái khởi động” quan hệ vào năm 2009. Nhưng Washington muốn phục hồi mối quan hệ trở lại thời điểm mà Putin cho là “những ngày xưa tồi tệ”. Theo lẽ tự nhiên, Putin không hề hứng thú với đề nghị này. Thay vào đó, ông ta nhận thấy động thái mang tính phòng thủ từ phía Hoa Kỳ, và dự định sẽ khai thác lợi thế của mình.

Thế là Putin bắt đầu từ châu Âu, sử dụng sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga để thắt chặt quan hệ với khu vực, đặc biệt là Đức. Nhưng thời cơ chỉ đến trong giai đoạn chiến sự ở Syria. Lúc đó chính quyền Obama đe dọa sẽ không kích sau khi Damascus sử dụng vũ khí hóa học, để rồi về sau rút lại lời đe dọa đó. Nga đã phản đối mạnh mẽ động thái của Obama và thay vào đó đề nghị một tiến trình hòa giải. Như vậy, sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, Nga tỏ ra quyết đoán và có khả năng, trong khi Mỹ lại thiếu quyết đoán và vô dụng. Sức mạnh của Nga theo đó mà vươn lên và vị thế của Putin cũng được nâng cao, mặc cho nền kinh tế đang suy yếu.

Gió đổi chiều bất lợi cho Putin

Những diễn biến ở Ukraine năm nay là thảm họa đối với Putin. Hồi tháng 1, Nga vẫn chi phối Ukraine. Đến tháng 2, Yanukovich chạy trốn khỏi Ukraine và chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền. Putin mong đợi sẽ có một làn sóng nổi dậy chống chính quyền lâm thời từ miền Đông Ukraine sau khi Yanukovich bị lật đổ, nhưng điều này đã không xảy ra. Trong khi đó, chính phủ Kiev đã tự củng cố quyền hành với sự hỗ trợ của nhóm cố vấn phương Tây. Đến tháng 7, Nga chỉ kiểm soát vài khu vực nhỏ của Ukraine. Khu vực này bao gồm Crimea, nơi mà quân đội Nga trước nay vẫn toàn quyền chiếm cứ trên danh nghĩa hiệp ước, và một tam giác trải từ Donetsk đến Luhansk và Severodonetsk, những nơi mà một số nhỏ phiến quân kiểm soát khoảng hơn một chục thị trấn, rõ ràng với sự hỗ trợ từ lực lượng đặc nhiệm của Nga.

Nếu không có cuộc nổi dậy nào xảy ra, chiến thuật của Putin là để mặc cho chính phủ Kiev tự tan rã, đồng thời tách Mỹ ra khỏi châu Âu bằng cách lợi dụng những liên kết chặt chẽ về thương mại và năng lượng của Nga với khu vực. Đến lúc này thì tai nạn máy bay của Malaysia Airlines trở nên then chốt. Nếu quả thực Nga đã cung cấp hệ thống phòng không cho quân ly khai và đưa người vào để điều khiển hệ thống đó (bởi việc điều khiển đòi hỏi quá trình huấn luyện kỹ càng), thì Nga sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc bắn rơi máy bay. Điều đó có nghĩa là chiến thuật tách châu Âu ra khỏi Hoa Kỳ cũng khó mà đạt được. Putin theo đó cũng thay đổi: từ một lãnh đạo có năng lực, sắc sảo, một người sử dụng quyền lực một cách tàn nhẫn, trở thành một kẻ bất lực nguy hiểm, tiếp tay cho một cuộc nổi loạn vô vọng với những vũ khí hoàn toàn bị đặt nhầm chỗ. Và dù một số nước có thể phản đối việc đối đầu với Putin nhưng phương Tây đã phải chấp nhận thực tế về mức độ “hiệu quả” và “lý trí” của ông ta.

Trong khi đó, Putin phải suy ngẫm về kết cục của những người tiền nhiệm. Nikita Khrushchev trở về nước sau kỳ nghỉ năm 1964 chỉ để nhận ra mình đã bị thay thế bởi người mình bảo hộ là Leonid Brezhnev, rồi bị kết tội “tính toán khinh suất” (“harebrained scheming”) bên cạnh những cáo buộc khác. Không lâu trước đó, Khrushchev đã bị mất mặt vì vụ khủng hoảng tên lửa Cuba. Thêm vào đó, thất bại trong việc phát triển kinh tế sau một thập kỷ nắm quyền cũng khiến cho những đồng sự thân cận nhất cho ông ta “về hưu”. Bước trượt dài trong ngoại giao và kinh tế đã khiến cho một nhân vật lừng lẫy như thế cuối cùng bị phế truất.

Kinh tế của Nga nay tuy không thảm hại như thời Khrushchev hay Yeltsin, nhưng gần đây đang lao dốc và quan trọng hơn là không đáp ứng được mong đợi. Sau khi phục hồi từ khủng hoảng năm 2008, tỉ lệ tăng trưởng GDP của Nga đã giảm đi, và theo dự đoán của ngân hàng trung ương thì năm nay GDP sẽ không tăng. Với những khó khăn và áp lực hiện tại, chúng tôi đoán là kinh tế Nga sẽ sớm rơi vào khủng hoảng trong năm 2014. Mức nợ của chính quyền địa phương đã tăng gấp đôi trong vòng 4 năm qua, và có vài nơi đang ở gần bờ vực phá sản. Một số hãng khai khoáng và luyện kim cũng tương tự. Khủng hoảng chính trị ở Ukraine càng làm cho tình hình tồi tệ hơn. Chỉ 6 tháng đầu năm nay, dòng vốn chảy ra khỏi Nga đã lên tới 76 tỉ đô la, trong khi con số này ở mức 63 tỉ cho cả năm 2013. Đầu tư nước ngoài giảm 50% trong nửa đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013. Việc giá dầu vẫn đạt mức cao 100 đô la/thùng vẫn không thể cứu vãn được tình hình.

Sự ủng hộ trong nước với Putin đã tăng lên sau thành công của Thế Vận hội mùa đông Sochi, và sau khi báo đài phương Tây khiến Putin trông như một kẻ xâm lược ở Crimea. Dẫu sao thì Putin cũng luôn gây dựng danh tiếng cho mình qua sự cứng rắn và hung hăng. Nhưng khi thực tế ở Ukraine càng rõ ràng hơn, thắng lợi vĩ đại này sẽ được coi như là nhằm che đậy một sự thoái lui trong giai đoạn kinh tế đang nguy khốn. Đối với nhiều nhà lãnh đạo thì sự kiện ở Ukraine không mang lại một thách thức lớn đến vậy. Nhưng với Putin thì khác, bởi ông ta đã gắn hình ảnh của mình với chính sách ngoại giao cứng rắn, và hơn nữa, tình trạng kinh tế đồng nghĩa với việc tỉ lệ ủng hộ đối với Putin cũng không được cao trước khi khủng hoảng Ukraine xảy ra.

Viễn cảnh nước Nga thời hậu Putin

Dưới thể chế mà Putin đang góp công gầy dựng, quá trình dân chủ dường như không phải là chìa khóa để hiểu được những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Putin đã khôi phục những đặc tính thời Liên Xô trong cơ cấu chính phủ, và dùng cả từ “Bộ Chính trị” (“Politburo”) cho những nhóm nội các bên trong. Tất nhiên đây là nhóm những người được Putin đích thân chọn lựa và được cho là sẽ trung thành với ông ta. Nhưng nếu nhìn lại “Bộ Chính trị” kiểu Liên Xô, những người đồng sự thân cận thường là những kẻ đáng sợ nhất.

Mô hình Bộ Chính trị được thiết lập để giúp nhà lãnh đạo tập hợp đồng minh từ các bè phái. Putin rất giỏi việc này, và cũng rất thành công trong những gì ông đã làm cho đến nay. Tuy nhiên, khả năng gắn kết mọi thứ của Putin sẽ giảm đi khi niềm tin với khả năng đó suy giảm, và khi các phe cánh bắt đầu tìm cách ra tay do lo ngại về việc tiếp tục gắn kết với một lãnh đạo đang thất thế. Giống như Khrushchev, người từng thất bại trong chính sách kinh tế và đối ngoại, Putin cũng có thể bị chính đồng sự của mình phế truất.

Thật khó để biết một cuộc khủng hoảng thừa kế sẽ xảy ra thế nào, khi mà quá trình thừa kế theo hiến pháp tồn tại song song với chính phủ không chính thức của Putin. Xét theo lập trường dân chủ, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Thống đốc Moscow Sergei Sobyanin cũng được lòng dân như Putin, và tôi đoán là họ sẽ sớm được ủng hộ nhiều hơn nữa. Nếu xét theo kiểu tranh giành quyền lực thời Xô Viết, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Sergei Ivanov và Chủ tịch Hội đồng An ninh Nicolai Patryushev cũng là những đối thủ tiềm năng. Nhưng vẫn còn có những người khác nữa. Rốt cục, có mấy ai dự đoán được sự nổi lên của Mikhail Gorbachev?

Những nhà chính trị gặp sai lầm trong tính toán và điều hành thì cuối cùng khó mà tồn tại được. Putin đã toan tính sai ở Ukraine, khi không dự đoán được sự sụp đổ của một đồng minh, để không phản ứng được một cách hiệu quả rồi sau đó là gặp cú vấp nặng nề khi cố gắng tái diễn cuộc đảo chính. Việc điều hành kinh tế của Putin gần đây cũng không có gì đáng kể. Các đồng sự của ông tin rằng họ có thể làm tốt hơn, và giờ đây có những người quan trọng ở châu Âu sẽ vui mừng nếu ông mất chức. Putin phải nhanh chóng đảo ngược tình hình, nếu không ông có thể bị thay thế.

Putin vẫn còn lâu mới hết thời. Nhưng ông ta đã điều hành trong suốt 14 năm, tính cả lúc Dmitri Medvedev chính thức nắm quyền, và đó là một quãng thời gian dài. Putin có thể khôn khéo phục hồi lại chỗ đứng, nhưng theo tình hình hiện nay, tôi đoán là những suy nghĩ âm thầm đang dấy lên trong đầu những đồng sự của ông ta. Chính Putin mỗi ngày phải cân nhắc lại những lựa chọn của mình. Việc lùi bước trước phương Tây và chấp nhận nguyên trạng ở Ukraine quả là khó khăn, khi xét đến việc Kosovo ngày trước đã tạo bệ phóng quyền lực cho ông cũng như những phát biểu của ông về Ukraine trong nhiều năm qua. Nhưng không có gì chắc chắn về tình hình hiện tại. Nước bài ẩn trong tình huống này là nếu Putin nhận thấy mình đang gặp rắc rối nghiêm trọng, ông ta có thể trở nên càng hung hăng hơn. Tôi không thể chắc chắn liệu Putin có gặp rắc rối thật sự hay không, nhưng đó là một khả năng khi mà gần đây có quá nhiều thứ xảy ra bất lợi với ông ta. Cũng như trong bất cứ cuộc khủng hoảng chính trị nào, những lựa chọn ngày càng cực đoan sẽ được xem xét khi tình hình diễn tiến xấu đi.

Những ai từng nghĩ rằng Putin là nhà lãnh đạo Nga áp bức và hung hăng nhất thì nên xem lại vì điều này không đúng. Ví dụ, Lenin rất đáng sợ. Nhưng Stalin càng tệ hơn. Tương tự, rồi đến một lúc nào đó, thế giới sẽ nhìn lại thời Putin như một giai đoạn phóng khoáng tự do. Nếu cuộc tranh đấu giữa một bên là Putin để sống sót và bên kia là những kẻ thách thức để thay thế ông ta trở nên gay gắt hơn thì khả năng là tất cả các bên sẽ càng sẵn lòng trở nên ngày một tàn nhẫn hơn.

Nghiên cứu quốc tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề