Kim Jong Un-Tập Cận Bình: Giữa lằn ranh “thay lòng” và “trở mặt”

Mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên trong giai đoạn hiện tại được đánh giá là “đầy mâu thuẫn” và khiến giới phân tích cảm thấy khó khăn khi nhận định các diễn biến tiếp theo.

Một mặt, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn gần như “độc chiếm” thị trường đầu tư nước ngoài tại Triều Tiên khi chiếm tới 31 trong tổng số 36 dự án đầu tư khai thác tài nguyên ở nước này.

Ngược lại, Bình Nhưỡng liên tục thông qua cơ quan truyền thông nhà nước để thể tỏ thái độ xa lánh với “đồng minh xương máu” Bắc Kinh, cụ thể là vụ “đẩy điện mừng Quốc khánh của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuống trang 2” trong báo cáo mới đây.

Động thái trên được cho là để trả đũa việc Trung Quốc đón tiếp long trọng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tới dự lễ duyệt binh của nước này hôm 3/9, trong khi đại diện Triều Tiên là tướng Choe Ryong Hae chỉ được đưa đón bởi… các nhân viên ngoại giao.

Nhiều ý kiến cho rằng, 2 vụ phóng tên lửa trong năm 2012 và vụ thử nghiệm hạt nhân đầu năm 2013 của Triều Tiên là những hành động thách thức Bắc Kinh về vấn đề bán đảo liên Triều, khiến quan hệ Trung-Triều đi xuống.

Tuy nhiên, trang Đa Chiều (Mỹ) chỉ ra, kể từ 2014 đến nay, Bình Nhưỡng đã không hề tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa hay thử hạt nhân khiêu khích, song quan hệ với Trung Quốc vẫn không cải thiện.

Đã gần 4 năm kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên nắm quyền, một hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo Trung-Triều vẫn chưa diễn ra.

Sự biến đổi rõ rệt trong quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia này đã được ghi nhận, nhưng sẽ phát triển theo chiều hướng thế nào?

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh hôm 2/9. Ảnh: AP

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh hôm 2/9. Ảnh: AP

Trung-Triều “biến” thành Trung-Hàn?

Đa Chiều bình luận, kể từ khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã điều chỉnh chính sách đối với Triều Tiên và bắt đầu thực thi các biện pháp để thoát khỏi mối quan hệ “đồng minh xương máu”, chuyển dần sang bình thường hóa quan hệ.

Song song với đó, Bắc Kinh có những bước đi quan trọng trong việc “xoay trục” sang Hàn Quốc.

Theo Đa Chiều, động thái ngoại giao trên là thực tế khách quan không phụ thuộc vào các hành động được cho là mang tính thách thức của Bình Nhưỡng, cũng không dựa trên tiền đề “Bắc Kinh bất mãn với Triều Tiên”.

Điểm nhấn mới đây nhất trong quan hệ Trung-Hàn là việc bà Park Geun Hye khẳng định hôm 4/9 rằng, “thái độ của Bắc Kinh đối với Hàn Quốc trong vấn đề bán đảo đã có những chuyển biến căn bản”.

Trong cuộc hội kiến giữa ông Tập và bà Park hôm 2/9, Trung Quốc tỏ rõ thái độ trung lập về vấn đề bán đảo Triều Tiên bằng hàng loạt cụm từ như “xúc tiến các ý tưởng hợp tác hòa bình trong khu vực”, “thúc đẩy phồn vinh Đông Bắc Á”…

Khái niệm “tiến trình tín nhiệm ở bán đảo Triều Tiên” lần đầu được bà Park đề ra vào tháng 2/2012, khi bà còn là Chủ tịch Ủy ban đối sách đặc biệt của đảng Thế giới mới (đảng bảo thủ) của Hàn Quốc.

Sau khi đắc cử Tổng thống tháng 2/2013, bà nhắc lại khái niệm trên và cho biết cần thông qua tiến trình này để phát triển quan hệ Hàn-Triều trên cơ sở tin cậy lẫn nhau. Đây cũng được cho là tư tưởng cốt lõi trong chính sách đối ngoại với Triều Tiên của Tổng thống Park.

Đa Chiều nhận định, ông Tập Cận Bình nhắc tới “các ý tưởng hợp tác hòa bình” trong cuộc hội đàm với bà Park chính là thể hiện sự ủng hộ đối với “tiến trình tín nhiệm bán đảo Triều Tiên” mà bà khởi xướng.

Trước đó, khi bà Park thăm Trung Quốc hồi tháng 6/2013, Bắc Kinh chỉ tỏ thái độ “hoan nghênh ý tưởng ‘tiến trình tín nhiệm bán đảo'”. Đến tháng 3/2014, ông Tập tuyên bố Trung Quốc “đánh giá cao ‘tiến trình tín nhiệm bán đảo’ của Tổng thống Park Geun Hye”.

Sự chuyển biến thái độ của Bắc Kinh từ “hoan nghênh”, “đánh giá tích cực” cho tới “xúc tiến” chính là thành quả ngoại giao mà Tổng thống Hàn Quốc đạt được.

Đa Chiều cho rằng điều này thậm chí có thể xem là ông Tập Cận Bình đã xác nhận “hậu thuẫn” Seoul, thừa nhận vai trò chủ đạo của Hàn Quốc trong việc giải quyết cục diện bế tắc trên bán đảo.

Cũng trong cuộc họp báo 4/9, bà Park tự tin cho biết “sẽ nhanh chóng triển khai thảo luận đa phương để hiện thực hóa thống nhất 2 miền bán đảo”. Các bên tham gia đàm phán về vấn đề Triều Tiên ngoài Trung Quốc còn có Mỹ, Nhật Bản, Nga…

Theo Đa Chiều, lấy việc thống nhất bán đảo Triều Tiên làm tiền đề phi hạt nhân hóa giúp Trung Quốc “một mũi tên trúng hai đích”.

Việc “xoay trục” không chỉ giúp Bắc Kinh phát triển quan hệ với Seoul mà còn giảm bớt sức ép từ nhóm đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn, một trọng tâm của chiến lược “xoay trục châu Á” mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đang theo đuổi.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye
“Tôi cùng Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận sâu nhiều vấn đề, nhưng quan trọng nhất vẫn là Trung-Hàn thông qua hợp tác để duy trì hòa bình ổn định ở bán đảo và Đông Bắc Á. Trug Quốc đã phát huy vai trò mang tính xây dựng nhằm giải quyết tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.”

Triều Tiên phản ứng quyết liệt

Đối với sự “thay lòng” của Trung Quốc, phản ứng của Triều Tiên không khó dự đoán. Những hành động như hạ thấp đãi ngộ ngoại giao, không tổ chức hội nghị thượng đỉnh, không tiếp kiến Đại sứ Trung Quốc… chỉ là những phản ứng bề nổi.

Ngay sau khi Bắc Kinh kêu gọi Hàn-Triều kiềm chế sau vụ nã pháo ở biên giới hôm 20/8, Bình Nhưỡng lập tức đáp trả: “Hiện tại giọng điệu ‘kiềm chế’ của bất kỳ ai cũng không cứu vãn được tình thế.”

Đa Chiều cho biết, trong thông điệp tỏ thái độ về cuộc gặp giữa ông Tập và bà Park, Ủy ban thống nhất hòa bình Triều Tiên hôm 3/9 “ngầm” chỉ trích Trung Quốc “nhúng tay” vào sự vụ ở bán đảo.

Trong bài xã luận của mình, cơ quan này không còn gọi Bắc Kinh là “đồng minh xương máu” mà thay bằng từ phiếm chỉ “một quốc gia nào đó”.

Tờ Rodong Sinmun của đảng Lao động Triều Tiên ngày 5/9 cũng tuyên bố “dân tộc Triều Tiên bị thế lực bên ngoài chia cắt”.

Sự lạnh nhạt của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh trên thực tế là phản ứng sau khi Trung Quốc chủ động “duy trì khoảng cách” với Triều Tiên. Tuy nhiên, bất chấp sự bất mãn của Kim Jong Un, nước này vẫn không đủ khả năng thách thức Trung Quốc.

Việc Trung-Hàn xích lại gần nhau chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Triều Tiên, nhưng để giải quyết mâu thuẫn ở bán đảo này không thể thiếu nhận thức chung của 3 bên Trung-Hàn-Triều, và Bình Nhưỡng-Bắc Kinh vẫn đang trên ranh giới “thay lòng” hay “trở mặt”, Đa Chiều kết luận.

Theo Soha


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề