Kịch bản Ukraine đang tái diễn tại Armenia

Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Armenia trong suốt 2 tuần gần đây khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ có một kịch bản kiểu Ukraine hồi năm 2014. Armenia là đồng minh của Nga, vậy thì ai đứng đằng sau xúi giục người dân Erevan làm loạn?
Các cuộc xuống đường chủ yếu tại thủ đô Erevan của Armenia diễn ra từ ngày 19/6 đến nay chưa có dấu hiệu dịu bớt. Nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình hiện nay là Công ty Điện lực Mạng lưới Điện Armenia (ENA) trình Chính phủ Armenia tăng giá điện thêm 16%, dự kiến bắt đầu thực hiện từ ngày 1/8 tới. Các cuộc biểu tình ban đầu diễn ra ôn hòa với yêu cầu Ủy ban Nhà nước điều phối dịch vụ công hủy bỏ việc tăng giá điện.

Tuy nhiên, tình hình mỗi lúc một căng thẳng. Từ ngày 22/6, hàng nghìn người, chủ yếu là thanh niên, đã tham gia biểu tình trên đại lộ Bagramyan, nơi có dinh Tổng thống, Quốc hội, Tòa án Hiến pháp và Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Armenia. Trước tình hình này, Tổng thống Armenia Serzh Sarkisian đã phải lên tiếng nhượng bộ và nói rằng, sẽ cho kiểm toán lại ENA xem đề xuất tăng giá điện của họ có hợp lý không. Và trước khi có kết quả kiểm toán, chính phủ sẽ chịu phần chi phí do tăng giá điện thêm 16%. Đồng thời Cảnh sát Armenia cũng đã kêu gọi người biểu tình giải tán.

Tuy nhiên, bất chấp sự nhượng bộ của chính quyền và tối hậu thư của cảnh sát, ngày 28/6, khoảng 10.000 người vẫn tham gia biểu tình ở thủ đô Erevan, trong đó 2.000 người đã di chuyển tới Quảng trường Tự do ở gần đó để tránh đụng độ với cảnh sát, song vẫn còn 8.000 người tuyên bố quyết ở lại đại lộ Bagramyan.

Hãng Interfax của Nga đưa tin: Các nhà tổ chức biểu tình cho biết họ “không có ý định rút lại các yêu sách của mình” và tiếp tục các hành động hợp pháp. Cảnh sát Armenia đã buộc phải sử dụng vòi rồng để giải tán biểu tình, bắt giữ 237 người và làm hàng chục người bị thương. Tại hiện trường, cảnh sát đã tìm thấy nhiều tay đấm thép, dao, dùi cui và một số vật dụng nguy hiểm khác trong tay nhiều đối tượng, có thể sử dụng để chống lại người biểu tình và cảnh sát. Phó giám đốc Cảnh sát Erevan Valery Osipyan nói rằng tất cả những người biểu tình bị bắt giữ đã được thả về.

Ngày 1/7, Cảnh sát Armenia kêu gọi những người biểu tình tại trung tâm thủ đô Erevan tự nguyện chấm dứt hoạt động phong tỏa đại lộ Bagramyan đã kéo dài hơn 10 ngày nay. Trong một tuyên bố, Cơ quan cảnh sát Armenia nhấn mạnh việc phong tỏa hoàn toàn và kéo dài tại đại lộ trên cùng với những hậu quả của hành động này đã vi phạm quyền hiến pháp của các công dân khác và lợi ích của xã hội. Cảnh sát yêu cầu người biểu tình tôn trọng hiến pháp và luật pháp của đất nước, quyền và lợi ích của các công dân khác và tự nguyện chấm dứt phong tỏa đại lộ Bagramyan, nếu không cảnh sát sẽ buộc phải sử dụng thẩm quyền theo đúng luật pháp của Armenia.

Thủ tướng Armenia Hovik Abrahamyan đã lên án âm mưu gây bất ổn trong nước. Phát biểu trên các phương tiện truyền thông, Thủ tướng Abrahamyan cho biết trên đại lộ Bagramyan đã xuất hiện lực lượng có âm mưu gây căng thẳng tình hình trong nước và kích động người dân xung đột chứ không phải nhằm phản đối quyết định tăng giá điện.

Nhà lãnh đạo Armenia khẳng định chính phủ sẵn sàng làm trung gian đối thoại và phối hợp nhằm tháo gỡ bất đồng, đồng thời kêu gọi những người biểu tình không làm cho tình hình trở nên căng thẳng và kiềm chế trước những hành động phản hiến pháp. Ông cũng nêu rõ sẽ không chấp nhận các hành động khiêu khích chống lại lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ.

Đại sứ quán Mỹ tại Armenia ngày 1/7 tuyên bố “quan ngại đối với tình hình căng thẳng tại trung tâm thành phố Erevan” và kêu gọi các bên tôn trọng thái độ ôn hòa, kiềm chế phù hợp với các giá trị dân chủ”.

Theo nghị sĩ Nga Igor Morozov “tình hình Armenia lúc này giống như là có đảo chính quân sự. Đó là những gì sẽ xảy ra, nếu như Tổng thống Armenia Sarkissian không rút ra được bài học Maidan của Ukraine”.

Ông Igor Morozov lưu ý rằng, Mỹ có thể kiểm soát sự phát triển tình hình, đặc biệt là khi Đại sứ quán Mỹ ở Armenia là một trong những cơ sở ngoại giao lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Ông Morozov cho rằng, những diễn biến hiện nay ở Armenia lặp lại y như giai đoạn đầu tiên của cuộc đảo chính ở Ukraine.

“Khi đó, phe đối lập Ukraine cũng từ chối gặp Tổng thống Viktor Yanukovych, bắt đầu thu hút cộng đồng châu Âu, và các chính khách châu Âu bắt đầu phát biểu trước người biểu tình” – thượng nghị sĩ Nga bình luận.

Theo chuyên viên nghiên cứu chính trị độc lập Sergey Shakaryan, ngay từ đầu, điều đó đã thể hiện rõ ràng thái độ khó chịu của cư dân Armenia với hành động của chính phủ và ban lãnh đạo đất nước. Vấn đề khác là hiện nay đang bộc lộ xu thế cố gắng sử dụng những người bất mãn này như một thứ công cụ. Đó là tuyên bố của tòa đại sứ Anh và Mỹ về việc dường như cảnh sát đã dùng vũ lực quá mức (thực ra nói chung chung rằng “Mối lo ngại qua những thông báo về sử dụng vũ lực quá mức”).

Qua thực tế Ukraine, chuyên gia này cho rằng Đại sứ quán Anh, Mỹ rồi sau đó là cả chính phủ sẽ kêu gọi chính quyền Armenia “dù bất kỳ trường hợp nào cũng không dùng vũ lực”. Thế nhưng, trong đám biểu tình sẽ có sự tham gia của những đối tượng mang họ Armenia, từ lâu đã được đào tạo ở Belgrade, Gruzia hay là trong “Cách mạng cam” Ukraine. Họ khéo léo xoay bánh lái kích động.

Ông Konstantin Kosatchev, Chủ tịch Ủy ban phụ trách Đối ngoại của Nghị viện Nga cũng có cùng cảnh báo. Theo ông, thủ đô Erevan hiện mang hơi hướm của một cuộc “cách mạng màu”, nói cách khác là một sự thay đổi quyền lực bằng các cuộc biểu tình.

Theo truyền thông Nga, phương Tây đang thao túng đám đông để lật đổ chế độ dân cử. Tại Moscow, Hội đồng An ninh quốc nội, gần đây nhất là Bộ Quốc phòng, đã thông báo triển khai các biện pháp đề phòng “cách mạng màu xảy ra”.

Armenia là một đồng minh của Nga. An ninh của quốc gia này là do Nga đảm bảo. Và nền kinh tế cũng rất lệ thuộc vào Nga, nhất là ngành điện lực, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp từ Nga. Công ty ENA thuộc Tập đoàn Inter-RAO của tỷ phú người Nga Igor Setchine, người mà theo truyền thông phương Tây là một người thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.

Trong một diễn biến mới nhất, Moscow đã cam kết cho Armenia vay 200 triệu USD để mua vũ khí của Nga và hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Phát biểu trước Quốc hội Armenia ngày 1/7, Thứ trưởng Quốc phòng Ara Nazaryan cho biết: “Chúng ta sắp tiếp nhận những loại vũ khí mà lực lượng vũ trang Armenia chưa từng được sử dụng trước đây. Lực lượng vũ trang Armenia sẽ có những vũ khí hiện đại mới, vốn sẽ tác động đáng kể đến cán cân lực lượng trong khu vực”.

Tuy nhiên, quan chức này không nói rõ loại vũ khí mà Armenia sẽ mua. Với vị trí nằm tiếp giáp với một nước thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia là đồng minh số 1 của Nga tại khu vực Nam Kavkaz nhạy cảm với nhiều đường ống dẫn khí đốt đan chéo nhau.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã ngầm cảnh báo phương Tây khi nói về âm mưu kích động nổi dậy ở thủ đô Erevan của Armenia, nơi đang diễn ra các cuộc biểu tình phản đối tăng giá điện.

Vũ Văn (Theo CAND)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề