Hôm nay, xét xử phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như

TAND Tối cao tại TP HCM ngày 15/12 sẽ xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm.

Trước đó, được xác định giữ vai trò chủ mưu, Huỳnh Thị Huyền Như đã bị TAND TP HCM tuyên phạt tù Chung thân cho 2 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Huỳnh Thị Huyền Như công nhận bản án và không kháng cáo về mặt tội danh mà chỉ đề nghị tòa xem xét về phần dân sự đối với Villa H2 The Nam Hai Resort (tại Hội An, Quảng Nam).

Huyền Như cho rằng, căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng này là của bà Nguyễn Thị Lang – mẹ bị cáo. Hiện căn biệt thư tiền tỷ này đang được kê biên để phục vụ cho công tác thi hành án.

Trong phiên phúc thẩm này, tòa cũng sẽ xem xét kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt đối với hai bị cáo: Võ Anh Tuấn (Cựu Phó Giám đốc Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè) và Đào Thị Tuyết Dung (Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân).

Trước đó, Võ Anh Tuấn bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đào Thị Tuyết Dung bị tuyên phạt 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 năm tù về tội Cho vay nặng lãi.

Tòa phúc thẩm còn xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo trong vụ án này về tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, Cho vay nặng lãi.

Ngoài ra, tòa cũng xem xét các kháng cáo của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nguyên đơn dân sự của vụ án này.

Theo bản án sơ thẩm, là nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh TP HCM từ năm 2001, ngoài công việc ở đây, Như còn làm thêm nghề kinh doanh bất động sản. Để có tiền kinh doanh, Như vay mượn bạn bè, người quen và ở các ngân hàng.

Khi thị trường bất động sản đóng băng, đến năm 2008, Như đã nợ số tiền lên đến 200 tỷ đồng.

Để có tiền trả nợ, Như đi vay (có khi lên đến hàng nghìn tỷ đồng) và trả lãi suất cao cho hàng chục người, trong đó có các đối tượng như: Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí…

Dù vay mượn nhiều tiền nhưng không thể giải quyết hết nợ nần, vì vậy, Như đã nghĩ cách vay mượn các công ty, các công ty sân sau của ngân hàng và của một số ngân hàng dưới hình thức huy động vốn hoặc ủy thác đầu tư vốn để chiếm đoạt.

Để chiếm đoạt tiền của các đơn vị, ngân hàng, cá nhân mà không bị phát hiện, Huyền Như đã lợi dụng danh nghĩa Vietinbank Chi nhánh TP HCM và Chi nhánh Nhà Bè, đồng thời nghĩ ra nhiều thủ đoạn yêu cầu các đơn vị, cá nhân mở tài khoản thanh toán của họ tại hai chi nhánh trên.

Với thủ đoạn làm giả con dấu, giả chữ ký của lãnh đạo, của đối tác, Huyền Như và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền gần 4.000 tỷ đồng.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 31/12./.

Theo VOV.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề