Liệu chính sách đối ngoại của ông Tập có thay đổi thực chất?

Đạt được thỏa thuận với Mỹ về cách ứng xử trong lĩnh vực quân sự, cam kết cấp 20 tỷ USD tín dụng cho các nước Đông Nam Á, nhân Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh, Thượng đỉnh Bắc Á tại Miến Điện, Trung Quốc tìm cách xếp sang một bên các căng thẳng trong thời gian gần đây, để biểu lộ với thế giới một loạt các động thái hòa dịu hơn.

Câu hỏi được đặt ra là phải chăng, sau hai năm cầm quyền, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thay đổi hẳn chính sách đối ngoại? Đài Quốc tế Pháp đặt câu hỏi?

Theo giới quan sát, giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, còn quá nhiều bất đồng, như vụ gián điệp tin học, các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, thậm chí, cả về di sản của thời kỳ chiến tranh.

Trong năm qua, Bắc Kinh đã gây ra nhiều căng thẳng, như thiết lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, đưa dàn khoan dầu khổng lồ vào vùng biển mà Việt Nam khẳng định thuộc chủ quyền của mình, phô trương các loại vũ khí hiện đại, trong đó có máy bay tiêm kích tàng hình.

Thế nhưng, khi đón tiếp Thượng đỉnh APEC, ông Tập Cận Bình đã có một loạt các động thái hòa dịu, khi gặp các lãnh đạo Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Tổng thống Mỹ; Bắc Kinh và Washington đạt được thỏa thuận chống biến đổi khí hậu và giảm rủi ro hiểu lầm trong ứng xử giữa quân đội hai nước.

Theo ông Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong), phụ trách Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại đại học Nhân dân Bắc Kinh, cố vấn về đối ngoại cho chính phủ, được Reuters trích dẫn, thì “còn phải quan sát những gì sẽ xảy ra trong 12 tháng tới, hoặc lâu hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng giờ đây, chúng ta chứng kiến sự khởi đầu của một sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh”.

Vẫn theo chuyên gia này, Trung Quốc đã dùng sức mạnh tài chính thay thế cho sức mạnh quân sự, để thực hiện chính sách ngoại giao, như lập quỹ 40 tỷ USD cho dự án Đường tơ lụa mới trên biển, hay đóng góp 50 tỷ USD cho Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á, trước Thượng đỉnh APEC. Từ tháng Năm đến nay, Trung Quốc đã cam kết tài trợ hơn 120 tỷ USD cho Châu Phi, Đông Nam Á và Trung Á.

Xã luận Trung Hoa Nhật báo, ngày 17/11 viết: “Trung Quốc thành thật hy vọng sẽ đóng vai trò như một cường quốc có trách nhiệm”.

Thế nhưng, giới phân tích cho rằng, nguyên nhân, cội nguồn của các bất đồng này vẫn còn đó và truyền thông của Bắc Kinh cũng phải thừa nhận. Sau cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Barack Obama, Tân Hoa Xã nhận định: Cuộc gặp diễn ra một cách hữu nghị, nhưng “vẫn còn rất nhiều việc phải làm để biến các cam kết thành hiện thực”.

Gần như để nhắc nhở Hoa Kỳ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, một ngày trước cuộc gặp Thượng đỉnh Tập Cận Bình – Barack Obama, quân đội Trung Quốc cho trình diễn một loại máy bay tiêm kích tàng hình tối tân.

Chuyên gia Cổ Khánh Quốc (Jia Qingguo), Trưởng khoa quan hệ quốc tế, đại học Bắc Kinh, đồng thời cũng là cố vấn về chính sách đối ngoại cho chính phủ Trung Quốc, nhận định: “Còn rất nhiều vấn đề tồn tại và có nhiều điều bấp bênh trong những ngày tới”.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc tìm cách trấn an các nước láng giềng luôn luôn lo sợ là sự phát triển mạnh kinh tế sẽ thúc đẩy Bắc Kinh có những cách hành xử cứng rắn, thô bạo về ngoại giao và quân sự. Do vậy, tại Thượng đỉnh Bắc Á ở Miến Điện, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng ký hiệp định hữu nghị với các nước Đông Nam Á.

Về phần mình, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng cuộc gặp của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề APEC đã diễn ra tốt đẹp, nhưng quân đội Philippines khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh giảm bớt sự hiện diện tại các nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Manila ở Biển Đông.

Trong khu vực Bắc Á, mặc dù có Thượng đỉnh Tập Cận Bình – Shinzo Abe bên lề APEC, nhưng Trung Quốc vẫn chủ trương tổ chức rầm rộ vào năm tới. Năm 2015, kỷ niệm 70 năm kết thúc Đại chiến thế giới lần thứ hai, một cách để nhắc nhở Tokyo về tội ác của quân đội Nhật Hoàng và theo các nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh, thì Tokyo rất chú ý theo dõi sự kiện này.

Hồ sơ tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc – Ấn Độ cũng không có gì được cải thiện.

Thừa nhận mối lo ngại của thế giới đối với Trung Quốc, mới đây, phát biểu trước nghị viện Úc, Chủ tịch Trung Quốc đã tìm cách trấn an khi nhắc lại một thành ngữ đã được nói từ xa xưa: “Một nước hiếu chiến, cho dù có to lớn đến đâu, cũng sẽ lụi tàn”.

Thế nhưng, theo Reuters, ông Tập Cận Bình đã cố tình không trích dẫn nốt phần cuối câu nói này: “Cho dù thế giới có hòa bình, một quốc gia sẽ bị đe dọa nếu như không chuẩn bị chiến tranh”.

Nguồn: BizLive


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề