Hòa dịu và đối đầu

Vẫn đang còn rất nhiều xung đột và mâu thuẫn tồn tại ở các “điểm nóng” trên bản đồ địa chính trị thế giới. Song, bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện ngày một rõ hơn những nỗ lực hàn gắn các mối quan hệ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong tuần đầu tiên của năm 2015…

1. Thái độ mệt mỏi của châu Âu trước hiệu quả ngày càng rõ rệt của đòn “phản pháo” từ Nga đã thể hiện trong những tiếng nói trái chiều từ giới lãnh đạo cựu lục địa. Không chỉ Tổng thống Áo H.Phi-xơ (Heinz Fischer) nhận ra lệnh trừng phạt của Liên hiệp châu Âu (EU) là vô nghĩa (và thậm chí là “ngu dốt”), mà cả Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) và Phó Thủ tướng Ðức X.Ga-bri-en (Sigmar Gabriel) cũng đã thừa nhận: cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga hiện nay (một phần do các lệnh trừng phạt của phương Tây) cũng chẳng phải điều tốt đẹp cho châu Âu.

Theo lãnh đạo Pháp – một bên trung gian cho cuộc khủng hoảng U-crai-na (Ukraine) – các biện pháp mạnh tay trừng phạt Nga cần được dỡ bỏ khi các nỗ lực hòa bình cho U-crai-na có tiến triển. Lãnh đạo Ðức chỉ rõ: Các lệnh trừng phạt không nhằm làm Nga suy yếu, mà để giải quyết vấn đề Ukraine. Vì thế, đã đến lúc không cần duy trì các biện pháp sai mục đích (ám chỉ những động thái của Mỹ) chỉ nhằm hạ bệ Nga. Những tuyên bố đấu dịu với Nga từ hai “đầu tàu EU” còn phản ánh nỗi bất bình của châu Âu khi phải chịu thiệt hại lớn vì hùa theo Mỹ trừng phạt Nga, trong khi Mỹ vẫn ung dung (kinh tế tăng trưởng khả quan) và vẫn tiếp tục lôi kéo đồng minh duy trì sức ép với Mát-xcơ-va (Moscow).

2. Tại bán đảo Triều Tiên, không có những tuyên bố cứng rắn thường lệ, thông điệp năm mới của các nhà lãnh đạo hai miền, với đề xuất tổ chức đối thoại cấp cao, đang đem đến kỳ vọng mới cho hòa bình giữa hai quốc gia, mà về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh. Ðặc biệt, đây là lần đầu nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Châng Un (Kim Jong-un) kêu gọi sự thay đổi lớn trong quan hệ căng thẳng hai miền thông qua đối thoại cấp cao nhất; và cũng lần đầu Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hê (Park Geun Hye) đề cập trực tiếp về một cuộc hội đàm cấp cao liên Triều.
Trái với bầu không khí hòa dịu giữa hai miền Triều Tiên, căng thẳng lại leo thang giữa Triều Tiên với Mỹ, sau khi Oa-sinh-tơn (Wasington) áp đặt bổ sung trừng phạt Bình Nhưỡng liên quan vụ tiến công mạng gây thiệt hại hàng tỷ USD cho hãng phim Mỹ Sony Pictures. Oa-sinh-tơn cáo buộc Triều Tiên là thủ phạm và coi đó là hành vi đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ. Còn Bình Nhưỡng một lần nữa lên án thái độ thù địch dẫn tới hành động đơn phương và dai dẳng của Mỹ nhằm trừng phạt Triều Tiên.

3. Cuộc đối đầu giữa Pa-le-xtin (Palestine) và I-xra-en (Israel) cũng leo thang lên cấp độ mới, sau khi Pa-le-xtin nộp đơn gia nhập hàng chục công ước, tổ chức quốc tế, trong đó có Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) – bước đi khiến I-xra-en “đứng ngồi không yên”. Nếu thành công, Pa-le-xtin có thể đưa các binh sĩ I-xra-en ra tòa án quốc tế. I-xra-en đã đáp trả bằng quyết định phong tỏa các khoản tiền thuế thu hộ Pa-le-xtin, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, và chính quyền Pa-le-xtin cáo buộc đây là “tội ác chiến tranh”.

Pa-le-xtin đã xúc tiến nỗ lực gia nhập tổ chức quốc tế sau khi Hội đồng Bảo an LHQ (với lá phiếu chống của Mỹ, phiếu trắng của Anh và một số nước) đã bác dự thảo nghị quyết do các nước A-rập (Arab) bảo trợ, trong đó lên lộ trình cho việc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin, cũng như việc I-xra-en rút khỏi các vùng đất chiếm đóng. Như “giọt nước tràn ly”, chính sách thù địch của I-xra-en và sự thiên vị của Mỹ đã thúc đẩy Pa-le-xtin tham gia các tổ chức quốc tế, phù hợp quyền và vị thế khi được LHQ trao quy chế Nhà nước phi thành viên.

4. Quốc hội khóa 114 của Mỹ đã khai mạc trong bầu không khí hân hoan của các nghị sĩ đảng Cộng hòa và tâm trạng phấp phỏng của Nhà trắng và đảng Dân chủ. Với lợi thế kiểm soát toàn diện cơ quan lập pháp, ngoài các vấn đề đối nội, phe Cộng hòa đang thúc đẩy QH có tiếng nói lớn hơn trong các dự án đối ngoại vốn là “lãnh địa” riêng của Nhà trắng và thuộc quyền tự chủ tương đối độc lập của Tổng thống B.Ô-ba-ma (Barack Obama).

Trong kế hoạch loan báo trước kỳ họp, các vấn đề đối nội nóng bỏng sẽ được các nhà lập pháp bàn thảo ngay lập lực. Hạ viện xem xét sửa đổi chương trình cải cách y tế Obamacare, sắc lệnh cải cách luật nhập cư; Thượng viện bấm nút khởi động lại dự án đường dẫn dầu từ Ca-na-đa (Canada) bị Chính quyền Ô-ba-ma trì hoãn… Về đối ngoại, QH dọa không cho phép ông Ô-ba-ma tiếp tục mềm mỏng (điều mà phe Cộng hòa kiểm soát cáo buộc đang gây thiệt hại lâu dài cho nước Mỹ). Ðặc biệt, các chính sách mang tính lịch sử, như bình thường hóa quan hệ với Cu-ba (và có thể sắp tới là với I-ran) sẽ vấp phải những lực cản mới.

Nguồn: Báo Nhân dân


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề