Giữ hay bỏ hình phạt tử hình?

Trong thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) có những ý kiến đề nghị nghiên cứu tiến tới bỏ hẳn hình phạt tử hình. Có nên không?

* PGS.TS NGUYỄN TẤT VIỄN (thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương): Tham nhũng, phải tử hình

Tử hình là hình phạt có tính răn đe, trừng trị nghiêm khắc nhất, được áp dụng đối với những người phạm tội xét thấy không còn khả năng cải tạo và cần phải loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.

Việc quy định hình phạt này trong các Bộ luật hình sự (BLHS) 1985, 1999, 2009 cũng như áp dụng đúng đắn trong thực tiễn đã khẳng định chính sách hình sự nghiêm minh, công bằng, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử của đất nước.

Nghiên cứu các quy định về hình phạt tử hình trong các BLHS nêu trên, chúng ta thấy rõ rằng xu hướng giảm hình phạt tử hình là chủ yếu.

Lần sửa đổi BLHS năm 1997 có 44 tội danh áp dụng hình phạt tử hình, BLHS năm 1999 còn 29 tội, đến BLHS năm 2009 giảm xuống còn 22 tội và hiện nay Chính phủ đang đề xuất giảm còn 15 tội có hình phạt tử hình.

Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, phù hợp xu hướng chung trên thế giới là ngày càng thu hẹp dần và tiến tới bỏ hình phạt tử hình.

Tôi đồng tình giảm số lượng các tội có hình phạt tử hình bởi BLHS hiện hành quy định 22 tội danh có hình phạt tử hình là chiếm tỉ lệ quá cao so với các tội danh khác trong bộ luật này.

Tôi cho rằng tới đây chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, xâm phạm tính mạng con người và tội phạm tham nhũng.

Về đối tượng cũng chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, cố ý thực hiện tội phạm đến cùng, hoặc người thuộc đối tượng lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, xét thấy không còn khả năng cải tạo.

Riêng đối với tội nhận hối lộ, tội tham ô vẫn nên giữ hình phạt tử hình bởi lẽ đây là các tội phạm gây bất bình lớn trong xã hội, ảnh hưởng lớn đến uy tín, hiệu lực của bộ máy nhà nước, sự an nguy của chế độ.

* Trung tướng TRẦN VĂN ĐỘ (nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương): Không nên tử hình tội phạm kinh tế

Dự thảo BLHS (sửa đổi) có quy định thêm nhiều tội không áp dụng án tử hình là đúng. Có những tội chỉ quy định trong luật nhưng trên thực tế không áp dụng thì nên bỏ đi.

Thực tế cho thấy các tội như giết người, buôn bán ma túy, một vài tội tham nhũng và rất ít trường hợp tội cướp tài sản mới áp dụng hình phạt tử hình. Hầu như các tội còn lại có quy định nhưng không áp dụng mà để lại mang tính răn đe.

Chúng ta phải có kỹ thuật lập pháp làm thế nào để người đáng tử hình thì tử hình, người không đáng thì thôi.

Dự thảo BLHS đã sửa đổi điều 194 BLHS hiện hành về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy theo hướng tách riêng thành các tội danh độc lập, nếu đơn thuần chỉ là hành vi tàng trữ hoặc vận chuyển thuê chất ma túy trái phép thì hình phạt chung thân là đủ nghiêm khắc.

Theo tôi, dự thảo quy định như vậy là hợp lý. Áp dụng theo luật hiện hành tôi thấy có vụ án ma túy ở Quảng Ninh mà tòa tuyên tới 30 án tử hình là quá mức.

Tại sao phải giảm hình phạt tử hình, quy định tử hình có tác dụng răn đe hay không? Tôi thấy hình phạt tù đày nhiều không giải quyết được vấn đề.

Chúng ta phải giải quyết nguyên nhân xã hội là chủ yếu. Đó là môi trường xã hội, chính sách kinh tế – xã hội, công ăn việc làm, đời sống, quản lý xã hội, giáo dục…

Quan điểm của tôi là chỉ với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mới áp dụng hình phạt tử hình. Chỉ nên giữ lại khoảng 10 tội danh có án tử hình.

Đối với các tội phạm về kinh tế thì không nên áp dụng hình phạt tử hình. Vì tử hình là người phạm tội không có khả năng giáo dục được nữa. Trong khi với các tội về kinh tế thì chúng ta đặt nặng vấn đề khắc phục hậu quả hơn là hình phạt tước đi mạng sống.

* Luật sư PHAN TRUNG HOÀI (chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ luật sư): Phù hợp với xu thế thế giới

Thực tiễn tham gia tố tụng hình sự, cá nhân tôi thấy đề xuất giảm nhóm tội hoặc tội danh có hình phạt tử hình là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Hiện nay có 94/193 nước là thành viên của Liên Hiệp Quốc vẫn còn áp dụng hình phạt tử hình.

Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai nước dân số đông nhất thế giới nhưng hình phạt tử hình vẫn được áp dụng. Điều này cho thấy tùy theo điều kiện của mỗi nước mà có quy định cho phù hợp.

Đối với Việt Nam, BLHS nhằm trấn áp tội phạm, tạo môi trường an toàn cho người dân thì việc áp dụng hình phạt tử hình trong một giai đoạn vẫn có tác dụng răn đe.

Về vấn đề có nên quy định hay bỏ hình phạt tử hình, theo tôi, khi tính toán vấn đề này phải cân nhắc đến quyền con người. Tử hình là tước đoạt mạng sống của con người.

Điều 19, chương 2 Hiến pháp 2013 có quy định công dân có quyền được sống, không ai được quyền tước đoạt tính mạng nếu việc tước đoạt là trái pháp luật.

Thứ hai, BLHS sửa đổi được áp dụng lâu dài. Khi sửa đổi nên tính đến xu hướng phát triển và dự báo về tình hình tội phạm trong điều kiện kinh tế – xã hội nói chung.

Xu hướng chung trên thế giới đặt nặng các tội phạm giết người, chiến tranh, ma túy, ở Việt Nam đặt nhu cầu cao về tội tham nhũng.

Nếu mục tiêu của BLHS là lấy lại lòng tin của người dân, trừng phạt các tội về tham nhũng thì việc cân nhắc duy trì án tử hình là cần thiết.

* Luật sư NGÔ NGỌC TRAI (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Cần có hình phạt tù chung thân không thời hạn

Với tư cách là luật sư bào chữa cho thân chủ trong các vụ án, tôi luôn mong có thể bỏ đi án tử hình là tốt nhất. Nhưng thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay lại còn cần án tử hình.

Những tiêu chí của nền tư pháp văn minh tiến bộ thì nước nào cũng giống nhau, tức là tôn trọng nhân quyền, cho nên khi chưa bỏ được án tử hình thì phải giảm tối đa số tội danh áp dụng mức án này.

Tôi ủng hộ việc chuyển đổi án tử hình thành hình phạt tù chung thân nhưng không giảm án.

Ngoài ra tôi thấy vấn đề của pháp luật hình sự hiện nay là để đảm bảo việc xử phạt nghiêm minh cần quy định mở rộng cách tuyên án của tòa theo hướng tuyên án tù chung thân hoặc tù có thời hạn nhưng không được giảm án.

Như thế sẽ đảm bảo hình phạt nghiêm minh, chứ như lâu nay người phạm tội khi đã thụ án có khi được giảm số năm tù vì những nguyên cớ không rõ ràng, làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật.

Tuổi trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề