Đừng bao giờ nhàm chán..

(“Biết rồi..khổ lắm..nói mãi” – câu nói thông dụng nhất của dân Việt 40 năm qua…)

Một bài học tôi tiếp thu từ khi mới lớn là …”đừng bao giờ nhàm chán”. Tôi rất chú tâm đến lời khuyên này vì nó đến từ một đàn anh tôi ngưỡng mộ…nổi danh là “dê cụ” của trường. Khi vừa lớn, có lẽ đầu óc của bất cứ anh học sinh nào 24/7 đều là chuyện..gái. Mọi thứ khác trên đời không tồn tại trong vũ trụ của chúng tôi. Và bài học về cách “cưa” gái chắc chắn là có giá trị và khiến tôi nhớ đời so với các phương trình toán học, sự kiện lịch sử hay tài liệu khoa học.

Dĩ nhiên, sau khi phải tự lực cánh sinh và sống qua những tủi nhục nghèo hèn của trò cơm áo gạo tiền từ xã hội, tôi phải đánh giá lại rất nhiều thứ. Trong các bài học, chắc chuyện “đừng bao giờ nhàm chán” có một ứng dụng cao nhất. Lý do là lúc nào, nơi nào…nếu muốn đạt mục tiêu, chúng ta phải là một salesman (người bán hàng).

Đi kiếm việc, chúng ta bắt buộc “bán” mình thành người thích hợp với nhu cầu công ty theo kỹ năng và kinh nghiệm. Khi đi làm việc, chúng ta “bán” mình thành người xứng đáng để công ty lưu giữ và thăng thưởng. Khi tự kinh doanh, thì phải “bán” đủ thứ cho mọi người: sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, lợi nhuận cho nhà đầu tư, viễn cảnh tươi đẹp cho nhân viên…… Khi về nhà, chúng ta “bán” mình thành người chồng, người cha, người con tốt nhất, lý tưởng nhất. Khi ra đường, chúng ta lại “bán” mình thành con người lịch lãm, sang giàu…nguồn ngưỡng mộ của bè bạn và cả người xa lạ. Ngay cả khi đi tu, chúng ta cũng phải “bán” cho tín đồ cũng như thượng cấp (kể cả Chúa, Phật, Thần Thánh…) về tâm linh trong sáng của mình. Làm chính trị, chúng ta phải biết “bán” bánh vẽ và các “bữa ăn miễn phí”.

Do đó, ngay cả khi nói dối hay lừa bịp, khả năng “bán” cũng là một yếu tố quan trọng, dù phải thể hiện dưới nhiều hình thức…khó ngửi với một số người.

Và nguyên lý quan trọng nhất trong việc hấp dẫn “khách hàng” là “đừng bao giờ nhàm chán”.

Với một doanh nghiệp, muốn thành công lâu dài, người quản lý phải luôn sáng tạo, đổi mới, cải tiến sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối, thương hiệu…để tiếp tục lôi cuốn khách hàng. Apple là một biểu tượng của phương cách “hấp dẫn” trong khi Microsoft, với nhiều phương tiện nguồn lực hơn, đã bắt đầu làm người tiêu dùng “nhàm chán” với sự quen thuộc, già cỗi…Nhìn lại các công ty lớn nhỏ trong 50 năm qua, chúng ta rất dễ nhận ra những thành viên của câu lạc bộ nhàm chán và phần lớn đã và sắp lên đường thăm bác Chavez của Venezuela.

Trong lĩnh vưc chính trị, một ví dụ đương đại là ông Obama. Sau cuộc thắng cứ hào quang về “yes, we can …change” năm 2009; ông Obama bây giờ chỉ còn là anh chính trị gia bình thường, đợi ngày về hưu để viết hồi ký. Trong khi đó, chúng ta phải thực sự kính nể ông Putin. Sau 15 năm, ông thay đổi chính sách và xã hội Nga khá sâu rộng, dù có thể đem quốc gia xuống hố bất kỳ lúc nào, không ai có thể nói là cá nhân ông nhàm chán. Đó cũng là lý do “khách hàng” của ông (dân Nga) vẫn yêu thích ông, trong khi sự ủng hộ của cử tri Mỹ với ông Obama có tỷ lệ gần như thấp nhất so với các Tổng Thống tiền nhiệm.

Trong liên hệ gia đình và bè bạn, yếu tố nhàm chán cũng quan trọng vô cùng. Khi vợ chồng đã bắt đầu không muốn nhìn mặt nhau hay nghe những lời lảm nhảm, là hôn nhân đi vào một chu kỳ mới, gây nhiều stress cho cả hai bên, đôi khi hơn cả chuyện tiền bạc. Còn chỉ mới là bồ bịch, thì đào hay kép của bạn sẽ biến mất nhanh chóng khi họ ngáp dài mỗi lần hẹn hò.

Quan trọng hơn cả, là khi mình lại ngáp dài với chính mình vì những chuỗi ngày vô tích sự, không đam mê, không chờ đợi điều gì mới lạ…Đây là lúc chúng ta cần đặt lại câu hỏi về ý nghĩa và mục tiêu của đời sống. Thà là nhào đầu vào một phiêu lưu, thay đổi định mệnh, nuốt lấy đắng cay buồn khổ khi thất bại…hơn là đợi đến khi sắp xuống lỗ, đêm đêm ngồi tiếc nuối cho những cơ hội đã lỡ, những “what-if” đã nhoà nhạt và những khinh bỉ với chính mình về thói yếu hèn. You only live once.

Mỗi lần nhìn một công chức sáng vác ô đi tối vác về, tôi rùng mình nhớ lại cuốn phim The Man In The Gray Flannel Suit, hay cuốn truyện L’etranger của Albert Camus. Tôi đã quên chi tiết kịch bản, nhưng vẫn còn nhớ là tự nhủ mình “đừng bao giờ sống như chiếc bóng” bên cạnh cuộc đời đích thực.

Cách thử nghiệm chính xác nhất về nồng độ “nhàm chán” là khi bất cứ ai mở miệng định nói điều gì, người đối diện đã tiên đoán được những “viên ngọc” sắp được phun ra.

Gần đây tôi nhận vài comments trên GNA là ông già Alan chỉ biết chê bai tiêu cực một chiều. Dù chỉ từ nhóm dư luận viên viết để kiếm cơm, tôi cũng phải suy nghĩ về nồng độ nhàm chán của mình và GNA. Nếu số đông BCA nghĩ vậy, có lẽ đến lúc tôi phải gác bút, đi chọc phá thiên hạ bằng những trò chơi khác? Tôi không biết, nhưng chắc chắn là không để “nhàm chán” đào thải một tài năng “đang lên”?

Tôi hay đọc những tin tức bình luận về Việt Nam từ nhiều góc cạnh: trái, phải, nội, ngoại, bạn, thù….Thực ra, so với nhiều quốc gia khác, Việt Nam khá phong phú đa dạng về những cái “không giống ai” (một lý do hấp dẫn khách hàng như tôi). Tuy nhiên, tôi ước ao là những người có quyền nên hành xử phóng khoáng và giang hồ hơn một chút để thay đổi nồng độ nhàm chán.

Như tại sao du lịch Việt tuột hạng với khách ngoại? Nhàm chán. Rác, xe cộ, ô nhiễm, chặt chém, nhậu nhẹt, sex, bịp bợm…đã che khuất hết vẻ đẹp tiềm ẩn của con người và truyền thống. Mà những thứ đó thì có thể tìm ra ở bất cứ khu ổ chuột của bất cứ xứ nào. Trừ khi ổ chuột Việt có gì hơn người? Phóng xạ chẳng hạn?

Gần đây, khi ngài TBT Việt qua “hội kiến” TBT Tàu, bản thông báo cuối cùng chỉ lập lại “16 chữ vàng -4 cái tốt” – một slogan đã dùng từ 1990, và thực hành từ 70 năm qua. Doanh nghiệp sáng tạo như Nike, Pepsi… thay đổi slogan mỗi vài năm để “tạo bình mới dù rượu thì vẫn cũ” như trái đất. Chính quyền cần sáng tạo hơn. Đề nghị slogan Trung- Việt gì đó nên đơn giản trực tiếp hơn, không ẩn dụ nữa…như 6 chữ vàng “ơn cha như núi Thái Sơn” và 1 cái tốt “làm con phải hiếu”…..hay bình đẳng hơn thì, 4 chữ tóm lược”chồng chúa vợ tôi”…và chỉ cần 1 cái tốt “đừng ngoại tình”. Mọi người nhớ dễ hơn.

Đặc thù khác của Việt Nam là những loa phường khắp xứ chỉ lảm nhảm suốt ngày các trang báo “Nhân Dân” hay “Công An” (có bài 70 năm vẫn xào đi nấu lại). Tại sao không bỏ vài ngày ra đọc những bài trên Blog Chân Dung Quyền Lực cho dân quê nghe? Chẳng thiệt hại gì mà còn được dân khen…các quan bây giờ theo kịp Âu Mỹ rồi, trí thức lắm?

Góc Nhìn Alan Phan


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề