Học thuyết mới đối phó Nga của Thụy Điển

Thụy Điển đang cấp tập đẩy mạnh khả năng phòng vệ, thiết lập chiến lược quân sự mới nhằm đối phó vấn đề mà nước này coi là “nguy cơ tiềm tàng từ Nga”.
Bộ Quốc phòng Thụy Điển cuối tuần trước thông báo nước này đang sửa đổi Học thuyết quân sự chiến lược (MSD) nhằm đối phó “các mối đe dọa” từ Nga. Chuyên trang Defense News dẫn lời giới chức Stockholm cho rằng MSD sẽ là nền tảng mới để Lực lượng vũ trang nước này (SAF) nâng cao khả năng chiến đấu bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Qua rồi thời “ngủ yên”
Theo các chiến lược gia Thụy Điển, học thuyết hiện nay của nước này ra đời từ sau Chiến tranh lạnh đã không còn phù hợp với bối cảnh tình hình chính trị – an ninh khu vực và thế giới hiện nay. Họ cho rằng sau khi Liên Xô, vốn bị coi là mối đe dọa duy nhất đối với Thụy Điển, tan rã kéo theo mấy chục năm yên bình, ổn định cộng thêm việc Stockholm chọn đường lối trung lập đã làm suy yếu đáng kể năng lực phòng ngự.
Quân đội Thụy Điển bắt đầu giảm năng lực chiến đấu sau thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 và ngày càng suy yếu khi chính phủ đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Theo Defense News, khả năng điều động lực lượng của quân đội Thụy Điển vào năm 1985 là khoảng 100.000 binh sĩ tại ngũ cùng 350.000 lính dự bị. Kho vũ khí phản ứng tiền tuyến có 300 máy bay chiến đấu, 40 tàu chiến và 12 tàu ngầm cùng hệ thống pháo binh ven biển hùng hậu…
Thế nhưng sau năm 1989 đến nay, lục quân mất hơn 50% đơn vị chiến đấu, không quân bị cắt hơn 60% số chiến đấu cơ, còn hải quân mất 30% số tàu nổi lẫn tàu ngầm. Thậm chí vào năm 2010, Thụy Điển quyết định bỏ luôn luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong thời bình.
Defense News dẫn lời cựu Tổng chỉ huy SAF Sverker Göranson ta thán rằng SAF hiện “không còn khả năng đủ sức bảo vệ đất nước khỏi một cuộc xâm lược trực tiếp”. Tương tự, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc hội Allan Widman nhận định: “Chúng ta không thể tiếp tục làm suy yếu năng lực quân đội. Học thuyết quân sự cũ hình thành từ thời điểm bản thân Thụy Điển và các nước láng giềng không gặp phải mối đe dọa nào. Giờ đây, chúng ta đang sống trong thời thế khó lường hơn”.
Trong bối cảnh đối đầu Nga – NATO căng thẳng trở lại xuất phát từ khủng hoảng Ukraina, nhiều quốc gia láng giềng của nước này ở châu Âu, đặc biệt là Đông và Bắc Âu, cảm thấy nguy cơ đang chực chờ. Vì thế, học thuyết quân sự mới kêu gọi thay đổi theo hướng “phòng ngự hung hăng” hơn.
Cụ thể, SAF cần mở rộng lực lượng, tăng cường khí tài và thiết lập khuôn khổ cho phép triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến cho những chiến dịch tác chiến lớn chống lại đòn tấn công nếu có từ Nga nhằm vào lợi ích của Thụy Điển và bạn bè. Bước đầu, chính quyền Stockholm vừa cam kết tăng chi tiêu quân sự, hiện đại hóa máy bay chiến đấu, pháo binh và năng lực hải quân, đồng thời tái thiết lập hiện diện quân sự trên đảo Gotland, từng là tiền đồn chiến lược của Thụy Điển tại biển Baltic.
Hướng về NATO

Thụy Điển đang bộc lộ ý định thay đổi dần định hướng không liên kết lâu nay khi học thuyết quân sự mới cho rằng nước này có thể hợp tác với các láng giềng Bắc Âu hoặc cả NATO khi cần đối phó Nga. Thậm chí tại Stockholm đã xuất hiện một số ý kiến về gia nhập NATO.
“Chúng tôi tin rằng Thụy Điển gia nhập NATO sẽ tăng cường an ninh trong khu vực Baltic. Trở thành thành viên NATO cũng sẽ giúp chúng ta có tiếng nói đối với các quyết định ảnh hưởng đến chúng ta”, Defense News dẫn lời nghị sĩ Hans Wallmark, thành viên Ủy ban Quốc phòng quốc hội, tuyên bố.
Trước mắt, Thụy Điển theo đuổi một loạt thỏa thuận hợp tác quân sự với khối này, Mỹ cũng như nhiều nước đang lo ngại về Nga khác như Ba Lan và các láng giềng Bắc Âu. “Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước Bắc Âu là phản ứng trực tiếp của Thụy Điển đối với những hành vi gây hấn của Nga”, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hultqvist tuyên bố.
Trong khi đó, đến nay các quan chức Điện Kremlin vẫn bác bỏ cáo buộc rằng Nga nuôi ý đồ tấn công NATO hoặc xâm phạm các lợi ích của châu Âu. Moscow khẳng định đây là sản phẩm thêu dệt của NATO nhằm tạo cớ tăng cường hiện diện quân sự sang phía đông, áp sát biên giới và đe dọa các lợi ích chiến lược của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố “Chỉ có kẻ điên mà còn đang nằm mơ mới nghĩ đến khả năng Nga tấn công châu Âu”, theo Hãng thông tấn Sputnik.
Thụy Điển tố Nga “chơi đòn tâm lý chiến”
Hãng thông tấn Sputnik (Nga) đưa tin Cơ quan An ninh Thụy Điển (SAPO) cáo buộc Nga sử dụng các công cụ truyền thông để “điều khiển” dư luận Thụy Điển và cản trở việc ra các quyết định chính trị ở nước này.
Quan chức Wilhelm Unge thuộc SAPO còn tuyên bố sau khi nổ ra khủng hoảng Ukraina và cuộc sáp nhập Crimea, Moscow tăng cường sử dụng các mạng lưới truyền thông quốc tế như RT và Sputnik để gây ảnh hưởng đến các nước khác. Theo ông này, báo đài Nga xoáy sâu vào những bất đồng giữa các thành viên EU về vấn đề cấm vận Nga và khủng hoảng người tị nạn để phân hóa nội bộ khối này cũng như khiến người dân các nước mất lòng tin vào chính phủ. Moscow chưa có phản ứng về các cáo buộc trên.
Danh Toại  (thanhnien.vn)

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Có 1 phản hồi cho bài viết “Học thuyết mới đối phó Nga của Thụy Điển”:

  1. Cao Nam viết:

    Một đất nước với dân số chưa tới 10 triệu luôn yêu chuộng hoà bình, rất độc lập trong chính sách đối ngoại, sau nhiều năm cắt giảm chi tiêu quân sự, đã phải lo ngại về cách hành xử của Nga trên lĩnh vực quân sự. Điều này đã vượt xa truyền thông, mà là sự đe doạ hiện hữu từ Nga. Do vậy, người dân Nga cần trưởng thành và trách nhiệm to lớn trước đất nước, nếu không sự khủng hoảng sẽ là căn bệnh mãn tính của Nga và châu Âu, thậm chí cả thế giới. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề