Keangnam đặt cược số phận vào tòa nhà cao nhất VN ra sao?

Để xây tòa Landmark 72, Keangnam đã vay tới gần 50% vốn đầu tư công trình. Sự liều lĩnh này khởi đầu hàng loạt rắc rối của ông lớn ngành xây dựng Hàn tại Việt Nam.

Công trình xây dựng cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72 đang được tòa án Hàn Quốc, thông qua công ty quản lý bất động sản Colliers International, rao bán ở mức 830 tỷ won (khoảng 770 triệu USD). Vậy là chỉ sau hơn 4 năm hoạt động tại Việt Nam, tham vọng của ông lớn xây dựng Hàn Keangnam Enterprise đối với vụ đầu tư xây dựng tòa Keangnam Hanoi Landmark Tower trị giá 1,05 tỷ USD tại Hà Nội chưa tới ngày “hái quả”, đã đứng trước nguy cơ sang tên, đổi chủ.

Goldman Sachs và Qatar Investment Authority là hai đơn vị đang nhăm nhe mua lại tòa nhà. Tuy nhiên, với mức định giá gần 800 triệu USD, hai nhà đầu tư nói trên cùng nhiều đối thủ ẩn mình khác vẫn đang cân nhắc phương án có lợi nhất.

Chứng kiến Keangnam từ thời hoàng kim tới khi đứng trên bờ vực phá sản, giới đầu tư không thể không tiếc cho một “đế chế”, dưới sự lèo lái của chủ tịch Sung Wan-jong, đã từng hùng mạnh, cực thịnh vào thập niên 80-90.

Tuy nhiên, liên tiếp mắc sai lầm, thua lỗ tài chính và tụt dốc từ cuối những năm 1999, đầu 2000, Keangnam dần mò mẫm trong cái bóng của chính mình. Theo báo cáo tài chính, năm 2013, Keangnam thua lỗ gần 311 tỷ won. Năm 2014, công ty tiếp tục báo lỗ 408,4 tỷ won.

Ở mảng kinh doanh chính là xây dựng, bên cạnh những dự án “khủng” ở các nước Algeria, Sri Lanka, Ethiopia, Keangnam Hanoi Landmark Tower tại Hà Nội (Việt Nam) được đánh giá là tham vọng liều lĩnh của cố chủ tịch Sung Wan-jong. Để thực hiện được dự án, Keangnam đã đặt cược số phận của chính mình.

Keangnam Enterprises bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2007 trong bối cảnh “đế chế” này đã đi qua thời kỳ hoàng kim từ lâu. Theo cáo buộc của Viện kiểm sát Hàn Quốc, trong thời gian 2006-2013, ông Sung bị nghi ngờ đã gây ảnh hưởng với chính quyền và chỉnh sửa sổ sách công ty để được vay nợ 80 tỷ won (khoảng 74 triệu USD) từ ngân sách của Chính phủ nước này nhằm có vốn thực hiện các dự án bất động sản ở nước ngoài. Đây cũng là giai đoạn Keangnam Enterprises tập trung cho dự án tại Hà Nội.

Ở nguồn tin được công bố, để theo đuổi và hiện thực hóa tham vọng xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark 72, Keangnam đã liều lĩnh huy động khoản vay tới 530 tỷ won trên tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ won từ các ngân hàng lớn tại Hàn Quốc là Shinhan Bank, Korea Eximbank, Woori Bank và ngân hàng Nông nghiệp. Giới chuyên gia nhận định, khoản nợ quá lớn trên đã khiến công ty gặp vấn đề nghiêm trọng về cân đối tài chính.

Trong vụ “đặt cược” số phận ấy, dư luận trong nước còn nhớ lời hứa trị giá 100 tỷ đồng mà đại gia xây dựng Hàn sẽ nộp phạt nếu không hoàn thành tiến độ công trình vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long 10/2010.

Thời điểm này, nhiều nguồn tin từ giới đầu tư ngờ vực về việc chủ Keangnam vốn rất ít khi lên tiếng trước báo giới, lại bất ngờ công khai vụ cược tiền về tiến độ thi công. Hành động này từ phía Keangnam diễn ra sau khi có thông tin dự án Landmark đã đăng ký lượng vốn rất lớn, nhưng ngân sách đầu tư thực tế thấp hơn nhiều và một số thông tin cáo buộc đại gia xây dựng đã làm ăn “không minh bạch”.

Suốt quá trình xây dựng và điều hành Landmark 72, Keangnam liên tiếp vướng phải những rắc rối lớn về sai phạm an toàn xây dựng (khiến 7 công nhân tử vong), vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Bên cạnh đó là không ít vướng mắc chưa thể tháo gỡ với cư dân hai tòa chung cư cao cấp 48 tầng về vấn đề ăn gian diện tích xây dựng, giá và chất lượng dịch vụ…

Về mức giá bán 830 tỷ won (khoảng 770 triệu USD) được chủ đầu tư thông báo gần đây, không ít người thắc mắc về các tiêu chí để định giá tòa nhà. Bởi theo thông tin công bố từ trước, tổng mức đầu tư cho toàn bộ công trình là 1,05 tỷ USD, bao gồm 2 tòa chung cư cao cấp 48 tầng và tòa nhà tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm giải trí 72 tầng. Tuy nhiên, thực tế, các căn hộ ở hai khối nhà 48 tầng đã được bán gần hết cho các cư dân.

Tòa 72 tầng sau 4-5 năm đi vào hoạt động đã phải tính tới khấu hao, hư hại công trình. Bên cạnh đó, dù nằm ở vị trí đắc địa, ngay vị trí trung tâm của thủ đô Hà Nội mới nhưng những lùm xùm giữa chủ quản lý tòa nhà với các đối tác kinh doanh lớn đã phần nào cho thấy những vấn đề bất cập trong hoạt động thương mại tại đây. Tiêu biểu trong năm qua là việc đại gia bán lẻ Parkson đã rút lui “không kèn không trống” khỏi Landmark 72 do kinh doanh thua lỗ.

Sau gần 50 năm tồn tại và phát triển, tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises đang đứng trên bờ vực phá sản. Đặc biệt, sau vụ tự sát của “thuyền trưởng” Sung Wan-Jong hồi đầu tháng 4, sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cũng đã tuyên bố xóa tên tập đoàn này sau hơn 40 năm niêm yết. Để tự cứu lấy mình, Keangnam buộc phải rao bán một loạt các dự án xây dựng tại nước ngoài và cả Landmark 72 tại Việt Nam, công trình mà cố chủ tịch Sung Wan-Jong đặt nhiều hy vọng.

Đại diện các chủ nợ chính của Keangnam, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank), hãng bảo hiểm Korea Trade và Shinhan Bank cho biết, vẫn chưa tìm ra phương án xử lý các dự án ở nước ngoài của tập đoàn xây dựng này như thế nào. Nếu không có nhà đầu tư mua lại hoặc rót vốn vào công ty, tòa án buộc phải tuyên bố Keangnam phá sản.

Lan Hương (Theo Zing News)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề