Ký ức về trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi

Cố giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã kể lại trong một bài đăng trên báo Vệ Quốc Đoàn những năm đầu kháng chiến chống Pháp rằng khi ở trạm quân y tiền phương ông đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến em Ngọc (tức Nguyễn Văn Trình), một thiếu sinh liên lạc 12 tuổi bị thương từ mặt trận chuyển đến.

Với tấm lòng của người Ông, người Cha sau khi nghe chuyện kể lại – Bác Hồ đã nói với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đại ý rằng cần rèn luyện, đào tạo lớp lớp thanh thiếu niên này sẽ trở thành lực lượng bổ sung quan trọng cho quân đội và các ngành kinh tế, văn hóa trong cả nước. “Các cháu còn nhỏ, không nên để các cháu đi chiến đấu, chết uổng lắm, tuổi các cháu là phải được học hành”. Từ ý tưởng đó, các trường Thiếu sinh quân (TSQ) đã mọc lên từ miền Đông, miền Tây Nam bộ, đến Liên khu 5, Liên khu 4, Liên khu 3, Khu 10, Việt Bắc, tập trung mỗi trường ít thì 5, 7 chục, một vài trăm, nhiều thì hàng nghìn chú bé liên lạc, trinh sát từ khắp các chiến trường về học tập.

Ngày 10.11.1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký nghị định số 425/TCH thành lập trường TSQ Việt Nam do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị trực tiếp làm Hiệu trưởng. Vì hoàn cảnh chiến tranh, các trường TSQ từ Liên khu 4 trở vào Nam không có điều kiện về sáp nhập, còn lại các trường TSQ Liên khu 3, Khu 10, Việt Bắc, TSQ các Đại đoàn 308, 304, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu đều hành quân về Thái Nguyên hình thành trường TSQ Việt Nam với quy mô lớn: 3 tổng đội, 12 đại đội, quân số hơn 1.000 học viên.

18

Từ cuối năm 1951 thành phần học viên các trường TSQ được bổ sung thêm con em các cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, quân đội và các ngành ở Trung ương và địa phương. Con gái nhà cách mạng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai; con gái Tổng bí thư Trường Chinh; con các đồng chí lãnh đạo khác như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Văn Tiến Dũng và nhiều tướng lĩnh, Bộ trưởng, Thứ trưởng đã vào học tại các trường TSQ.

Tại Sài Gòn, ngày 15.10.1964, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, con người “như chân lý sinh ra”, đã giành những phút cuối cùng của đời mình để làm nên lịch sử. Anh đã hiên ngang lẫm liệt trước họng súng của Mỹ – Ngụy, đã chiến đấu và hy sinh như một người cộng sản. Sự hy sinh của Anh đã dấy lên một cao trào thi đua “Tất cả cho tiền tuyến”, đồng thời bùng lên khắp bốn biển năm châu một cao trào ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Ngày 27.07.1965, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “Thi đua sản xuất và chiến đấu chống Mỹ cứu nước”. Trong lời kêu gọi ấy, có đoạn Bác nói: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”. Lời kêu gọi như tiếng kèn xung trận thúc giục, cổ vũ nhân dân ta từ Nam đến Bắc bước vào thời kì kháng chiến oanh liệt nhất của dân tộc.

Trong bối cảnh lịch sử sôi động ấy, 3 tháng sau lời kêu gọi của Bác Hồ, ngày 15.10.1965, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định số 171/QĐQP về việc tổ chức Trường TSQ mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Sự ra đời của Trường là một biểu hiện cụ thể của công cuộc “trồng người” của Đảng, Bác và Quân đội, là một nội dung của đường lối kháng chiến, kiến quốc, chuẩn bị đội ngũ kế cận cho kháng chiến lâu dài, cho xây dựng Quân đội và cho kiến thiết đất nước sau này. Tuy nhiên nga từ tháng 4.1965, công tác chuẩn bị đã được Trung tướng Song Hào – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ trực tiếp cho Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh với hai yêu cầu: một là trường Văn hoá quân đội ở Trại Hòe, Hà Bắc sẽ được chuyển thành trường TSQ dạy văn hoá cho con em cán bộ đang chiến đấu trên các chiến trường và các gia đình có công, theo chương trình phổ thông từ lớp 5 đến lớp 10, kết hợp rèn luyện thêm về quân sự để sau này đào tạo thành cán bộ kế cận lâu dài cho quân đội, cho đất nước; hai là, phải tìm được địa điểm mới, đảm bảo an toàn. Trường sở có thể làm bằng tranh, tre, nứa, lá, cố gắng sao cho kịp nhận học sinh và khai giảng năm học mới ngay trong năm 1965.

Chính uỷ Bùi Khắc Quỳnh

Chính uỷ Bùi Khắc Quỳnh

Trải qua gần 50 năm qua, thầy và trò Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng đã giao. Thày và trò của trường đã vượt mọi khó khăn gian khổ trong những ngày đầu ở Trại Cờ, Trại Hòe (Hà Bắc), ở An Mỹ – Đại Từ (Bắc Thái) để xây dựng trường sở. Thầy trò cùng tham gia đắp nền nhà, vào rừng đốn cây, chặt nứa làm lán trại. Học sinh bắt ngay vào nhịp sống lao động, có học sinh tham gia cất nhà như người thợ thực thụ, dân địa phương phải ngợi khen. Nhiều giờ học đã phải dừng lại để xuống hầm trú ẩn. Thầy và trò dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà trường do Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh chủ trì, đã đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học trong điều kiện còn thiếu thốn về trang thiết bị cần thiết phục vụ giảng dạy và học tập.

Tiếp đó là những ngày Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi sang Quế Lâm (Trung Quốc) tiếp tục học tập để tránh chiến tranh phá hoại. Dù được sống đầy đủ ở Y Trung hay ở Phong Khẩu, thầy và trò luôn hướng về Tổ quốc, hướng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. “Thi đua dạy tốt, học tốt – vì miền Nam ruột thịt” là một phong trào thường xuyên sôi nổi của trường. Trên 70% học sinh tốt nghiệp ra trường của 8 khóa đã lần lượt tình nguyện nhập ngũ phục vụ Quân đội lâu dài. Hoài bão được đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt của nhiều thầy giáo và của các em học sinh được toại nguyện.

Hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn (đứng giữa hàng sau cùng) cùng các thầy và lớp Quyết thắng khóa 7, năm học 1967 - 1968 tại Quế Lâm.

Hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn (đứng giữa hàng sau cùng) cùng các thầy và lớp Quyết thắng khóa 7, năm học 1967 – 1968 tại Quế Lâm.

TSQ khóa 6, 7, 8 tại hội trường lớn ở Y Trung mừng Quốc khánh Việt Nam

TSQ khóa 6, 7, 8 tại hội trường lớn ở Y Trung mừng Quốc khánh Việt Nam

Tính cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây – Nam Tổ quốc, trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi có 2 thầy giáo và 28 học sinh đã anh dũng hy sinh.

Sau ngày toàn thắng 30.04.1975, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng, nhiều học sinh TSQ Nguyễn Văn Trỗi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Hội trường 15.10.1995 tại Hà Nội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Hội trường 15.10.1995 tại Hà Nội.

Thế hệ 8 khoá đã tiếp bước Cha Anh, giữ vững và phát huy truyền thống Quân đội, tinh thần Nguyễn Văn Trỗi trong công cuộc xây dựng đất nước. Nhiều học sinh trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành cán bộ trung, cao cấp trong Quân đội, cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền; nhiều em đã có những công trình nghiên cứu về kinh tế, KHKT xuất sắc trong và ngoài nước.

Trong buổi họp mặt truyền thống 30 năm thành lập trường vào ngày 15.10.1995, tại Hà Nội Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu: “… Trường Nguyễn Văn Trỗi tuy đã kết thúc đào tạo 25 năm nay, nhưng thực sự là một mô hình giáo dục tốt. Trường đã đào tạo rất bài bản những con người có lý tưởng cách mạng, yêu nước, thương dân, có trình độ văn hóa, khoa học, có sức khỏe. Tôi đã gặp nhiều cháu là học sinh nhà trường có đạo đức, có năng lực, làm việc rất tốt trong nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật và quản lý…

Trong tương lai, ta phải lập ra nhiều trường như trường Nguyễn Văn Trỗi. Và trong giáo dục, không chỉ chú trọng tới tầng lớp thanh niên, mà phải quan tâm đến cả thiếu niên, nhi đồng. Chính thế hệ trẻ được đào tạo tốt sẽ là chủ nhân tương lai, sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…”.

Thế hệ các cựu TSQ trường Nguyễn Văn Trỗi đã được “Sinh ra trong khói lửa”, thấm nhuần lý tuởng, rèn luyện theo kỷ luật quân đội, được tiếp thu những tinh hoa kiến thức của một tập thể các thầy, cô giáo đầy tài năng, nhiệt huyết để khi ra trường đã phấn đấu trưởng thành, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Bác, với công lao dạy dỗ của các thầy cô. Trường TSQ cho đến ngày nay tuy chỉ có một thời gian ngắn 5 năm với 8 khoá nhưng đã có ý nghĩa thiết thực, thực hiện một chính sách lớn với hai nội dung:

1. Các học sinh là con em của cán bộ trung – cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội. Để các đồng chí cán bộ có điều kiện yên tâm công tác, tận lực cho kháng chiến; Đảng, Nhà nước, quân đội đã tổ chức trường nuôi dưỡng và dạy dỗ các em. Đây là tình sâu nghĩa nặng và trách nhiệm to lớn.

2. Sau ngày chiến tháng, nhiệm vụ xây dựng Đảng, bảo vệ Nhà nước, củng cố quân đội là trách nhiệm của toàn dân, nhưng phải có lực lượng trung kiên. Đó chính là con em các đồng chí đã đổ xương máu để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi đã là nơi hội tụ và vun trồng những hạt giống đỏ, để bổ sung lực lượng cho quân đội, cho sự nghiệp cách mạng dài lâu của đất nước. Trọng trách của các thầy cô trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi thật cao cả, vinh quang! Sứ mạng của các học sinh trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi thật vẻ vang nhưng cũng thật nặng nề! Họ là các học sinh cơm lính, học tập theo kiểu lính và rèn luyện đúng như lính, một “tuổi thơ dữ dội”.

TRƯỜNG THIẾU SINH QUÂN NGUYỄN VĂN TRỖI

50 năm xây dựng và trưởng thành (1965 – 2015)

* Ban giám hiệu nhà trường qua các thời kì:

Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh (thượng tá, 1965 – 1970),
Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Điền (trung tá, tháng 12/1964 – tháng 8/1965).
Phạm Ngọc Điển (…): đặc phái viên của TCCT.
Hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn (trung tá, 1965 – 1968).

Anh hùng, liệt sĩ:

Có 2 thầy giáo và 28 học sinh anh dũng hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc:
Giáo viên: Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Văn Phố.
Huỳnh Kim Trung (1952-1972), Anh hùng LLVTND (truy tặng ngày 31/12/1973).
Khóa 1: Bùi Hữu Thích.
Khóa 3: Ngô Ngời, Lê Minh Tân, Cao Quốc Bảo.
Khóa 4: Nguyễn Văn Ngọc, Lâm Duy, Nguyễn Văn Ơn, Vũ Chí Dũng.
Khóa 5: Võ Dũng, Phạm Văn Hạo, Trịnh Thúc Doanh, Nguyễn Lâm, Vũ Kiên Cường.
Khóa 6: Chu Tấn Quang, Võ Nguyên Trọng, Đặng Bá Linh, Nguyễn Mạnh Minh, Nguyễn Tiến Quân, Đỗ Khắc Tiến.
Khóa 7: Y Hòa, Lại Xuân Lợi, Đặng Đình Kỳ, Ngô Tất Thắng, Nguyễn Khắc Bình, Trần Hữu Dân, Nguyễn Đức Thảo.
Khóa 8: Bùi Thọ Tuyến.
Các cán bộ cao cấp và tướng lĩnh trong LLVTND:
Cán bộ cao cấp:
Nguyễn Thiện Nhân, UVBCT, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch.
Dương Thành Bắc, Phó chánh Văn phòng BCHTW Đảng.
Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch UB Chứng khoán quốc gia.
Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Nguyễn Toàn Thắng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Các tướng lĩnh trong QĐ và Công an:
Nguyễn Chiến, trung tướng, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ.
Phạm Ngọc Nguyên, thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh quân chủng PK-KQ.
Vũ Nhật Minh, thiếu tướng, Phó Giám đốc Học viện KTQS.
Võ Đăng Thanh, thiếu tướng, Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ.
Bùi Quang Vinh, thiếu tướng, Tư lệnh Binh đoàn 11.
Từ Linh, thiếu tướng, Giám đốc Trung tâm thông tin KH-CN-MT.
Nguyễn Minh Đức, thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm TCKT.
Phạm Sơn Dương, thiếu tướng, Phó Giám đốc Viện KH-CN quân sự.
Phạm Ngọc Quảng, trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo.
Lê Văn Đạo, Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân Nhân dân.
Nguyễn Phục Quốc, thiếu tướng, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 175, TP Hồ Chí Minh…
Nguyễn Quang Bắc, thiếu tướng, Phó chủ nhiệm TCKT.
Trần Duy Anh, thiếu tướng, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108, Hà Nội.
Phạm Hòa Bình, thiếu tướng, Phó giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108, Hà Nội.
Tạ Quang Chính, thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị TCCN quốc phòng.
Phùng Thế Quảng, thiếu tướng, Phó tư lệnh QK7.

Các văn nghệ sĩ là thầy trò trường Nguyễn Văn Trỗi

Đại tá, nhà báo, NSƯT Nguyễn Chi Phan.
Đại tá, nhà báo Phan Đình Trọng.
Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Tuyến.
Họa sĩ Phạm Lực.
Đại tá, NSƯT Dương Minh Đức.
Nhà báo Lê Tường Long.
Đại tá, nhà báo Trần Hồ Bắc.
Nhà báo Trần Trường Chiến.
Đại tá, bác sĩ, họa sĩ Nguyễn Trung Liêm.

(Nguồn tư liệu “Sinh ra trong khói lửa” tập 1 + 2 của nhóm cựu học sinh trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi khoá 5 miền Bắc)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề