Không quy định xe dưới 16 chỗ có bình chữa cháy mới đăng kiểm

Ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về quy định lắp đặt bình chữa cháy trên ôtô.

Theo ông Trí, quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô hiện hành chỉ bắt buộc ôtô chở khách từ 16 chỗ trở lên, xe chở hàng dễ cháy nổ trang bị bình chữa cháy.

Theo đó, thông tư quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng chỉ bắt buộc hai loại xe trên phải có bình chữa cháy khi đăng kiểm (phải có bình và bình được dán tem kiểm định, còn thời hạn sử dụng).

“Các loại xe khác thông tư không quy định phải lắp bình chữa cháy thì không bắt buộc phải có bình mới cấp chứng nhận đăng kiểm. Các trung tâm đăng kiểm mấy ngày qua nhắc nhở khách hàng biết là thông tư 57 quy định không lắp bình chữa cháy sẽ bị xử phạt nhưng đăng kiểm không kiểm tra và bắt buộc phải lắp trên xe” – ông Trí cho biết.

Theo ông Trí, hiện nay ôtô loại nhỏ thông thường không thiết kế chỗ để bình. Nếu để bình ở gầm ghế thì có thể dẫn tới khả năng lăn chèn vào chân ga, chân phanh gây nguy hiểm.

Thông tư 57 không quy định dung tích, khối lượng tối thiểu của bình chữa cháy nên lái xe dùng bình quá nhỏ cũng không hợp lý.

Theo thông tư 57, ngoài bình chữa cháy, ôtô 10 chỗ trở lên phải có bộ dụng cụ phá dỡ chuyên dùng (kìm cộng lực, búa, xà beng); 1 đèn pin chuyên dụng; 1 đôi găng tay chữa cháy; 1 chiếc khẩu trang lọc độc.

Ông Trí cho biết việc quy định có thêm các dụng cụ này cũng chưa hợp lý vì đã có quy định ôtô phải có cửa kính thoát hiểm và búa thoát hiểm để đập kính gắn trên xe.

Quy định chưa hướng dẫn hợp lý dễ khiến dân bức xúc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Phạm Hữu Nam – nguyên Trưởng phòng thí nghiệm bộ môn ôtô và xe chuyên dụng (Đại học Bách khoa Hà Nội) – cho biết khi thấy thông tư 57  buộc xe con lắp bình chữa cháy sắp có hiệu lực “tôi cũng mua một bình bé bé để lắp lên xe cho đỡ phiền hà”.

Theo ông Nam về mặt an toàn chung, cơ quan chức năng quy định ôtô con phải có bình chữa cháy với mong muốn tăng sự an toàn khi xe bị cháy thì có dụng cụ để dập lửa. Quy định này có mặt tích cực là đề phòng trong những trường hợp cần thiết nhưng cụ thể đến lúc ôtô bị cháy có nên dùng chữa cháy hay không thì lại là chuyện khác.

Ông Nam cho rằng nếu quy định buộc xe 9 chỗ trở xuống phải lắp bình chữa cháy là cần thiết thì ở những nước tiên tiến, dùng ôtô nhiều như châu Âu người ta đã bắt lắp rồi. Nhưng thực tế các loại xe con ở châu Âu, những xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam không thiết kế vị trí để bình chữa cháy. Với xe nhỏ, thường là loại xe việt dã mới có thiết kế giá để bình chữa cháy.

Về những ý kiến cho rằng bình chữa cháy có nguy cơ phát nổ cao khi xe đậu ngoài trời nắng lâu, nhiệt độ trong xe cao, ông Nam cho biết với bình chữa cháy chuẩn thì không dễ phát nổ khi nhiệt độ trong xe cao.

Liên quan đến quy định phải trang bị đèn pin chuyên dụng, khẩu trang phòng độc, kìm cộng lực, búa, xà beng trên xe, ông Nam cho rằng đặt yêu cầu như vậy để phòng ngừa về phương diện an toàn như đi thuyền phải có áo phao.

Nhưng đưa ra những quy định thiết thực, dễ thực hiện thì mọi người đỡ nghĩ ngợi hơn những quy định khó thực hiện. “Nhiều nước châu Âu quy định những vấn đề như xe phải có biển phản quang để đặt trước đầu, đuôi xe khi xe bị sự cố, có áo phản quang để mặc khi dừng sửa xe bị sự cố trên đường. Người ta gọi nó là thiết thực”- ông Nam cho biết.

Tăng chi phí cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Trung – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) – cho biết hiện nay đơn vị này có gần 1.000 xe buýt phục vụ vận tải công cộng ở Hà Nội. Số xe này đã lắp bình chữa cháy. Với các dụng cụ khác mà thông tư  57 quy định xe 10 chỗ trở lên phải lắp thì Transerco sẽ rà soát để lắp đúng quy định.

Tuy nhiên, việc này sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, nhất là đơn vị có lượng xe lớn thì chi phí khá lớn.

Còn ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho rằng theo quy định của Bộ Công an thì đúng cả và có lợi về an toàn. Nhưng Thủ tướng vừa chỉ đạo giảm bớt chi phí vận tải để giảm giá thành vận tải cho nên cái gì thật cần thiết phải trang bị trên ôtô thì hãy làm, nếu không phải có lộ trình thực hiện.

Trong văn bản gửi Bộ Công an ngày 8-10-2015 góp ý kiến cho dự thảo thông tư hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với xe cơ giới đường bộ của Bộ Công an, Bộ GTVT đã đề nghị không áp dụng quy định lắp bình chữa cháy trên xe nhập khẩu từ những nước không quy định xe có phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

Trong văn bản do thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký gửi Bộ Công an có đề nghị Bộ này xem xét lại cơ sở pháp lý ban hành thông tư. Theo Bộ GTVT, việc ban hành thông tư của Bộ Công an hay thông tư liên tịch cần căn cứ theo pháp luật về giao thông đường bộ và phòng cháy chữa cháy.

Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an nghiên cứu không áp dụng quy định của thông tư đối với xe nhập khẩu mà tại các quốc gia sản xuất không có quy định phải có phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

Lý do là Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có quy định cho phép nhập khẩu các xe cơ giới đã được kiểm tra, chứng nhận.

Thứ hai là việc lắp đặt thêm phương tiện phòng cháy, chữa cháy lên các xe không có sẵn vị trí để lắp đặt sẽ có thể làm ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của lái xe, an toàn cho người đi trên xe hoặc không đảm bảo khả năng phòng cháy, chữa cháy.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần có quy định rõ hơn về việc kiểm tra đối với phương tiện phòng cháy chữa cháy trên xe cơ giới khi vào kiểm định và trách nhiệm thực hiện của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Cục Đăng kiểm, trong thông tư 57/2015/TT-BCA hiện hành, không quy định cụ thể các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới là đối tượng áp dụng của thông tư mà quy định chung là cơ quan, tổ chức quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Theo tuoitre.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề