“John đi tìm Hùng” và câu chuyện của chàng Việt Kiều suốt 5 năm mơ được nhập quốc tịch Việt Nam

Suốt 5 năm, kể từ ngày sang Việt Nam sinh sống, Trần Hùng John, chàng trai người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với hành trình đi bộ xuyên đất nước khi trong ví không có một đồng xu, vẫn luôn cố gắng để có thể “lột xác” thành người Việt Nam thực thụ.

“Trước khi đến Việt Nam, tôi thấy mình hoàn toàn là một người Mỹ. Tôi không bao giờ giới thiệu với bạn bè rằng tôi là một Việt kiều… nhưng rồi tất cả đã thay đổi. Suốt 5 năm qua, ngày nào tôi cũng mơ mình đã được nhập quốc tịch, được tự hào giới thiệu rằng: Tôi tên là Hùng và tôi là một công dân Việt Nam thực sự”, Trần Hùng John nói.

Hành trình xuyên Việt với chiếc ví rỗng và cuộc tìm kiếm “chất” Việt trong con người Mỹ

Mặc dù bà ngoại và bố mẹ đều là người Việt Nam nhưng từ nhỏ, Trần Hùng John đã mang quốc tịch và lớn lên tại Mỹ. Anh không biết tiếng Việt và hiểu rất ít về văn hóa Việt Nam.

Nhưng có lẽ vì mang trong mình gốc rễ là người Việt, Trần Hùng John luôn khao khát có cơ hội tìm về quê hương cội nguồn để hiểu rõ hơn về vùng đất ấy. Năm 2010, anh quyết định đi du học theo chương trình trao đổi văn hóa tại Đại học Hà Nội.

“Khi ấy, mẹ và bà tôi khá ngạc nhiên. Họ nói tại sao tôi lại du học ở Việt Nam mà không phải là những quốc gia phát triển khác. Nhưng khi tôi nói đó là điều tôi thực sự rất muốn làm, gia đình đã đồng tình”.

Chia sẻ về lý do muốn đến thăm và tìm hiểu về đất nước Việt Nam, anh Hùng cho rằng, mọi thứ có lẽ bắt đầu từ sự ngưỡng mộ của anh dành cho người phụ nữ Việt Nam.

“Họ mạnh mẽ đến mức mà đôi khi tôi không thể tin được. Giống như bà tôi, làm sao bà có thể nuôi 10 người con sống tốt ở nước Mỹ khi mà chính bà cũng không biết tiếng Anh. Rồi mẹ tôi, mẹ làm sao lại có thể ly hôn chồng khi tôi mới 10 tuổi nhưng vẫn nuôi 2 con sống tốt và vươn lên, trở thành một doanh nhân giỏi ở Mỹ?”.

Đến Việt Nam một thời gian, Trần Hùng John làm MC cho một số Đài truyền hình lớn. Tuy nhiên, công việc và guồng quay đều đều của cuộc sống khiến anh cảm thấy, mình vẫn chưa hiểu nhiều về dải đất hình chữ S.

Thế là “vào một ngày đẹp trời”, Trần Hùng John xin nghỉ việc ở Đài truyền hình, xách ba lô lên đi bộ xuyên Việt khi trong ví không có một xu. Anh nói, chuyến đi ấy có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Anh gọi đó là cuộc hành trình “John đi tìm Hùng” – tức là cuộc tìm kiếm bản chất con người Việt Nam ẩn sâu trong một người mà trước nay luôn tự nhận mình là người Mỹ.

 Anh Hùng trải nghiệm cuộc sống lao động cùng người nông dân Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Anh Hùng trải nghiệm cuộc sống lao động cùng người nông dân Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Sau này, anh đã viết một cuốn sách liên quan đến chuyến đi ấy và lấy tên là “John đi tìm Hùng”. Điều bất ngờ là cuốn sách được rất nhiều độc giả đón đọc, đến nay, đã được tái bản 5 lần.

“Có lần tôi đến thăm một trường Tiểu học ở Hà Nội, tôi rất ngỡ ngàng khi biết các em học sinh đều đã đọc sách của tôi. Năm 2013, nó còn được trích làm đề thi văn Đại học khối D, điều ấy khiến tôi rất vui”.

Cuốn sách của anh đã truyền cảm hứng đến rất nhiều người. “Nhiều người gửi thư cho tôi, nói là sau khi đọc sách, họ thấy dũng cảm hơn, sẵn sàng sống vì đam mê hơn”.

Theo anh Hùng, Việt Nam là một đất nước có nhiều cơ hội phát triển và thỏa mãn tốt nhu cầu sáng tạo, tự do làm chủ cuộc sống của mình. “Tôi cũng có bạn gái là người Việt và muốn kết hôn cùng cô ấy. Mọi thứ đều rất tuyệt vời!”.

Khát khao được nhập quốc tịch Việt Nam

Dù cuộc sống hiện tại của Trần Hùng John đang rất tốt đẹp nhưng điều khiến anh trăn trở nhiều nhất là mình vẫn chưa được nhập quốc tịch Việt Nam. “Tôi thấy mình hiểu người Việt, nói tiếng Việt và có những nếp sinh hoạt rất Việt Nam… nhưng tôi vẫn không phải là người Việt Nam”.

Khó khăn lớn nhất của anh là không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Bà ngoại và bố mẹ anh đều không còn bất cứ giấy tờ tùy thân nào liên quan đến việc cho thấy họ là Việt kiều. Theo quy định, nếu muốn nhập quốc tịch, Trần Hùng John phải thể hiện và chứng minh được những đóng góp của mình cho đất nước Việt Nam và chuyện ấy không thể nhanh chóng thực hiện.

 Trần Hùng John chụp ảnh cùng người dân trong chuyến đi xuyên Việt của mình.

Trần Hùng John chụp ảnh cùng người dân trong chuyến đi xuyên Việt của mình.

Không có quốc tịch nên cứ sau vài tháng, Trần Hùng John lại phải rời Việt Nam một lần. “Thực sự điều ấy bất tiện. Có những ngày tôi đặt vé chỉ để bay qua Thái Lan rồi lại về Hà Nội ngay sau đó”. Cá biệt, có một lần, anh đặt vé khứ hồi ngay 1 tiếng sau khi xuống sân bay Thái Lan. “Kết quả là tôi phải chạy hộc tốc mà vẫn suýt không kịp làm thủ tục “check-in”.

Chia sẻ về lý do muốn làm người Việt Nam, Trần Hùng John nói: “Tôi rất yêu đất nước Việt Nam và luôn mong muốn mình được là một phần của đất nước ấy. 5 năm trước, khi vừa đến đây, tôi đã nghĩ là mình sẽ không bao giờ quay lại Mỹ nữa”.

Bản thân anh, từ chỗ còn có nhiều hiểu lầm về đất nước Việt Nam, đến nay, anh đã trở thành một người am hiểu và không ngừng quảng bá hình ảnh tốt đẹp về con người, đất nước Việt Nam đến bạn bè năm châu.

John đi tìm Hùng và câu chuyện của chàng Việt Kiều suốt 5 năm mơ được nhập quốc tịch Việt Nam – Ảnh 5.
Trần Hùng John chia sẻ, để trở thành người Việt Nam, anh không ngừng cố gắng học hỏi rất nhiều điều, từ việc thay đổi khẩu vị ăn uống, tác phong sinh hoạt cho đến ngôn ngữ, cách ứng xử với mọi người. Ảnh: NVCC.

“Gia đình tôi năm trước sang Việt Nam. Tất cả đều hài lòng và nói Việt Nam thật đẹp, con người thật thân thiện rồi mọi thứ quá khác với tưởng tượng của họ”.

Đối với Trần Hùng John, hành trình “John đi tìm Hùng” đến nay vẫn chưa dừng lại. “Việt Nam vẫn còn nhiều thứ tôi muốn tìm hiểu lắm. Đất nước này mang đến cho tôi nhiều nguồn cảm hứng mới lạ và tôi yêu tất cả những điều ấy”.


Trân Hùng John (SN 1989), là một Việt kiều người Mỹ. Bà ngoại và bố mẹ anh đều là người Việt Nam sang Mỹ định cư.

Năm 2010, anh sang Việt Nam du học theo chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước Việt – Mỹ.

Năm 2012, anh thực hiện chuyến đi xuyên Việt khi trong túi không có đồng xu nào.

Năm 2013, anh xuất bản cuốn sách về cuộc hành trình này mang tên “John đi tìm Hùng”. Cuốn sách đã được tái bản 5 lần.

Hiện nay, anh đang là PGĐ, đồng sáng lập một công ty Truyền thông ở Hà Nội. Dự kiến năm 2016 sẽ xuất bản tiếp cuốn sách về cách nuôi dạy con với tựa đề “Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ”

Theo Lan Hương / Trí Thức Trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề