Không dễ “chơi” với Taliban

Truyền thông thế giới đang rộ lên thông tin Nga tuyên bố chia sẻ thông tin tình báo với lực lượng khủng bố Taliban để chống lại lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).


Người dân Pakistan tuần hành phản đối Taliban hôm 15-12, nhân tưởng niệm một năm ngày khủng bố Taliban tấn công trường học ở Peshawar – Ảnh: Reuters
Vậy thực hư chuyện này thế nào?
Có những thông tin dẫn lại lời một vài quan chức Nga “tiết lộ” rằng “Nga đang chia sẻ thông tin với phiến quân Hồi giáo Taliban trong cuộc chiến chống IS tại Afghanistan, vì hai bên có lợi ích chung trong cuộc chiến chống IS”.
Chưa từng có tiền lệ
Trước hết, các nhóm Taliban, al-Qaeda và IS đều là các tổ chức theo chủ thuyết “Hồi giáo nguyên gốc”, đều dùng “thánh chiến” làm phương tiện để thực hiện tham vọng ngông cuồng là áp đặt thứ Hồi giáo cách nay hơn 14 thế kỷ lên khắp thế gian.
Các tổ chức này thật sự đang tranh giành lẫn nhau vai trò “đại diện chính đáng nhất cho Hồi giáo”, tranh giành vị thế thủ lĩnh của “phong trào thánh chiến” toàn cầu.

Nhưng nếu cho rằng một trong các tổ chức này có thể liên minh với một thực thể ngoài Hồi giáo – như Nga – để tiêu diệt lẫn nhau thì… chưa thấy tiền lệ!
Cả Taliban và al-Qaeda tồn tại ở Afghanistan từ thập niên 1990. Taliban là “tổ chức bản địa”, có tham vọng hình thành một thực thể kiểu “nhà nước Hồi giáo” và đã cho ra đời “nhà nước Taliban” vào năm 1996.
Al-Qaeda của Osama Bin Laden thời gian ấy chưa có tham vọng “nhà nước”, hoạt động như một “phong trào thánh chiến”.
Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 do al-Qaeda thực hiện, chính quyền tổng thống George W. Bush khi ấy đòi “nhà nước Taliban” giao nộp Bin Laden cho Mỹ.
Nhưng thủ lĩnh Taliban Mullah Omar lại kiên quyết bảo vệ “người đồng minh thánh chiến” của mình, nên Mỹ phát động chiến tranh lật đổ Taliban cuối năm ấy.
Đó là một bằng chứng không thể phủ nhận về tình bằng hữu sống chết có nhau giữa những người cùng theo chủ thuyết Hồi giáo nguyên gốc.
Hồi thập niên 1980, Mỹ trợ giúp các nhóm thánh chiến ở Afghanistan, trong đó có al-Qaeda, để đánh quân đội Liên Xô. Nhưng đó là sự chủ động của phía Mỹ.
Bin Laden coi “cộng sản vô thần” – Xô viết là kẻ thù số 1 của Hồi giáo nguyên gốc nên tận dụng sự trợ giúp từ phía Mỹ, chứ al-Qaeda không hề “đồng minh” với “quân thập tự” (Mỹ theo Kito giáo).
Vì không hiểu điều này, Mỹ hoàn toàn ngỡ ngàng khi bị al-Qaeda giáng đòn vô tiền khoáng hậu ngày 11-9!
Tại Afghanistan hiện nay, Taliban có kẻ thù số 1 là chính quyền ở thủ đô Kabul do Ashraf Ghani làm tổng thống và được lực lượng NATO (do Mỹ làm nòng cốt) “chống lưng”.
Lực lượng phiến quân này chỉ mong chờ NATO rút quân vào cuối năm 2016 để hi vọng lật đổ chính quyền Ghani, khôi phục “nhà nước Taliban” như những năm cuối thập niên 1990. Không có lý gì vào lúc này Taliban lại chuyển sang chống IS – tổ chức cùng chung ý thức hệ Hồi giáo nguyên gốc với Taliban.
Kiểm chứng tại Syria
Các chính trị gia trên thế giới ngày nay, với quan điểm đặt lợi ích dân tộc (hoặc có thể chỉ là lợi ích của nhóm cầm quyền) lên trên hết, có thể hành xử rất “thực dụng”, thậm chí hợp tác với “kẻ thù của kẻ thù” để đạt mục tiêu trước mắt nào đó.
Nhưng lập luận “kẻ thù của kẻ thù” có lẽ không đắc dụng trong trường hợp các tổ chức Hồi giáo nguyên gốc. Chưa từng có trường hợp các tổ chức Hồi giáo theo chủ thuyết “nguyên gốc” này xử lý nhau như kẻ thù nếu còn tồn tại những kẻ thù khác mà họ coi là “ngoại đạo”.
Thực tế chiến trường Syria đang diễn ra như vậy. Lực lượng IS chỉ tranh chấp quyền kiểm soát với các nhóm thánh chiến khác tại các khu vực ngoài vòng kiểm soát của chính quyền Syria.
Còn ở những khu vực vẫn tồn tại tranh chấp với chính quyền Damascus thì IS không đánh nhau với các nhóm thánh chiến khác cùng phe đối lập.
Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã tốn công vô ích khi ráng thuyết phục nhóm “Mặt trận Nusra” (al-Qaeda tại Syria) đánh IS để có thể được Mỹ đưa ra khỏi danh sách “khủng bố”. Thực tế là Nusra không chấp thuận đánh IS, đồng thời không ly khai khỏi al-Qaeda hiện do Ayman Zawaheri làm thủ lĩnh.
Từ năm 2014, để chuẩn bị môi trường thuận lợi cho chủ đích rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2016, Mỹ đã nỗ lực khuyến khích một sự hòa giải giữa chính quyền Kabul với Taliban.
Thực tế tại Doha đã diễn ra được một vài cuộc gặp giữa đại diện Taliban với chính phủ của Tổng thống Ghani, do Qatar làm trung gian. Nhưng các cuộc gặp này đã bị ngưng trệ vô thời hạn vì lập trường của đôi bên trong cuộc không thể dung hòa nhau, dù chỉ một điểm nhỏ!
Nhưng việc Hãng tin Nga Interfax dẫn lời ông Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Putin tại Afghanistan, hé lộ thông tin “Nga hợp tác với Taliban” trong một phạm vi nào đó để chống IS cũng có thể không sai.
Trong thành phần Taliban cũng có một vài nhóm hoặc cá nhân nào đó không thật sự trung thành với “thánh chiến” và Hồi giáo nguyên gốc.
Tại Iraq và Syria, không ít “cựu binh” của chế độ Saddam Hussein (tổng thống Iraq bị tử hình cuối năm 2004) và Muammar Gaddafi (lãnh tụ Libya bị giết cuối năm 2011) đang là thành viên của IS, al-Qaeda và các nhóm thánh chiến khác.
Những người này không hề “thánh chiến” hay Hồi giáo nguyên gốc gì. Họ chỉ nương tựa vào các nhóm khủng bố này để mong thỏa mãn ý nguyện trả thù Mỹ và các chính quyền mới được dựng lên.

Nguồn tuoitre.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề