Gia nhập các Hiệp định Thương mại: Người Việt còn tin dùng hàng Việt?

Trước quá nhiều sự lựa chọn, câu hỏi đặt ra đó là: Liệu người Việt Nam có còn ưu tiên dùng hàng Việt? Đây cũng chính là thách thức cạnh tranh rất lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi quyết định mở rộng thị trường.

Cuối năm nay, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập. Việc các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và có hiệu lực khiến các dòng thuế quan được gỡ bỏ cũng là lực đẩy khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam vươn xa, nhưng đồng thời cũng là lực hút đối với các sản phẩm nước ngoài.

Doanh nghiệp lo lắng

Câu hỏi trên cũng chính là một trong những khó khăn tồn tại được đưa ra tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2015 vừa được Bộ Công Thương tổ chức sáng 24.7 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – thẳng thắn thừa nhận, việc Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khiến các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các Cty nước ngoài.

Báo cáo tham luận tại hội nghị, bà Phan Thị Thanh Xuân (Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam) cũng cho biết, năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 12,8 tỉ USD sản phẩm giầy dép và túi xách các loại với mức tăng trưởng hàng năm 15 – 20% trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu cao của ngành thời gian qua chủ yếu do yếu tố đầu tư nước ngoài tăng nhanh.

“Các doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn và đầu ra ổn định, hiện chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn để đổi mới công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất nên chất lượng sản phẩm của nhiều doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu” – bà Xuân nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Báo Lao Động bên lề hội nghị, ông Hoàng Vệ Dũng – Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam – cũng khẳng định: “Việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại mở ra cơ hội thì ít nhưng thách thức thì nhiều. Ví dụ như khi vào TPP, sẽ rất nhiều các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp nước ngoài quan tâm.

Tuy nhiên, sau đó là rất nhiều vấn đề phức tạp, đơn cử như các quy tắc về xuất xứ và các quy tắc về nguồn cung sẽ được yêu cầu đòi hỏi cao hơn. Trước khi các hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp còn phải tập huấn và cần thời gian chuẩn bị để sẵn sàng bước vào cuộc tranh đó”.

Tự cứu lấy mình

Đánh giá về tiềm năng của hàng Việt, ông Tạ Minh Sơn – Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn – cho rằng, nhìn chung chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất không thua kém hàng ngoại nhập, nhất là các sản phẩm gia dụng, thực phẩm công nghệ…

Qua triển khai thực tế cho thấy tiềm năng thị trường, sức tiêu thụ các sản phẩm Việt tại khu vực nông thôn còn rất lớn. Tuy nhiên để hàng Việt thực sự là niềm tin của người tiêu dùng, nhà sản xuất cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến giá thành và chất lượng, trong đó chất lượng là yếu tố quan trọng nhất.

Bà Xuân cũng cho biết: “Việc cấp bách là doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh; đồng thời Nhà nước sớm xây dựng những bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn tiêu dùng phù hợp các quy định quốc tế, để tạo thành những hàng rào hợp pháp bảo vệ sản xuất trong nước”. Bên cạnh đó, cũng theo bà Xuân, hàng Việt Nam hiện chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng không chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nên phải đi qua các đầu mối trung gian, đẩy giá bán lên cao và lẫn lộn với hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trước khi đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc chăm lo xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình chính là bước tiến tiếp theo để hàng sản xuất tại Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

Mặt khác, ông Hoàng Vệ Dũng cũng cho rằng: “Nếu khâu chuẩn bị tốt, doanh nghiệp sẽ tận dụng được lợi thế khi gia nhập TPP. Nếu không doanh nghiệp sẽ phải tìm cách liên doanh liên kết, kết hợp thành một chuỗi thì mới mong tồn tại được. Ví dụ như Tập đoàn dệt may Việt Nam hiện nay đang xây dựng một chuỗi cung ứng từ sản xuất nguyên phụ liệu cho đến may mặc… Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được điều này”.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, sắp tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ban ngành để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có cổ phần dưới 51% của Nhà nước thì được tham gia đấu thầu vào những dự án có vốn vay của nước ngoài.

“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những thay đổi trong công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa lưu thông để hàng Việt Nam có thể được cạnh tranh một cách bình đẳng trên thị trường” – bà Thoa nhấn mạnh. Chỉ khi tạo dựng được niềm tin vững chắc đối với người tiêu dùng, hàng Việt mới thực sự có chỗ đứng trong cạnh tranh thời hội nhập.

Vũ Văn (Theo Người Lao Động)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề