Kinh tế Trung Quốc khó, ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?

Đặc điểm nổi bật về tình hình Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tập Cận Bình là sự ưu tiên ổn định chính trị trước khi cải cách kinh tế. Với thứ tự này, những gì mà Trung Quốc đã thực hiện suốt thời gian qua là không để nền kinh tế “hạ cánh cứng”, thay vì ưu tiên cải cách.

Núi nợ của nền kinh tế

Với sự đóng băng của thị trường bất động sản – ngành chiếm tới 40% giá trị gia tăng của hàng chục ngành công nghiệp thượng du và hạ du, với sự suy giảm xuất khẩu (trưởng âm lần đầu tiên từ sau năm 2009) và các chính sách cắt giảm sản lượng, khí thải mà chính phủ yêu cầu, các doanh nghiệp công nghiệp đang ở vào thời điểm khó khăn nhất sau, từ năm 2009.

Sản xuất công nghiệp chỉ tăng trưởng 2-2,5% nửa đầu năm 2015. Đây là mức suy giảm lớn nếu so với mức tăng trưởng 10-15% trong vòng 5 năm trước. Theo số liệu Bộ Tài chính Trung Quốc, lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc đã giảm 0,7% – so với mức tăng trưởng 8-10% cách đây 2 năm. Trong đó, 9 tháng đầu năm lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm 8,2%. Trung Quốc hiện là quốc gia có mức nợ của khu vực doanh nghiệp lớn nhất thế giới, ước khoảng 160% GDP.

Gộp cả nợ của doanh nghiệp, hộ gia đình và chính quyền các cấp, quy mô nợ của Trung Quốc có thể đã lên tới 240-280% GDP năm 2014, tương đương 23.000-28.000 tỉ USD.

Vấn đề là khi để các khoản nợ tăng lên, Trung Quốc đã thiếu skiểm soát chặt chẽ về các chuẩn mực đối với (i) bên vay nợ, (ii) kênh vay nợ và (iii) lĩnh vực đầu tư của các khoản nợ. Cho nên, với quy mô nợ khổng lồ như vậy, khi nền kinh tế không còn tăng trưởng ở mức 2i con số và cơ hội kinh doanh sụt giảm, các khoản nợ đáo hạn nhanh chóng trở thành nợ xấu và lộ diện.

Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People’s Bank of China – PBoC, vốn là ngân hàng trung ương của nước này) liên tiếp cắt giảm lãi suất (8 lần kể từ tháng 11.2014) được cho là để kích thích khu vực sản xuất công nghiệp đang phải chống đỡ với cuộc suy giảm kéo dài.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc cắt giảm lãi suất còn nhằm giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Mặc dù lãi suất huy động đối với kỳ hạn tiền gửi một năm hiện đã lùi về ngưỡng dưới 2%, nhưng mỗi năm, NHTM Trung Quốc vẫn phải trả khoản lãi cho các tổ chức phi tín dụng tương đương 12,5% GDP, khoảng 1.300 tỉ USD.

Điểm sáng từ một số tín hiệu thị trường hóa

Trung Quốc hiện đã tự do hóa giá cả các hàng hóa cơ bản. Nước này đã để thị trường quyết định giá của một số mặt hàng năng lượng. Đến năm 2015, PBoC đã thị trường hóa lãi suất ở cả 2 chiều: lãi suất cho vay và lãi suất huy động.

Tuy nhiên, việc hệ thống NHTM vẫn do các NHTM nhà nước chi phối (4 NHTM lớn nhất chiếm tới 50% giá trị tài sản và 70% các khoản vay) nên hiệu quả thực tế của việc tự do hóa lãi suất bị hạn chế phần nào.

Năm 2015, Trung Quốc cũng đã ban hành một văn bản quan trọng được coi là định hướng cho lộ trình cải cách DNNN cũng như xóa bỏ chế độ kế hoạch hóa gia đình một con. Những biện pháp này nhằm giúp Trung Quốc thoát khỏi sự suy giảm năng lực cạnh tranh quốc tế. Nhưng các biện pháp cải cách đều cần thời gian, trong khi đó chính phủ cần có các kết quả kinh tế cụ thể cho từng năm. Điều này tạo ra khó khăn cho thứ tự ưu tiên của việc hoạch định chính sách.

Trung Quốc có hy sinh cải cách để đạt tăng trưởng?

Hai mục tiêu quan trọng mà ông Tập Cận Bình đưa ra là khẩu hiện “hai cái 100 năm”. Trong đó, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Trung Quốc sẽ hoàn thành việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả với mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 sẽ được ban hành vào tháng 3/2016, với hai điểm rõ nét. Thứ nhất, mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm năm kế tiếp có thể là 6-6,5%/năm. Thứ hai, những ưu tiên cải cách, thị trường hóa đã mờ nhạt hơn rất nhiều so với Hội nghị trung ương 3 khóa 18.

Kết thúc kế hoạch năm năm lần thứ 13 (năm 2020) cũng là thời điểm gần kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình (2017-2021). Điều này phát đi tín hiệu rằng, ông Tập Cận Bình có thể sẽ yêu cầu một chính sách kinh tế đảm bảo được duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức sao cho khẩu hiệu “hai cái 100 năm” của ông được thực hiện. Nếu vậy, quá trình cải cách trong các lĩnh vực quan trọng sẽ có thể bị chậm lại.

Sự phiêu lưu của cải cách kinh tế đậm màu chủ nghĩa dân tộc

Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã nêu ra các khẩu hiệu “giấc mộng Trung Quốc”, “chấn hưng Trung Quốc” với khẩu hiệu “hai cái 100 năm” mà đằng sau đó là đề cao chủ nghĩa dân tộc mang đặc sắc Trung Quốc. Nét đặc sắc nhất của chủ nghĩa này là tư duy cho rằng Trung Quốc tự nó đã là một giá trị mà không cần phải học tập các giá trị phương Tây, do đó trong thời hiện đại, Trung Quốc phải trở lại được với quỹ đạo lãnh đạo.

Có một mâu thuẫn dễ nhận thấy trong các chính sách kinh tế và chính trị của ông Tập Cận Bình: trong khi Trung Quốc cam kết hướng tới một cuộc cải cách sâu rộng về kinh tế bằng cách mở cửa và tự do hóa hơn nữa thì quốc gia này cũng đồng thời đẩy mạnh một cuộc chiến trực diện nhằm vào “các giá trị phương Tây”. Làm sao để người dân và doanh nghiệp nước ngoài có thể làm giàu trong khi yêu cầu họ rời xa mối quan tâm về chính trị?

Một khó khăn khác là việc có quá nhiều mục tiêu cải cách kinh tế cũng gây khó khăn cho việc thực hiện ở các cấp phía dưới. Nhiều tỉnh, thành Trung Quốc đang cạnh tranh nhau về nguồn tiền để thực hiện “Một vành đai, Một con đường”, nhưng chưa tỉnh nào hiểu nội hàm của đại dự án cơ sở hạ tầng này là gì.

Trung Quốc khó, Việt Nam khó

Trong 2-3 năm tới, doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với thị trường Trung Quốc có thể sẽ vẫn còn khó khăn. Khi nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, nhu cầu thấp sẽ khiến giá các hàng hóa cơ bản của thế giới giảm mạnh.

Các doanh nghiệp xuất khẩu các loại hàng hóa mang tính tài nguyên, các hàng nông sản, các hàng sơ chế (phổ biến ở Việt Nam) có thể phải đối diện với khó khăn kép: lượng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm, giá trị xuất khẩu giảm (do giá chung của thế giới giảm).

Không chỉ vậy, một Trung Quốc dư thừa nguồn cung trong khi cầu nội địa giảm cũng sẽ tạo ra làn sóng đẩy hàng sang các quốc gia Đông Nam Á với giá không ai cạnh tranh được (phá giá). Hàng Trung Quốc sẽ càng tràn ngập ở thị trường Việt Nam và cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước.

Đặc biệt, trong xu hướng “đẩy” doanh nghiệp trong nước ra nước ngoài theo sau những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, lao động Trung Quốc sẽ tiếp tục có mặt ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, làm giảm cơ hội việc làm của lao động bản địa.

Quan trọng hơn, Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng bảo vệ người Trung Quốc ở nước ngoài. Tình hình Maylaysia gần đây là một chỉ dấu cho các quốc gia khác về chính sách của Trung Quốc đối với công dân của họ ở nước ngoài.

TS Phạm Sỹ Thành (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội)

Trí Lê (Theo Một Thế Giới)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề