Không đồng tình mở rộng một số thẩm quyền của Thủ tướng

Thẩm quyền của các thiết chế trong bộ máy nhà nước, bao gồm cả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đã được hiến định cụ thể. Nếu mở rộng bổ sung mới một số thẩm quyền sẽ không bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.

Quan điểm này được nêu rõ trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, đại diện cho cơ quan chủ trì thẩm tra dự luật, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tại phiên họp sáng 9.4.

Dự thảo trình Quốc hội trước đó có nội dung Thủ tướng có thẩm quyền giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khi khuyết các vị trí này, trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; đồng thời, Thủ tướng được tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp chưa bầu được các chức danh này.

Nội dung dự thảo cũng bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng trong việc quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên, hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận sáng nay 9.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thẩm quyền của các thiết chế trong bộ máy nhà nước, bao gồm cả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đã được hiến định cụ thể. Nếu mở rộng bổ sung mới một số thẩm quyền như kể trên sẽ không bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho rà soát, chỉnh lý lại các quy định theo hướng bám sát nội dung quy định tại Điều 98 của Hiến pháp, để cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng như được thể hiện trong dự luật.

Với đề xuất Thủ tướng có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu Phó chủ tịch tỉnh; phê chuẩn, phê duyệt danh sách nhân sự trước khi giới thiệu bầu vào chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn quy định của Hiến pháp về việc Thủ tướng có thẩm quyền phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và cho rằng, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đề nghị không bổ sung nội dung “phê duyệt danh sách nhân sự trước khi bầu” vào dự luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thêm, việc bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch cấp tỉnh đều có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể và sẽ được thể hiện ở luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chưa thống nhất phương án tổ chức chính quyền địa phương

Về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật tổ chức Chính quyền địa phương tại phiên họp sáng nay 9.4, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị cần có sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị và tại địa bàn nông thôn, để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý tại từng địa bàn.

Ý kiến khác lại đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng có HĐND và UBND nhưng có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hai phương án:

Phương án 1: Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong luật những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Cụ thể như sau:

+ Khác nhau về số lượng đại biểu HĐND ở địa bàn đô thị và nông thôn (thành phố trực thuộc T.Ư, quận, phường khác với tỉnh, huyện, xã).

+ Về tổ chức, ở thành phố trực thuộc T.Ư thành lập thêm Ban đô thị của HĐND để chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị, phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, môi trường, tổ chức cung cấp dịch vụ công trên địa bàn nội đô.

+ Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND ở địa bàn đô thị ngoài việc quyết định ngân sách, nhân sự thì cần tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị, quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND ở quận và phường chủ yếu tập trung quyết định những vấn đề về ngân sách, bầu nhân sự và giám sát hoạt động của UBND.

+ Các quy định về chính quyền ở từng loại đơn vị hành chính được bố cục trong từng chương riêng để phân biệt rõ chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo.

Phương án 2: Các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, xã, thị trấn đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Với phương án không tổ chức HĐND phường thì cách thức thành lập UBND phường có thể thực hiện theo một trong 2 phương án:

+ Phương án thứ nhất: Chủ tịch UBND phường do cử tri của phường bầu trực tiếp và Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; Phó chủ tịch, Ủy viên UBND phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chủ tịch UBND phường.

+ Phương án thứ hai: Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên UBND phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Thanh Niên


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề