Hội nghị Bắc Cực: Mỹ kêu gọi nỗ lực để hãm hâm nóng Trái đất
Tổng thống Hoa Kỳ tới dự hội nghị các quốc gia Bắc Cực, tại Alaska, khai mạc hôm nay, 31/08/2015, với kêu gọi thế giới nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Alaska là một trong những khu vực nơi hệ quả của quá trình Trái đất bị hâm nóng thể hiện rõ ràng nhất.

Theo AP, tới Alaska hôm qua 30/08, trước hội nghị thượng đỉnh các nước Bắc Cực, trả lời báo giới Ngoại trưởng Hoa Kỳ lên án phe hoài nghi về tác động của con người đến biến đổi khí hậu, như những kẻ « hết sức vô trách nhiệm ». Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh: Tổng thống Obama coi biến đối khí hậu như « một trong các thách thức nghiêm trọng nhất », « một vấn đề an ninh quốc gia ».

Alaska là một nơi thể hiện rõ các tác động ghê gớm của biến đổi khí hậu: băng hà tan chảy như tuyết dưới ánh sáng mặt trời, nước không ngừng dâng cao nhấn chìm càng ngày càng nhiều vùng đất. Tình trạng ở Alaska là dấu hiệu cho thấy trước những cảnh tượng sẽ xảy ra ở phần còn lại của thế giới, nếu quá trình nhiệt độ tăng cao không được hãm lại nhanh chóng.

Theo các nhà quan sát, trong chuyến đi Alaska, Tổng thống Barack Obama phải điều hòa được hai mục tiêu trái ngược, giữa một bên là chủ trương bảo vệ tiểu bang phía bắc này khỏi các hậu quả nhãn tiền của biến đổi khí hậu và bên kia là quyết định cấp phép cho công ty Shell khai thác dầu khí tại chính đất Alaska trước đó, bị các nhà hoạt động môi trường phản đối mạnh. Giải thích về mâu thuẫn này, Ngoại trưởng Kerry nói đến mệnh lệnh phải cân bằng giữa các đòi hỏi cơ bản của nền kinh tế và nhu cầu sống còn trước biến đổi khí hậu. « Đây chính là điều mà chúng ta sẽ thảo luận » tại hội nghị này, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Theo Phủ Tổng thống Mỹ, một trong những điều cần ưu tiên là Hoa Kỳ bảo đảm độc lập về năng lượng, song song với việc đòi hỏi các công ty dầu khí phải tôn trọng một cách nghiêm ngặt các quy định môi trường, theo luật pháp Mỹ.

Bắc Cực đang tan băng là khu vực bị nhiều quốc gia công nghiệp nhòm ngó: Nga, Na Uy, Đan Mạch, Island, Canada, Hoa Kỳ hay Trung Quốc…. Theo một số nghiên cứu, trữ lượng dầu ở đây ước tính có thể chiếm tới 13% trữ lượng toàn cầu, 30% khí đốt, chưa nói đến các nguồn lợi hải sản, khoáng sản và tiềm năng hàng hải.

Nguồn RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề