‘Kế hoạch Barbarossa’ tấn công Liên Xô

Phát xít Đức bội ước tấn công Liên Xô theo “Kế hoạch Barbarossa” ngày 22/6/1941. Sau một số thành công ban đầu, quân Đức đã bị thảm bại ở ngoại ô Moskva và chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” (Blitzkrieg) của Hitler đã hoàn toàn phá sản.

“Kế hoạch Barbarossa” là mật danh của chiến dịch xâm lược Liên Xô mà Đức Quốc xã tiến hành trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến dịch này mở màn vào sáng ngày 22/6/1941 trên toàn bộ tuyến biên giới phía Tây của Liên Xô và kết thúc vào đầu tháng 2/1942 ở cửa ngõ Moskva.

Mặc dù quân Đức đã giành được một số chiến thắng lớn ở cấp độ chiến thuật, chiếm được phân nửa lãnh thổ châu Âu của Liên Xô, nhưng không hoàn thành mục tiêu “tiêu diệt Hồng quân và đánh chiếm Moskva trong vòng vài tuần” mà “Kế hoạch Barbarossa” đề ra. Kể từ sau khi đợt tấn công Moskva bị bẻ gãy vào cuối tháng 1/1942, Quân đội Đức Quốc xã không còn đủ sức tổ chức một đợt tổng tấn công nào trên toàn bộ mặt trận, khiến cho chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” của Hitler hoàn toàn phá sản.

Mưu đồ tấn công Liên Xô của Đức Quốc xã

Chỉ ba tháng sau khi ký Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với Liên Xô, ngày 23/11/1939, Hitler tuyên bố: “Chúng ta đã có một hiệp ước với người Nga. Nhưng các hiệp ước chỉ được tôn trọng khi chúng còn có lợi”.

Ngày 21/7/1940, Quốc trưởng Adolf Hitler giao cho Bộ Tổng chỉ huy lục quân Đức soạn thảo “Kế hoạch Otto” và sau này đổi tên thành “Kế hoạch Barbarossa”. Kế hoạch này dự định tấn công và đánh chiếm Liên Xô trong một thời gian ngắn, bắt đầu vào ngày 15/6/1941, trước khi kết thúc chiến tranh với Anh. Mục tiêu chính của “Kế hoạch Barbarossa” là tiêu diệt Hồng quân Liên Xô, đánh chiếm những vùng đất đai quan trọng và buộc Liên Xô phải đầu hàng. Kế hoạch này dự kiến kết thúc chiến tranh trong vòng vài tháng, thậm chí vài tuần lễ.

"Kế hoạch Barbarossa".

“Kế hoạch Barbarossa”.

Các cơ quan tình báo và phản gián Đức được giao nhiệm vụ tung tin đồn về việc quân Đức chuẩn bị chiến dịch đổ bộ đánh chiếm Vương quốc Anh, nhằm đánh lạc hướng, che giấu ý đồ thật sự của “Kế hoạch Barbarossa”.

Thế nhưng, Cơ quan tình báo quân sự GPU của Liên Xô ngày 15/5/1941 đã nhận được tin của điệp viên Nga gốc Đức Richard Sorge từ Tokyo thông báo: “Chiến tranh sẽ bắt đầu ngày 22/6/1941”. Sau đó 6 ngày, Sorge gửi tiếp một tin nữa để xác nhận: “Cuộc tiến công sẽ được thực hiện trên toàn mặt trận lúc rạng sáng ngày 22/6”. Nhưng Stalin lại nghi ngờ tính xác thực của các thông tin đó, với niềm tin thái quá vào các nỗ lực ngoại giao để tránh xảy ra chiến tranh. Mặc dù biết chắc rằng một cuộc chiến với Hitler là không thể nào tránh khỏi, nhưng Stalin vẫn cho rằng nó không thể xảy ra vào ngày 22/6/1941. Ông vẫn cho rằng Hitler không thể nào tấn công Liên Xô, trước khi đánh thắng Vương quốc Anh.

Tờ mờ sáng ngày 22/6/1941, quân đội phát xít Đức đã vượt biên tấn công Liên Xô, với sự tham gia của 3 triệu binh sĩ cùng 600.000 binh sĩ của Phần Lan, Italy, Romania, Hungary và Slovakia. Chiến sự kéo dài từ biển Baltic tới Biển Đen, trải dài tới 2.130km. Đảm nhận các cuộc tấn công này là các Cụm tập đoàn quân phương Bắc, Trung tâm và phương Nam của Đức. Đối với Hitler, đây là một cuộc chiến hủy diệt kẻ thù, tạo ra “không gian sống ở phương Đông” và ráo riết “Đức hóa” các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bằng mọi thủ đoạn tàn bạo.

Trong “Kế hoạch Barbarossa”, đánh chiếm Leningrad là một trong ba mục tiêu chiến lược. Hai mục tiêu còn lại là Moskva và Kiev.

Trận hợp vây Bialystok-Minsk

Trong vòng vài tuần đầu tiên, quân Đức đã đánh chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn, mặt dù vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của Hồng quân Liên Xô. Trên đà tiến quân như vũ bão, các quân đoàn xe tăng của Tập đoàn quân Trung tâm đã hình thành gọng kìm bao vây hoàn toàn hai thành phố Bialystok và Minsk, tiêu diệt nhiều sư đoàn của Liên Xô.

Trận Białystok-Minsk là một chiến dịch tấn công chiến lược do Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Đức thực hiện nhằm chọc thủng các phòng tuyến biên giới của Liên Xô trong giai đoạn đầu của “Chiến dịch Barbarossa”. Chỉ trong vòng 10 ngày, Hồng quân Liên Xô đã hai lần liên tiếp bị quân Đức Quốc xã hợp vây ở Minsk và Białystok và bị thiệt hại nặng nề. Quân Đức đánh chiếm hoàn toàn Belorussia, uy hiếp Smolensk là cửa ngõ vào Moskva. Trái với dự tính ban đầu của quân Đức, Hồng quân đã chiến đấu hết sức dũng cảm và gây cho quân Đức nhiều tổn thất nặng nề.

Ngày 9/7/1941, Bộ Tư lệnh tối cao của quân đội Đức (OKW) thông báo đã bắt được 328.898 tù binh, thu được 3.102 khẩu pháo và phá hủy 3.332 xe tăng của Hồng quân Liên Xô. Thừa thắng xốc tới, quân Đức tiến về hướng thủ đô Moskva và mục tiêu đánh chiếm tiếp theo là Smolensk.

Trận chiến bao vây Smolensk

Bên cạnh các chiến tuyến Bialystok và Minsk, Hồng quân Liên Xô dựng lên một chiến tuyến phòng ngự gần Smolensk. Ngày 10/7/1941, quân đội Đức tấn công về hướng Smolensk. Các quân đoàn xe tăng thiết giáp của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm đã bỏ qua tuyến phòng thủ mạnh, tạo thành gọng kìm bao vây Hồng quân Liên Xô ở Smolensk. Mục tiêu của Hitler là sau khi hủy diệt lực lượng xe tăng của Liên Xô, tập trung lực lượng tấn công thủ đô Moskva cách đó 400 km.

Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm đã quyết định tấn công vu hồi bằng lực lượng xe tăng và cơ giới mà không cần chờ đợi các đơn vị bộ binh. Đây là một bất ngờ lớn đối với Bộ tư lệnh Phương diện quân miền Tây đang tập trung quân cố thủ ở chiến tuyến Smolensk.

Đến cuối tháng 7/1941, quân đội Đức đã siết chặt vòng vây xung quanh “cái chảo” Smolensk. Đầu tháng 8, lực lượng Hồng quân bị vây tại Smolensk đã “mở đường máu” giành lại quyền kiểm soát các bến vượt sông Dnepr tại Solovyov, Ratchino và các vùng lân cận. Ngày 4/8, những lực lượng còn lại của các tập đoàn quân 16 và 20 đã vượt sông Dnepr về với chủ lực Phương diện quân Tây. Chiến dịch phòng thủ Smolensk kết thúc.

Trận Smolensk cùng các trận Bialystok và Minsk là các chiến dịch thành công của quân đội Đức. Tuy nhiên, sức kháng cự mãnh liệt Hồng quân Liên Xô đã tiêu hao đáng kể lực lượng của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, buộc cụm tập đoàn quân này phải mất 2 tháng để chỉnh đốn lực lượng. Đây chính là thời gian quý báu để Hồng quân Liên Xô xây dựng trận tuyến bảo vệ thủ đô Moskva.

Cuộc chiến bảo vệ thủ đô Moskva

Sau khi bao vây Leningrad, dánh chiếm Kiev và phần nửa phía Tây Ukraina, ngày 3/10/1941, Cụm tập đoàn quân Trung Tâm (Đức) bắt đầu tấn công về hướng Moskva. Chỉ trong tuần lễ đầu tiên quân Đức đã thắng lớn trong hai trận vây hãm lớn tại Briansk và Vyazma, bắt giữ 600.000 tù binh Liên Xô.

Cụm Tập đoàn quân Trung tâm ồ ạt tiến về phía thủ đô Moskva. Không quân Đức bắt đầu ném bom các mục tiêu chiến lược trong khu vực Moskva, đặc biệt là các hệ thống đường sắt với mục đích ngăn chặn Stalin di chuyển lực lượng và các xí nghiệp về phía Đông. Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Đức (OKW) ra thông cáo ngày 10/9/1941 rằng “Chiến dịch Barbarossa” đã hoàn toàn thắng lợi.

Đầu tháng 11/1941, sáu tập đoàn quân Đức đã áp sát Moskva từ các hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam. Tại kênh đào Yakhroma, lính Đức đã có thể nhìn thấy những tòa tháp của nhà thờ Ivan Velikii trong điện Kremlin qua ống nhòm. Nhưng đây là vị trí gần Moskva nhất mà quân đội Đức Quốc xã có thể tiến đến được. Ngày 7/11/1941, tại Quảng trường Đỏ đã diễn ra cuộc duyệt binh lịch sử. Trong cuộc duyệt binh này, Stalin đã đọc nhật lệnh kêu gọi quân đội và nhân dân bảo vệ thủ đô. Các đơn vị bộ binh, xe tăng, pháo binh Liên Xô sau khi diễu binh qua Lăng Lenin đã thẳng tiến ra mặt trận.

Sau lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, các đơn vị Hồng quân Liên Xô tiến thẳng ra mặt trận.

Sau lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, các đơn vị Hồng quân Liên Xô tiến thẳng ra mặt trận.

Stalin đã kịp thời điều động nhiều quân đoàn tinh nhuệ từ mặt trận phía Đông về bảo vệ thủ đô Moskva, sau khi nhận được tin của nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge khẳng định rằng quân đội Nhật hoàng không có kế hoạch tấn công Liên Xô vào thời điểm đó.

05_RichardSorge

Đầu tháng 12/1941, một số đơn vị Đức lâm vào thế “chết đứng” do xe tăng thiết giáp không thể vận hành dưới cái lạnh khủng khiếp của mùa Đông nước Nga. Ngày 4/12, tập đoàn quân xe tăng 2 của tướng Guderian đã phải dừng lại khi nhiệt độ xuống tới -35 độ C, ban đêm có lúc xuống tới -50 độ C. Xe tăng Đức hầu như án binh bất động, trong khi Hồng quân liên tục phản kích hai bên sườn và uy hiếp phía sau cánh quân này từ hướng Tula.

Đến ngày 5/12/1941, Cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức đã bị tổn thất rất nặng nề tại Mặt trận Moskva, không còn đủ sức tấn công và phải chuyển sang phòng ngự. Ngày 5 tháng 12, các Phương diện quân Tây Bắc, Kalinin, Tây, Briansk, Tây Nam của Hồng quân Liên Xô đồng loạt phản công. Các tập đoàn quân dã chiến 4, 9 cũng như các tập đoàn quân xe tăng 2, 3 của Cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức Quốc xã bị thiệt hại nặng và bị đánh bật khỏi Moskva, có nơi đến hơn 250 km. Chiến dịch đánh chiếm Moskva bằng một trận hợp vây của quân Đức Quốc xã đã bị phá sản, kéo theo sự phá sản hoàn toàn của “Kế hoạch Barbarossa”.

Trận quyết chiến bảo vệ thủ đô Moskva đã giáng cho quân Đức một đòn trí mạng và sau trận đánh này, quân Đức còn liên tiếp hứng chịu nhiều thất bại chiến lược khác và buộc phải tháo chạy về phía Tây.

Sai lầm chiến lược của Hitler

Hitler đã tỏ ra quá tự tin sau những chiến thắng chớp nhoáng của quân đội Đức Quốc xã ở Tây Âu và sau khi chứng kiến những nhược điểm mà Hồng quân Liên Xô bộc lộ trong cuộc chiến tranh với Phần Lan năm 1939-1940. Ông ta cho rằng quân Đức sẽ nhanh chóng đánh gục Hồng quân Liên Xô trong vòng vài tháng và vì vậy không chuẩn bị những cơ sở vật chất dự phòng cho việc chiến tranh sẽ kéo dài đến mùa Đông. Việc cho rằng Liên Xô sẽ nhanh chóng đầu hàng chính là sai lầm lớn nhất của Hitler.

Một trong những sai lầm chiến lược của Hitler là quá tin tưởng vào chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” (Blitzkrieg) trong “Kế hoạch Barbarossa”. Hitler đã coi thường tiềm lực quân sự cũng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân Liên Xô. Rất nhiều các sai lầm khác về quân sự của Đức cũng bắt nguồn từ sự coi thường này.

Bộ Tổng chỉ huy tối cao Đức (OKW) đã không tính đến mùa Đông khắc nghiệt của nước Nga. Binh lính Đức thiếu quần áo ấm, mắc một số bệnh do khí hậu lạnh, khí tài quân sự xuống cấp do khí hậu khắc nghiệt và mùa đông năm 1941 cũng là mùa đông lạnh giá nhất ở Nga trong vòng 50 năm qua, với nhiệt độ có khi xuống tới -50°C.

Trước kia cũng có một đội quân hùng mạnh đã từng bại trận trước ý chí kiên cường của người Nga và mùa đông khắc nghiệt ở nước này. Đội quân “bách chiến, bách thắng” triệu người của Hoàng đế Pháp Napoleon đã thảm bại trước cửa ngõ Moskva và “ôm đầu máu” chạy dài đến tận Trung Âu.

Minh Bích (nguồn: Baodatviet)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề