Khi một nước nghèo nhưng nhà nhà tậu iPhone

Nếu tính theo thu nhập bình quân, dân Việt còn được xếp vào hạng nghèo nhưng về mức độ xài sang thì được xếp vào hàng đỉnh trên toàn cầu.

Trong một thống kê của báo Wall Street Journal (WSJ, Mỹ) công bố ngày 12/7, trong quý 1/2015, trong tám thương hiệu sản xuất smartphone trên thế giới, Apple đã chiếm 92% lợi nhuận!

Cũng theo bình luận của tờ WSJ, trong khi các hãng đã làm giá smartphone chạy hệ điều hành Android ngày càng giảm (giá trung bình là 184 USD/máy) thì giá iPhone hiện nay là 659 USD/máy, tăng 35 USD/máy so với năm 2014. Theo quy luật, giá sản phẩm tăng thì số lượng ắt giảm. Nhưng thực tế lại khác, tính đến hết quý 1/2015, số iPhone bán ra tăng 43% so với cùng kỳ. Chỉ có Apple làm được những kỳ tích đó, ít nhất là vào thời điểm này khi có gần 2.000 thương hiệu đang tận lực cày xới trên cánh đồng có tên là “smartphone”.

Còn Việt Nam thì sao? “Quá thành công. Thị trường lớn”, là những nhận định ngắn gọn của đại diện Apple tại Singapore, với các nhà bán lẻ smartphone tại thị trường Việt Nam trong những đợt khảo sát gần đây. Theo thống kê của GfK Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm, ước tính thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 360.000 chiếc iPhone. Tại thị trường Việt Nam, dù mất 40% lợi nhuận từ hàng xách tay nhưng vị đại diện Apple không những không buồn mà còn tỏ vẻ hân hoan, vì dù sao đó cũng là những sản phẩm chính hãng có hình quả táo mẻ!

Nếu tính theo thu nhập bình quân, dân Việt còn được xếp vào hạng nghèo nhưng về mức độ xài sang thì dân Việt Nam được xếp vào hàng đỉnh trên toàn cầu. Giám đốc một công ty truyền thông kể rằng, buổi sáng của cái ngày iPhone 6/6+ có mặt tại thị trường Việt Nam, nhiều nhân viên xin nghỉ việc ngày hôm đó để mua… iPhone 6, không ít người sắm cả 6+ 64GB! Ông giám đốc chìa chiếc smartphone của một hãng nằm trong top 5 thế giới, rồi bình luận: “Tôi làm giám đốc mà chẳng dám mua iPhone, vậy mà nhân viên mua tỉnh rụi trong khi lương họ chỉ từ 6 – 8 triệu đồng/tháng”.

Nhiều người sử dụng iPhone 5/6/6+ cho biết, mua iPhone là để tận hưởng “sản phẩm có thương hiệu đỉnh”, “xài cho sướng”, “không thể thua anh kém chị”, “mãi mãi là đẳng cấp”… Còn xài vào việc gì hả? Thì chiếc điện thoại nào cũng chỉ loanh quanh mấy chức năng: nghe – gọi – nhắn tin – chụp ảnh – Facebook – nghe nhạc – coi phim và… hết! Hiếm hoi mới có người nói rằng: đã quen dùng iOS (hệ điều hành của iPhone) nên cứ gắn vào quả táo mẻ này. Vài người cho rằng, iPhone rất bền, chạy hoài mà không thấy xuống máy (yếu)!

Như một mặc định, chỉ riêng trong nhóm sản phẩm di động quanh người, hễ thấy ai xài Macbook, iPhone, iPad, còn lúc trước là iPod, đó là những người giàu có, ít nhất là đủ đầy trong xã hội. Nhiều người dùng các sản phẩm táo mẻ đều muốn “mình là vậy” cho dù họ là một viên chức bình thường với lương ba cọc ba đồng, một sinh viên đang còn miệt mài nhai chữ thay cơm, cuối tháng nhắn tin gởi về cha mẹ xin tiền…

Không ít người tuyên bố, số tiền để mua iPhone 6 có thể sắm 3 – 4 chiếc smartphone khác nhau vì bây giờ mọi thứ tưởng chừng riêng tư giờ đã nằm trong “đám mây”, chưa kể thời buổi bây giờ “trộm cắp như rươi”…

Mỗi người có một quan niệm tiêu dùng riêng. Khó mà thiết lập chuẩn văn hoá tiêu dùng chung. Apple đã biết cách dẫn dắt nhiều thành phần trong xã hội mua sản phẩm của họ để dùng, dù biết rằng để sở hữu phải tốn một khoản tiền đáng kể…

Trí Lê (Theo THẾ GIỚI TIẾP THỊ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Khi một nước nghèo nhưng nhà nhà tậu iPhone”:

  1. Hải Minh viết:

    Điều đơn giản và dễ hiểu để giải thích sự kiện trên là tại VN hiện nay, tuy là nước XHCN nhưng việc chênh lệch giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và thôn quê đã lên quá cao. Tính bình trung thì thu nhập cả nước là nghèo, nhưng ở các vùng thành thị, vẫn có nhiều người khá giả, trong khi hơn 70% ở các vùng quê thì quá nghèo. Ngay ở thành thị cũng còn rất nhiều người nghèo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề