Hệ thống tác chiến trên chiến hạm Mỹ triển khai ở Trường Sa

Với khả năng cơ động cao, hệ thống vũ khí tấn công mạnh và nhiều lớp phòng thủ hiện đại, USS Lassen rất thích hợp để thực hiện sứ mệnh tuần tra trên biển.

he-thong-tac-chien-tren-chien-ham-my-trien-khai-o-truong-sa

Tàu khu trục tên lửa USS Lassen tuần tra trên biển. Ảnh: Wikimedia

Ngày 27/10, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục USS Lassen của hải quân nước này tiến đến gần đá Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo từ năm 2014,Reuters đưa tin. Đây được coi là hành động cụ thể, quyết liệt nhất của Mỹ nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

USS Lassen là tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ, bắt đầu được đưa vào biên chế từ năm 2001. Nằm trong số 33 tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke mới nhất của hải quân Mỹ, USS Lassen (số hiệu DDG 83) là một trong những loại tàu chiến có sức mạnh tác chiến đáng nể nhất, theoNavy Technology.

Tàu khu trục USS Lassen được trang bị hệ thống tác chiến Aegis, tích hợp toàn bộ các cảm biến và vũ khí trên tàu vào một hệ thống kiểm soát thống nhất để chống lại các mối đe dọa từ tên lửa diệt hạm của đối phương.

Hệ thống tác chiến Aegis gồm có 4 bộ phận khác nhau, gồm radar đa chức năng AN/SPYT-1, hệ thống chỉ huy và ra quyết định (CDS), hệ thống hiển thị Aegis (ADS), và hệ thống kiểm soát vũ khí (WCS). Toàn bộ các dữ liệu do radar và các cảm biến trên tàu thu thập được đều được chuyển tới hệ thống chỉ huy qua vệ tinh, để người chỉ huy kịp thời nhận định tình hình và ra quyết định. Mệnh lệnh của người chỉ huy được truyền tới các màn hình hiển thị để bộ phận tác chiến lựa chọn vũ khí và có những hành động chiến đấu ngay lập tức.

Tàu dài 155 mét này được trang bị 56 tên lửa hành trình Tomahawk của Raytheon, trong đó có cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất được dẫn đường bằng hệ thống định vị, và tên lửa chống hạm dẫn đường bằng quán tính. Loại tên lửa hành trình này có thể được lập trình mục tiêu ngay trên tàu, xác định mục tiêu trong khi bay.

Ngoài ra, tàu khu trục lớp Arleigh Burke còn được trang bị tên lửa hải đối không Standard SM được dẫn đường bằng quán tính hoặc mệnh lệnh. Tất cả các loại tên lửa này đều được phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng MK41 của Lockheed Martin. Tên lửa SM-3 sử dụng đầu đạn động năng dựa trên công nghệ va chạm để tiêu diệt (hit-to-kill) để chống lại các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Để chống lại tàu chiến của đối phương, những tàu khu trục lớp Arleigh Burke như USS Lassen được trang bị 8 tên lửa hải đối hải Harpoon và hệ thống chống ngầm ASROC. Ngoài ra, tàu còn có 6 ống phóng ngư lôi 324 mm MK32, có thể phóng ra các loại ngư lôi tự dẫn chống ngầm thụ động/chủ động.

Khẩu pháo MK45 cỡ nòng 127 mm được trang bị hệ thống ngắm quang điện tử Kollmorgen ở phía trước tàu có thể tiêu diệt tàu nổi, máy bay của đối phương và bắn phá các mục tiêu trên bờ biển để hỗ trợ các chiến dịch đổ bộ.

he-thong-tac-chien-tren-chien-ham-my-trien-khai-o-truong-sa-1

Pháo MK45 trên tàu USS Lassen khai hỏa. Ảnh: US Navy

Pháo MK45 có khả năng nạp đạn tự động, cơ chế kiểm soát bắn hoàn toàn tự động, có thể bắn hết cơ số đạn 20 viên trong khoảng một phút.

Khả năng tự vệ

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ tuần tra trên biển, USS Lassen có thể phải đối mặt với các hành động khiêu khích, thậm chí là va chạm và hành vi thù địch của đối phương. Để tự bảo vệ mình, USS Lassen được trang bị các công nghệ phòng thủ rất hiện đại.

Gần như toàn bộ con tàu (ngoại trừ hai ống khói bằng nhôm) đều được làm bằng thép cứng, trong đó những khu vực trọng yếu được bảo vệ bằng hai lớp thép và lớp giáp Kevlar. Tàu cũng được trang bị các thiết bị bảo hộ để có thể tự bảo vệ trước chiến tranh hạt nhân, hóa học và sinh học.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke sử dụng các hệ thống radar hiện đại để liên tục tìm kiếm, phát hiện mục tiêu trên không, trên biển và kiểm soát hỏa lực. Bộ cảm biến thủy âm SQQ-89 trên tàu chịu trách nhiệm chống lại các mối đe dọa đến từ tàu ngầm và thủy lôi của đối phương.

Khi phát hiện tên lửa hay ngư lôi của đối phương phóng tới, hệ thống tác chiến điện tử trên tàu sẽ phát tín hiệu cảnh báo và có những hành động tự vệ kịp thời, chẳng hạn như bắn pháo sáng và mồi nhiệt để đánh lừa tên lửa tầm nhiệt của địch, hay phóng rocket để dụ tên lửa địch ra xa tàu.

USS Lassen được trang bị hệ thống bắn pháo sáng 6 nòng Sippican SRBOC để chống tên lửa và hệ thống bẫy AN/SLQ-25A để loại trừ mối đe dọa từ ngư lôi của địch.

Ngoài ra, trên tàu còn có tên lửa Sea Sparrow do Raytheon sản xuất. Đây là loại tên lửa phòng thủ hiện đại chuyên dùng để tiêu diệt các loại tên lửa chống hạm của đối phương nhờ khả năng dẫn đường của radar AN/SPY-1D.

Khả năng phòng thủ tầm gần của con tàu được hoàn thiện bởi hai khẩu pháo 6 nòng Phalanx MK15 cỡ 20 mm có khả năng bắn cực nhanh để tiêu diệt những quả tên lửa xuyên qua được hệ thống phòng thủ vòng ngoài.

Tàu USS Lassen được trang bị 4 động cơ turbine khí GE LM 2.500, mỗi động cơ có công suất tới 33.600 mã lực, giúp nó có thể cơ động rất linh hoạt trên biển với vận tốc tối đa gần 60 km/h.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, với khả năng cơ động nhanh, tấn công và phòng thủ mạnh, tàu USS Lassen rất thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên biển. Hồi tháng 7, các quan chức hải quân Mỹ cho biết tàu USS Lassen đã phối hợp với tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth tuần tra trên Biển Đông nhằm “thể hiện cam kết của hải quân Mỹ đối với khu vực Ấn -Á – Thái Bình Dương, đồng thời chứng tỏ khả năng hoạt động tự do trên biển của Mỹ”.

Theo vnexpress


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề