Khủng hoảng Nga – Thổ ảnh hưởng gì đến Biển Đông?

Khi đối đầu giữa phương Tây và Nga ở Trung Đông gia tăng, điển hình là khủng hoảng Nga – Thổ, Trung Quốc rất có thể sẽ có hành động đục nước béo cò.

South China Morning Post bản tiếng Hán ngày 1/12 đăng bài bình luận của Trần Văn Khánh nhận định, sau khủng hoảng Nga – Thổ có khả năng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO sẽ phải xem xét thay đổi điều lệ. Còn với Hoa Kỳ, để tránh bị đồng minh kéo vào những vấn đề rắc rối, có khả năng phải cung cấp sự đảm bảo một cách thụ động, do đó mà nguy cơ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan tăng lên.

Các nước láng giềng quanh Trung Quốc có thể học theo Thổ Nhĩ Kỳ?

Ông Trần Văn Khánh tin rằng, một tình huống tương tự khủng hoảng 17 giây Nga – Thổ có thể xảy ra đối với Trung Quốc, nhưng nguyên do là từ các nước đồng minh của Mỹ mượn oai Hoa Kỳ, cho rằng Trung Quốc không dám đánh trả nên sẵn sàng manh động?!

Máy bay Trung Quốc tập trận bắn đạn thật, hình minh họa. Ảnh: 81.cn

Máy bay Trung Quốc tập trận bắn đạn thật, hình minh họa. Ảnh: 81.cn

Hiện tại Trung Quốc đang nhảy vào tranh chấp lãnh thổ, hàng hải với các nước láng giềng ở Biển Đông, tranh chấp với Nhật Bản ở Hoa Đông và đối mặt với nguy cơ căng thẳng bùng phát trở lại eo biển Đài Loan nếu như phe đối lập đảo này lên nắm quyền.

Trần Văn Khánh lập luận, Nhật Bản, Philippines và Đài Loan là đồng minh của Mỹ, Washington có điều ước đảm bảo an ninh với 3 quốc gia và vùng lãnh thổ này, nên trong tình huống cần kíp có thể có hành động ông Khánh gọi là “tự phát quá khích”.

Hoa Kỳ vì muốn tránh để các đồng minh châu Á “lôi xuống bùn” như trong khủng hoảng Nga – Thổ nên không có cách nào khác, đành phải tăng cường cam kết bảo hộ đồng minh, đối đầu trực tiếp với Trung Quốc?!

Do đó ông Khánh cho rằng, Bắc Kinh cần có sự đề phòng các nước láng giềng “mượn oai Mỹ” để có hành động nguy hiểm bất ngờ (?), tránh khi hữu sự lại bị “đâm sau lưng”, khi lâm chiến khỏi bị thiệt thòi và thậm chí là “giành thắng lợi”.

Vài lời bình luận: Nhận định của ông Trần Văn Khánh là không có cơ sở, bởi lẽ xét về cán cân lực lượng Trung Quốc đang vượt xa tất cả các nước láng giềng mà Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ, hàng hải. Xét về hành xử, chỉ có Trung Quốc đang phô trương sức mạnh cơ bắp, dùng sức mạnh quân sự để thúc đẩy yêu sách chủ quyền và né tránh hành động theo pháp luật.

Hòa bình là xu thế và mong muốn của thời đại, không ai muốn chiến tranh trừ phi bị buộc phải tự vệ. Ngay cả Hoa Kỳ cũng không muốn đối đầu, chiến tranh với Trung Quốc, mặc dù đang nỗ lực ngăn cản những hành vi leo thang, chà đạp luật pháp quốc tế mà Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông.

Mặt khác, những diễn biến gần đây trên thực địa ngoài Biển Đông cho thấy, chỉ có Trung Quốc khiêu khích, leo thang căng thẳng với các nước láng giềng chứ chưa bao giờ có chuyện ngược lại. Điển hình là khủng hoảng Scarborough tháng 4/2012, khủng hoảng bãi Cỏ Mây, vụ Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng 4/2014.

Gần đây nhất là việc Trung Quốc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp với tốc độ chóng mặt ở Trường Sa, khiến khu vực và dư luận quốc tế cực kỳ lo ngại.

Sân bay quân sự trên đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ngoài đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam tạo thành mối đe dọa an ninh gây lo ngại nghiêm trọng cho khu vực.

Tuy nhiên bình luận của ông Trần Văn Khánh lại nhắc nhở các bên liên quan ở Biển Đông một điều, thế giới đang nổ ra những điểm nóng, khủng hoảng mới có nguy cơ leo thang. Khi đối đầu giữa phương Tây và Nga ở Trung Đông gia tăng, điển hình là khủng hoảng Nga – Thổ, Trung Quốc rất có thể sẽ có hành động đục nước béo cò.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cũng đã úp mở, manh nha nhắc đến khả năng này về cái gọi là “có quyền và năng lực thu hồi các đảo ở Biển Đông”. Theo Trung Quốc, hiện tại họ đang “kiềm chế lắm” mới không thu hồi.

Vậy thì rất có thể vì một cái cớ nào đó, Trung Quốc sẽ lấy cớ vô lý ngụy biện là “thu hồi” để đánh chiếm các thực thể ở Trường Sa? Dù sao không thể không cảnh giác với khả năng này, nhất là khi Mỹ bị kéo vào khủng hoảng Nga – Thổ ở Syria.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: intizar.web.tr

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: intizar.web.tr

Mỹ sẽ điều chỉnh quan hệ với đồng minh sau khủng hoảng 17 giây Nga – Thổ?

Ông Khánh cho rằng, quan hệ đồng minh trong quan hệ quốc tế ngày ngay không thể vì một nước có hành động “thiếu sáng suốt” mà kéo cả liên minh xuống ao, do đó sau khủng hoảng Nga – Thổ, các liên minh chính trị, liên minh quân sự sẽ phải xem xét thay đổi điều lệ của mình.

Bất chấp tranh cãi bất phân giữa Ankara và Moscow về việc ai đúng ai sai trong khủng hoảng Su-24 bị bắn hạ, ông Khánh cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ “có âm mưu hạ máy bay Nga từ trước, trong khi NATO và Hoa Kỳ vô can”.

Lý giải cho lập luận này, ông Khánh cho rằng mọi người đều biết Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO. Mà NATO thì có quy định, một thành viên bị tấn công có nghĩa là cả khối bị tấn công, do đó Ankara mới mạo hiểm tự động bắn hạ Su-24 của Nga bởi biết có đồng minh chống lưng, lôi NATO ra đứng mũi chịu sào nếu Nga quyết trả đũa.

Bản chất sự việc thì chỉ có kẻ trong cuộc, là Ankara và Moscow mới biết tường tận. Kịch bản ông Trần Vân Khánh nêu ra có thể cũng là một khả năng, nhưng ông Khánh lại không lý giải tại sao Thổ Nhĩ Kỳ có hành động “bột phát”, hay “đâm sau lưng” Moscow như tác giả nhắc lại lời Putin nói.

Do đó, nhận định của ông Trần Văn Khánh về việc Mỹ sẽ điều chỉnh quan hệ với các đồng minh, bao gồm cả đồng minh châu Á sau khủng hoảng Nga – Thổ vẫn thiếu sức thuyết phục. Bởi lẽ, khủng hoảng Nga – Thổ đâu phải chuyện một sớm một chiều

News Week ngày 30/11 bình luận, khủng hoảng 17 giây Nga – Thổ là một tình huống kịch tính, hệ quả của mối quan hệ quân sự rộng lớn hơn nhiều giữa Nga và phương Tây hiện nay. Trong 18 tháng qua, Nga đã có nhiều hoạt động thăm dò lãnh thổ các nước thành viên NATO một cách “có hệ thống và nguy hiểm”.

Mục tiêu giả định của các cuộc tấn công tên lửa hành trình của Nga là cơ sở của NATO tại Bắc Mỹ và châu Âu. Những vụ chiến đấu cơ Nga bay sát máy bay NATO chỉ trong khoảng cách vài mét hay việc tàu ngầm Nga thường xuyên xuất hiện ngoài khơi bờ biển Thụy Điển và Scotland là một minh chứng, News Week lập luận.

Trong bối cảnh đó, hoạt động của không quân Nga gần biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ những tuần gần đây lại là thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chứ không phải huấn luyện trong thời bình. Nó có thể được xem là sự mở rộng của hành vi trước đó chứ không phải một sự phát triển mới riêng biệt, hoàn toàn mới lạ.

Bối cảnh chính trị rộng lớn hơn về mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây cũng rất đáng lo ngại, đặc biệt là về tương lai của châu Âu. Về phía Nga, một số lượng lớn quan chức an ninh quốc gia xuất hiện trên truyền thông nói rằng phương Tây chỉ chăm chăm lật đổ Tổng thống Vladimir Putin và làm suy yếu nước Nga.

Ngược lại, truyền thông phương Tây tin rằng Nga đang tìm cách thay đổi trật tự ở châu Âu thông qua sử dụng vũ lực ở phía Đông của châu lục này và cung cấp tài trợ cho các nhóm chính trị đối lập ngay trong lòng EU, phương Tây.

Các cuộc tranh cãi không có hồi kết này đang làm bay hơi nhanh chóng niềm tin chiến lược trong mối quan hệ giữa Nga và NATO, kết hợp với số lượng các hoạt động quân sự từ cả hai phía tăng lên đã làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng.

Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 Nga hoàn toàn có thể là một mồi lửa khơi mào chiến tranh giữa Nga và phương Tây, nhưng may thay nó đã không xảy ra.

Nếu các nhà lãnh đạo Nga và phương Tây thực sự có tầm nhìn xa, họ nên nhanh chóng triệu tập Hội đồng Nga – NATO và sử dụng cuộc họp này để thương lượng một bản ghi nhớ về việc kiểm soát, quản lý rủi ro và nguy cơ đụng độ quân sự một cách hiệu quả.

Trí Lê (Theo Báo Giáo dục)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề