Kinh tế Nga đang vuột khỏi tầm tay tổng thống Putin?

Chiến thắng tại kỳ bầu cử quốc hội vừa qua mở ra cánh cửa để ông Putin có thể tái đắc cử chức vị tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2018. Quyền lực chính trị một lần nữa đang nằm gọn trong lòng bàn tay vị tổng thống 62 tuổi này, nhưng nền kinh tế Nga thì có lẽ lại không được như vậy.

Kỳ bầu cử quốc hội vừa diễn ra tại Nga chứng kiến một trong những thắng lợi lớn dành cho đảng nước Nga thống nhất của đương kim tổng thống Vladimir Putin với tỷ lệ 51%, kết quả cho phép chính đảng này mở rộng quyền kiểm soát ở Viện Duma quốc gia (Hạ viện Nga), đồng thời cũng mở ra cánh cửa để ông Putin có thể tái đắc cử chức vị tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2018.

Quyền lực chính trị tại Nga một lần nữa đang nằm gọn trong lòng bàn tay tổng thống Putin, nhưng nền kinh tế Nga thì có lẽ lại không được như vậy. Ngay sau khi giành được chiến thắng tại kỳ bầu cử, chính phủ Nga của tổng thống Putin đã ngay lập tức phải điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay theo hướng tiêu cực hơn so với dự báo trước đó. Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế xứ sở bạch dương có vẻ như đang dần tuột khỏi tay của ông Putin.

Một sự kiện đáng chú ý diễn ra ngay sau khi công bố kết quả bầu cử quốc hội Nga, đó là việc chính phủ nước này đã điều chỉnh lại mức tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay. Cụ thể, dự báo trước đó của chính phủ Nga đặt mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2016 sẽ giảm khoảng 0,2%, mức sụt giảm thấp nhất kể từ khi nước này rơi vào suy thoái từ cuối năm 2014. Tuy nhiên, mục tiêu điều chỉnh lại đang dự báo mức sụt giảm tăng trưởng trong năm nay lên tới 0,6%, cao hơn khá nhiều so với mức giảm chỉ 0,2% trước đó. Ngoài ra, chỉ tiêu tăng trưởng của nền kinh tế giai đoạn 3 năm sắp tới của kinh tế Nga cũng được điều chỉnh lại theo hướng giảm đi đáng kể.

Việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng theo hướng tiêu cực trong năm 2016 và trong 3 năm tiếp theo của chính phủ Nga đang cho thấy, nền kinh tế xứ sở bạch dương dường như đang tệ hơn so với dự đoán của khá nhiều người. Trên thực tế, những gì diễn ra trong nền kinh tế Nga khoảng thời gian nửa đầu năm 2016 khá khả quan, khi mức tăng trưởng GDP là khá ấn tượng: GDP trong quý I giảm 1,2% nhưng sang quý II chỉ còn giảm 0,6%, đồng Rup cũng tăng giá khoảng 14% kể từ đầu năm để trở thành một trong ba đồng tiền có mức tăng giá mạnh nhất thế giới sau đồng Real của Brazil và đồng Rand của Nam Phi.

Nguy cơ lạm phát đã được đẩy lùi khiến cho Ngân hàng trung ương Nga lần đầu tiên điều chỉnh giảm lãi suất trong hơn một năm qua từ mức 10,5% xuống còn 10% để kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chỉ số kinh tế vĩ mô hồi phục ổn định là một trong những nguyên nhân làm nên chiến thắng cho đảng nước Nga thống nhất của tổng thống Putin trong kỳ bầu cử quốc hội vừa qua. Vậy, đâu là lý do khiến mọi chuyện đảo chiều 180 độ như vậy?

Câu trả lời có lẽ nằm ở chỗ, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Nga có biểu hiện tốt trong thời gian vừa qua phần lớn là mang tính ngắn hạn, trong khi các vấn đề trọng yếu thì vẫn chưa được giải quyết. Lý do chủ yếu khiến đồng Rup tăng giá mạnh kể từ đầu năm đến nay là việc khá nhiều nhà đầu tư quốc tế chọn Nga làm điểm đến như một hệ quả của tình trạng kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) – một chiến lược kinh doanh tiền tệ, trong đó các nhà đầu tư sẽ vay đồng tiền có lãi suất thấp (trong trường hợp này là đồng USD) để mua vào các công cụ tài chính có lãi suất cao hơn (ở đây là đồng Rup với mức lãi suất trên 10%).

Đó là lý do khiến cho đà mất giá của đồng Rup không những được chặn đứng, mà còn khiến đồng nội tệ của Nga trở thành một trong ba đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, nó tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về biến động tỷ giá nếu xảy ra sự cố. Nói cách khác, đồng Rup tăng giá và lạm phát được chặn đứng trong nền kinh tế Nga không đến từ những giải pháp điều chỉnh có hiệu quả của chính phủ Nga, mà đến từ một xu hướng đầu cơ tài chính ẩn chứa nhiều rủi ro của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, các sức ép vĩ mô khác đối với chính phủ Nga đang ngày càng lớn dần. Điển hình là thâm hụt ngân sách. Theo báo cáo của Bộ Tài chính Nga trong tháng Chín, thì quỹ khẩn cấp của nước này hiện chỉ còn khoảng 32,2 tỉ USD kể từ mức 91,7 tỉ USD thời điểm cách đây tròn 2 năm. Dự báo quỹ khẩn cấp của Nga sẽ chỉ còn khoảng 15 tỉ USD vào cuối năm nay trước khi cạn kiệt hoàn toàn vào đầu năm 2017. Lý do chính của tình trạng này là việc sụt giảm nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu mỏ và cả suy giảm trao đổi kinh tế-thương mại với các nước phương Tây.

Ngân sách nhà nước của Nga được thiết lập dựa trên cơ sở giá dầu ở mức 50 USD/thùng, nhưng trong 8 tháng đầu năm nay mức giá trung bình chỉ đạt khoảng 43 USD/thùng. Điều này khiến cho tỷ trọng đóng góp của xuất khẩu dầu vào ngân sách nhà nước của Nga giảm đáng kể, từ mức 50% cách đây 2 năm xuống còn 37% ở thời điểm hiện tại. Báo cáo điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 3 năm sắp tới vừa được chính phủ Nga công bố cũng chỉ dự kiến giá dầu ở mức 40 USD/thùng mà thôi.

Nói cách khác, những biểu hiện tích cực trong thời gian qua của kinh tế Nga chỉ là nhất thời, trong khi sức ép thực tế lại đang ngày càng tăng lên, và nó đang đẩy nền kinh tế nước này lún sâu hơn vào những nguy cơ và rắc rối. Nó biểu hiện rõ nhất ở sự sụt giảm thu nhập thực tế của người dân Nga trong xã hội, tính đến cuối tháng Tám thu nhập thực tế của người Nga đã giảm 8,3% so với cùng kỳ 2015 dù lạm phát đã được chặn đứng còn tỷ giá đồng Rup thì tăng cao chưa từng thấy. Nó đang cho thấy nền kinh tế xứ sở bạch dương đang ngày càng có dấu hiệu kiệt quệ nặng nề hơn bất chấp sự ổn định bề ngoài của các chỉ số vĩ mô. Tiềm năng của nền kinh tế Nga ở thời điểm hiện tại vẫn còn khá lớn, khi lượng trái phiếu quốc tế trị giá 1,25 tỉ USD vừa được chính phủ Nga tung ra vào giữa tháng Chín đã được mua hết sạch, nhưng một khi chưa giải quyết được những bài toán cơ bản của nền kinh tế, thì có bán bao nhiêu trái phiếu đi nữa cũng sẽ là không đủ.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/Cafebiz)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề