Khi Trung Quốc phải trả giá cho sự tham lam

Nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến tình trạng hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc là sự tham lam của chính phủ nước này trong việc tích lũy và đẩy cao quy mô của quỹ dự trữ ngoại tệ.

Thế giới đang được chứng kiến một cơn bão lạm phát trong vòng hơn một tháng đầu năm 2016, khi có tới 2 trong số 5 quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn nhất (BRICS) là Nga và Trung Quốc đang phải oằn mình đối phó với nguy cơ đồng nội tệ mất giá.
Đồng Rup của Nga đang có tốc độ mất giá khoảng 13%, còn đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đã mất giá hơn 5% kể từ tháng Tám năm ngoái. Nga đối mặt với khủng hoảng kinh tế và lạm phát sớm hơn Trung Quốc hơn một năm, vì thế có thể dựa vào trường hợp của Nga để hình dung ra kịch bản sẽ xảy đến với Trung Quốc trong thời gian tới, một kịch bản trong đó quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc bị vô hiệu hóa trong việc bảo hiểm cho nền kinh tế nước này.
Ở thời điểm hiện tại, yếu tố duy nhất ngăn cản các chuyên gia kinh tế trên khắp thế giới dự đoán về một cuộc khủng hoảng sẽ nổ ra với nền kinh tế Trung Quốc, là quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ mà nước này đang nắm giữ. Dù đã sụt giảm đáng kể sau khi vụ hỗn loạn trên thị trường chứng khoán (TTCK) nước này hồi tháng Tám năm ngoái, thì quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn đạt khoảng 3.300 tỷ USD, một con số vẫn rất lớn.
Với quy mô dự trữ ngoại tệ đạt khoảng 30% GDP, tức hơn gấp ba so với mức chuẩn trung bình mà quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo với các quốc gia là khoảng 10%, Trung Quốc được cho là đang nắm giữ một chiếc chìa khóa bảo hiểm có thể đủ khả năng xử lý bất cứ một nguy cơ về kinh tế hay tài chính nào.
Đúng là với quỹ dự trữ ngoại tệ lên tới khoảng 30% GDP, về lý thuyết thì Trung Quốc có thể xử lý bất cứ một nguy cơ về tài chính hay kinh tế nào. Nhưng nó sẽ vẫn có một giới hạn nhất định trước khi chạm đến chân tường. Trường hợp của Nga trong việc xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế hồi cuối năm 2014 đã chỉ ra, các quốc gia không bao giờ được phép sử dụng đến đồng xu cuối cùng trong quỹ dự trữ để đối phó với các vấn đề kinh tế của quốc gia.
Trong giai đoạn cuối 2014 và đầu 2015, Nga cũng đã bơm khá nhiều USD từ quỹ dự trữ ngoại tệ lên tới khoảng 500 tỷ USD của mình để ngăn chặn đà mất giá của đồng Rup, nhưng nước này đã nhanh chóng dừng lại khi mới chỉ bơm ra thị trường chưa đầy 1/5 trữ lượng quỹ dự trữ của mình, tức là chưa đầy 100 tỷ USD.
Trên thực tế, luôn có một giới hạn mà các quốc gia không thể vượt qua trong vấn đề sử dụng quỹ dự trữ ngoại tệ của mình. Theo công thức chuẩn của IMF, thì trần giới hạn thấp nhất của quy mô dự trữ ngoại tệ với các quốc gia thường là 1/5 tổng kim ngạch nhập khẩu và các khoản nợ ngắn hạn, trần cao nhất là 1/3; còn nếu tính theo GDP thì mức giới hạn an toàn là khoảng 10% GDP. Nếu đối chiếu công thức này vào trường hợp Trung Quốc, thì mức trần giới hạn sử dụng quỹ dự trữ ngoại tệ của chính phủ nước này là khoảng trên 1.000 tỷ USD, nghĩa là với khoản dự trữ khoảng 3.300 tỷ USD hiện nay thì Trung Quốc sẽ chỉ được sử dụng khoảng 2.300 tỷ USD cho các vấn đề của mình mà thôi.
Nhưng, vấn đề chưa dừng lại ở đó. Theo thống kê, gần 1/3 quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là được đầu tư vào các tài khoản thanh khoản, chẳng hạn như các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong kế hoạch Con đường tơ lụa. Điều này có nghĩa là khoảng 1.000 tỷ USD trong quỹ dự trữ của Trung Quốc chỉ thực sự hiện hữu và có tác dụng trong vòng một năm tới, kể cả trong tình huống thuận lợi nhất thì điều này cũng đang thu hẹp quy mô dự trữ thực sự của Trung Quốc xuống còn khoảng 2.800 tỷ USD.
Chưa kể, tính từ tháng Mười năm ngoái cho đến nay, trung bình quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm khoảng 100 tỷ USD mỗi tháng, chỉ tính riêng trong tháng 1.2016 thì chính phủ nước này đã bơm tổng cộng gần 200 tỷ USD ra thị trường, trong khi các chuyên gia kinh tế dự đoán tổng số tiền mà Trung Quốc bơm ra thị trường trong cả năm 2016 chỉ là khoảng 300 tỷ USD. Nếu tình trạng hiện tại cứ tiếp tục diễn ra, nhiều khả năng chỉ đến mùa hè là số tiền mà chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng trong quỹ dự trữ của mình chỉ còn khoảng chưa đầy 2.000 tỷ USD mà thôi.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này là kinh tế Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn giảm tốc, khi chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 6,9% trong năm 2015, là mức thấp nhất kể từ năm 1990. Nó dẫn đến việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc, gây ra một dòng chảy ngoại tệ lớn rời khỏi nước này và tạo áp lực cực lớn lên tỷ giá đồng nhân dân tệ. Điều này cũng tương tự như Nga giai đoạn cuối năm 2014, khi các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU đã khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường Nga và tạo áp lực lớn lên đồng Rup.
Nhưng, nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến tình trạng hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc, lại là sự tham lam của chính phủ nước này trong việc tích lũy và đẩy cao quy mô của quỹ dự trữ ngoại tệ của nước này. Mức chuẩn về giới hạn trần quỹ dự trữ ngoại tệ mà IMF khuyến cáo là trên 10% GDP, nếu vượt quá mức này sẽ gây ra những tác động xấu với nền kinh tế, chứ không phải là cứ tích lũy càng nhiều dự trữ ngoại tệ thì càng tốt.
Cục trưởng cục tài chính khu công nghiệp Tô Châu là Quách Cương cho rằng, mức dự trữ ngoại tệ khổng lồ và vẫn đang có dấu hiệu gia tăng của Trung Quốc hiện nay sẽ đem lại 5 năm tác động xấu với nền kinh tế: 1. Để tương ứng với số ngoại tệ, Trung Quốc cần phát hành thêm nhân dân tệ và sẽ dẫn đến lạm phát, 2. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc khá đơn nhất, chủ yếu là đồng USD, nên đầu tư ra nước ngoài không linh hoạt và không đảm bảo thu lời tương ứng với việc sử dụng ngoại tệ, 3. Trung Quốc tăng quỹ dự trữ nhờ vào thặng dư thương mại do giá nhân công và xuất khẩu rẻ, nhưng lại thu ngoại tệ để dự trữ thay vì đầu tư vào nền kinh tế, 4. Không cân bằng thu chi quốc tế sẽ dẫn đến sự bất lợi trong việc phát triển ngoại thương, 5. Một lượng lớn trong quỹ dự trữ là do các nhà đầu cơ trục lợi, bằng cách mua nhân dân tệ giá rẻ rồi bán lại giá cao.
Nói cách khác, bằng việc tăng cường tích lũy ngoại tệ để làm tăng quỹ dự trữ bằng tiền thu được từ thặng dư thương mại, Trung Quốc đã tước đi cơ hội phát triển của các doanh nghiệp nước này thông qua việc không tái đầu tư khoản lợi nhuận thu được từ thặng dư thương mại. Theo công thức chuẩn của IMF, khi quỹ dự trữ lớn hơn 10% GDP, thì nên tái đầu tư vào nền kinh tế thay vì tiếp tục đẩy cao quy mô của quỹ dự trữ.
Trên thực tế, vào tháng 10.2006 khi quỹ dự trữ của Trung Quốc lớn hơn 1.000 tỷ USD, thống đốc ngân hàng trung ương là Chu Tiểu Xuyên đã cho rằng như thế là đã đủ, và ông này đã nhận được sự đồng tình của thủ tướng khi đó là Ôn Gia Bảo, rằng dự trữ ngoại tệ quá cao là không cần thiết và nó dễ bóp méo kết cấu của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng tất cả đã bị lờ đi, và Trung Quốc tiếp tục nâng cao hơn nữa quy mô của quỹ dự trữ ngoại tệ, có lúc lên đến 50% GDP.
Theo một cách nhìn nhất định, thì đó có thể cũng là một lý do khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào hoàn cảnh hiện tại, vì năng lực của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay vẫn khá hữu hạn và không đủ sức bù đắp khoảng trống do các doanh nghiệp nước ngoài để lại. Trung Quốc đã tước đi cơ hội phát triển của các doanh nghiệp nước mình bằng cách nâng quy mô quỹ dự trữ lên cao quá mức cần thiết từ tiền thu được từ thặng dư thương mại, nhưng giờ đây nước này lại đang phải bơm tiền ra với tốc độ chóng mặt để cứu vãn tình hình một phần do việc nâng quy mô quỹ dự trữ trước kia gây ra. Người Á Đông có câu: “của thiên trả địa” có vẻ như rất đúng với tình trạng hiện tại của Trung Quốc.

Nhàn Đàm (motthegioi.vn dịch từ Bloomberg)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề