Gã giang hồ và câu nói chí tình của người quản giáo

Năm 1997 trở về trước, khu vực bãi biển Ninh Chữ (Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) vẫn còn hoang sơ, chưa được khai thác du lịch nhiều như bây giờ. Do cảnh quan đẹp nên khách phương xa thường ghé nơi đây tắm biển. Nắm bắt được nhu cầu, nhiều người dân địa phương bắt đầu cắm lều làm dịch vụ.

Giới du côn, lưu manh bắt mùi tiền cũng mò đến kiếm ăn. Trong số đó có một cái tên, dù chưa có số má nhưng máu điên chất ngất nên được giới anh chị bãi biển kiêng mặt. Đó là Quang “Nga”.

Kẻ hận tình sa ngã

Tên đầy đủ của Quang “Nga” là Đặng Văn Quang. Năm 2000, Quang “Nga”  là một gã thanh niên 29 tuổi. Đó là cái mốc thời gian đáng nhớ của gã giang hồ liều mạng. Cho đến tận bây giờ, sau 15 năm cái cảm giác lành lạnh của chiếc còng số 8 vẫn còn như in trong đầu gã…

Sinh ra trong một gia đình nghèo rớt mồng tơi, gồm 8 anh chị em, Quang vẫn cố học để mong đổi đời. Cha rời bỏ mẹ con Quang nên 8 anh chị em đều tự mưu sinh nuôi sống bản thân mình. Một buổi đi học, một buổi Quang phải lăn thân ra đường phố kiếm tiền bằng nghề sai vặt. Gã dần tiêm nhiễm thói xấu xã hội từ khi còn học cấp 2.

Đến tuổi trưởng thành, Quang phải lòng một cô gái xinh đẹp tên Nga – con nhà giáo, gia đình có truyền thống hẳn hoi. Gia đình cô gái không chấp nhận một gã lông bông như Quang làm rể. Cô gái đã quyết định từ bỏ gia đình để được yêu. Cả hai dắt díu nhau ra bãi biển lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Kể từ đó, Quang “Nga” chính thức ghi tên mình vào danh sách giang hồ bãi biển.

Phát hiện gã giang hồ mới ra ràng, đám côn đồ bãi biển tìm đến gây sự. Tự bảo vệ mình, Quang sẵn sàng nghênh chiến. Mang mối hận môn đăng hộ đối đã khiến Quang bất chấp tất cả.

Nhớ lại quãng thời gian đó, Quang “Nga” thở dài: “Sau lưng mình là cái nghèo, không thể thụt lùi. Không lùi thì phải tiến. Mình không đánh nó, nó giết mình, đằng nào cũng chết. Thế là liều mạng. Trong thế giới đâm chém, phần thắng luôn thuộc về kẻ liều mạng”.

Sau vài trận đụng độ, Quang trở nên nổi tiếng trong đám “cô hồn” biển. Nhờ liều mạng, Quang được đám giang hồ Cu Mỹ kết nạp vào băng nhóm đòi nợ thuê, bảo kê bãi giữ xe và quán xá về đêm. Năm 1997 là thời điểm các băng nhóm du thủ du thực tranh giành khu vực bãi biển Bà Già, Ninh Chữ làm lãnh địa cát cứ, trấn lột khách du lịch.

Tích cóp được bao nhiêu tiền, Quang nướng vào cá độ bóng đá. Thua độ trắng tay, gã lại đi chém lộn để có tiền. Những cơn khát tiền cứ thôi thúc Quang liều hết trận này đến trận khác.

Trong một cơn khát tiền, Quang chuyển quán cóc giải khát thành quán bia ôm. Thu nhập của nghề kinh doanh thân xác phụ nữ vẫn không đáp ứng nổi cơn khát tiền, Quang xúi đào giăng bẫy khách mua hoa.

Phát hiện một người mua hoa mang theo 10 triệu đồng, lúc ấy là cả một gia tài, gã lệnh cho đào ăn cắp. Khi tính tiền, người mua hoa chới với vì không còn tiền thanh toán hóa đơn. Đoán biết Quang và các cô đào bày trò, người mua hoa toan dùng vũ lực đòi lại số tiền đã mất. Nổi máu đại ca, Quang vung cây mã tấu chém liền… Quang bị lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh tóm gọn.

Tội cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản cộng với tội tổ chức bán dâm, Quang nhận mức án 6 năm tù.

Khi cánh cổng Trại giam Sông Cái khép lại sau lưng, Quang tưởng cuộc đời mình đã kết thúc. Ý tưởng tự sát cứ lảng vảng trong đầu. Còn gì để sợ nữa? Chỉ sau vài ngày vào trại giam, Quang trở thành đầu gấu.

 

Đặng Văn Quang.
Đặng Văn Quang.

Dấu ấn cuộc đời

Một hôm, bị cán bộ trại giam bắt quả tang hành hung bạn tù. Thay vì chấp hành kỷ luật trại, gã tấn công luôn người cán bộ. Với hành vi đó, đáng ra Quang có thể bị truy tố và lãnh hậu quả án chồng án.

Thế nhưng không. Người cán bộ trại tên Phạm Văn Giới (nay là Đại tá, Giám thị Trại giam Sông Cái) đưa gã tù từ buồng giam kỷ luật vào phòng làm việc để trò chuyện. Viên cán bộ trại nói rất nhiều nhưng câu nói khắc sâu vào tâm trí gã nhất lúc ấy, đó là: “Không có gì kết thúc nếu ta muốn bắt đầu”.

Đêm đó Quang mất ngủ để rồi nhận ra tia sáng mong manh cuối đường hầm của cuộc đời mình. Gã xin gặp cán bộ trại giam để hứa cải tạo tốt. Từ hôm đó, gã bắt đầu học cách sống tích cực hơn. Mọi hoạt động phong trào của trại, gã đều tham gia nhiệt tình.

Thụ án được 5 năm, Quang được xét đặc xá giảm 1 năm. Ngày ra tù, gã hứa với lòng, từ bỏ chốn giang hồ.

Thế nhưng cái khó đâu đã chịu buông tha Quang. Ngày tết, người ta kéo nhau đi về nội, ngoại du xuân. Hai vợ chồng Quang và mấy đứa con ôm nhau nằm dưới gầm giường trốn nóng. Bụng đói meo, Quang đi lang thang ra bãi biển khóc một mình.

Trong cơn thèm chết, bất ngờ, Quang gặp một cặp tình nhân muốn ra biển tắm nhưng không có ai trông xe. Quang nhận trông giúp với giá 500 đồng. Các cặp khác thấy vậy, cũng nhờ gã trông giúp. Nguyên ngày tết đó, Quang thu được hơn 100.000 đồng. Số tiền đó như cơn mưa rào trong nắng hạn.

Sáng sớm hôm sau, anh ra bãi biển chiếm một khoảng đất để làm bãi giữ xe. Một số người ác ý bảo: Thằng đó ở tù mới ra. Giao xe cho nó là giao trứng cho ác. Máu côn đồ bốc lên, Quang xông ra đánh lộn và bị Công an giải về phường Mỹ Bình. Án tích vẫn còn, thêm hành vi cố ý gây thương tích ấy đủ để Công an phường lập hồ sơ.

Khi cảnh sát khu vực đang lập hồ sơ, Quang nghe loáng thoáng Trung tá Lâm – Trưởng công an phường và ông Bí thư phường trò chuyện bên ngoài. Họ tranh luận về chuyện có nên đưa Quang vào tù tiếp hay giữ lại để cải tạo.

Kết thúc cuộc tranh luận, ông Bí thư phường nói: “Nó (tức Quang) là người xấu chỉ vì nó không có cơ hội làm người tốt. Tôi xin bảo lãnh nó để giúp nó thành người tốt”.

Nhắc đến chuyện này, Quang “Nga” trầm ngâm: “Sau nhiều năm sống trong giới lấy tiếng chửi thề làm tuyên ngôn, lấy hung khí thay lời nói, tôi đã mất đi khả năng tin tưởng con người. Bất chợt nghe ông ấy nói như vậy, tôi chùng lòng xuống. Lúc đó, tôi có cảm giác như ông Bí thư phường như cha ruột mình. Đó là khoảnh khắc tôi chính thức quay lưng với giang hồ.

Sau này ông Bí thư giúp tôi rất nhiều. Hầu như mỗi khi tôi gặp chuyện là ông xuất hiện ngay. Bây giờ ông đã về hưu. Không hiểu sao, ông không bao giờ muốn tôi nhắc đến tên ông. Tôi không xem ông là ân nhân mà là người cha thật sự”.

Đoạn tuyệt quá khứ

Ông Bí thư phường đã đứng ra can thiệp để Quang được khai hoang một góc bãi biển làm bãi giữ xe. Thời điểm năm 2011, xương rồng gai mọc dày đặc bãi. Hai vợ chồng hỳ hục đào từng gốc xương rồng cả ngày lẫn đêm mở rộng dần diện tích bãi.

Thu nhập từ bãi giữ xe đủ để hai vợ chồng và 3 đứa con đủ sống. Thấy khách tắm biển thường đói bụng sau khi lặn ngụp dưới biển, Quang và vợ bán thêm cháo hải sản.

Trong khi những người khác chỉ biết tận dụng bãi biển kiếm tiền chứ không quan tâm đến vệ sinh, hai vợ chồng luôn giữ bãi của mình sạch sẽ. Anh nghĩ, bãi biển sạch đẹp khách mới ghé tắm nhiều, thu nhập cao. Những lúc rảnh, anh dọn rác thải dọc các bãi khác. Thấy vậy, có người còn trêu: “Thằng Quang Mười Triệu (Biệt danh sau khi anh lãnh án) dọn rác để lụm tiền xu của khách”.

Bãi tắm của vợ chồng Quang luôn đông khách hơn bãi của người khác. Thu nhập ổn định, vợ chồng anh dần tích cóp được một số tiền. Máu cá độ đá banh lại nổi lên. Anh lén lấy toàn bộ số tiền tích cọp của vợ hơn 8 triệu “đánh” một trận. Trận đó, anh lại thua trắng tay.

Sáng hôm sau, ra bãi giữ xe, một vị khách nữ vội vã đi đã trả tiền anh bằng cách ném tờ 500 đồng xuống đất. Anh cúi nhặt tờ tiền mà lòng dạ xót như xát muối. Cả gia đình phơi nắng để kiếm từng tờ 500 đồng, anh lại “nướng” vào cá độ đến 8 triệu đồng chỉ trong 90 phút. Suy cho cùng, từ khát tiền cá độ bóng đá mà anh liều mạng làm giang hồ. Anh ngửa mặt lên trời thề không cá độ bóng đá nữa.

Nhưng đám bạn giang hồ không dễ buông tha anh. Đến rủ rê đi “làm ăn” bị anh từ chối, chúng tìm cách quấy phá. Có lần, chúng đến “xin” 2 sọt bia Sài Gòn Đỏ gồm 48 chai. Với vợ chồng anh, đó là cả một gia tài. Anh từ chối, đêm đó chúng ném đá đến sáng. Cứ vài phút, chúng ném 1 lần.

Mấy lần máu côn đồ trỗi dậy, anh toan bước ra nghênh chiến là mấy lần người vợ cam chịu của anh ôm rịt lấy chồng khóc: “Anh bước ra khỏi cửa là tự đặt chân trở lại nhà tù. Hãy ở lại với mẹ con em”. Vợ Quang đã giúp anh chiến thắng chính mình.

Quấy phá anh nhiều ngày không kết quả, đám bạn giang hồ đành bỏ cuộc.

Dù vậy, vẫn chưa yên. Thỉnh thoảng, một bạn cũ bị chém rụng tay, rụng chân lại chạy đến quán anh ẩn nấp rồi xin tiền chữa bệnh. Tận dụng những lần đó, anh khuyên bảo bạn nên từ bỏ chốn giang hồ, tìm phương kế sinh nhai lương thiện như anh.

Một góc cơ ngơi của Quang Nga hiện tại.
Một góc cơ ngơi của Quang “Nga” hiện tại.

Bẵng một thời gian, bỗng một đêm, đám bạn giang hồ lại kéo tới. Lần này chúng đi 4 xe ba gác chở hơn 40 người.

Vào quán, chúng kêu đem hết bia, mồi ra. Vợ anh phát hoảng. Đến nước này, anh đã nghĩ khó có thể đi tiếp con đường mình đã chọn được nữa… Quang bảo vợ đưa con lánh mặt để một mình xử lý. Anh vẫn bưng bê bia, mồi ra cho đám bạn ăn uống nhưng chuẩn bị tư thế huyết chiến nếu chúng giở trò ăn quịt. Không ngờ, gã bạn sừng sỏ nhất cầm ly bia lên tuyên bố: “Tao mới trúng số, kéo anh em đến chúc mừng mày dừng bước giang hồ, rửa tay, gác kiếm. Toàn bộ độ nhậu này, tao bao”.

Đang sống bình yên với thu nhập ổn định, bất ngờ năm 2011, toàn bộ bãi biển Ninh Chữ bị giải tỏa để xây dựng mô hình nghỉ dưỡng hiện đại. Nghe tin, ông “bố” Bí thư xách đơn chạy khắp nơi xin cho anh được ưu tiên. Đi đâu ông Bí thư cũng bảo: “Nó sắp thành công rồi. Bây giờ đẩy vợ chồng nó ra khỏi bãi biển là đẩy nó trở lại chốn giang hồ”. Ông đề nghị, bãi biển xây dựng tới đâu, cho vợ chồng anh dời quán đến đó.

Nghe ông Bí thư trình bày, chủ đầu tư dự án đã cho anh mượn hẳn một lô đất và tòa nhà kinh doanh khách sạn trong khu quy hoạch dân cư. Mỗi năm, anh chỉ phải trả dần tiền vốn 50 triệu đồng cho đến khi hết nợ.

Nhắc lại chi tiết đó, Quang “Nga” ví von: “Giống như Lưu Bị mượn đất Kinh Châu vậy. Chủ dự án cho mượn đất, vợ chồng tôi trả góp dần, không tính lãi”.

Được tạo điều kiện mưu sinh, vợ chồng anh khấm khá dần.

Cứ hễ có phạm nhân nào vừa được tha tù nhưng không việc làm, anh sẵn sàng nhận về quán của mình giao bãi giữ xe để lập nghiệp. Anh bảo: “Mình lập nghiệp cũng từ bãi giữ xe, anh em cứ lấy công làm lời. Khi nào có đủ vốn ra đời thì giao bãi giữ xe lại cho anh em mới ra tù khác”.

Từ năm 2014 đến nay, đã có hàng chục người hoàn lương xuất phát từ điểm giữ xe của Quang “Nga”. Trong đó có 4 người đã “ra riêng”, mở cơ sở làm ăn thành công. Hiện tại quán “Quang Nga” vẫn còn 4 người vừa mãn hạn tù đang giữ bãi xe, bắt đầu con đường hoàn lương.

Từ ngày hoàn lương, anh không nhớ mình được các ban, ngành tỉnh Ninh Thuận trao bao nhiêu bằng khen, giấy khen. Với anh, bằng khen, giấy khen đáng quý nhưng không quý bằng mọi người xem anh là người lương thiện.

Theo an ninh thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề