Đức phũ phàng từ chối Nga

Ngoại trưởng Đức vừa bác bỏ đề xuất mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 cường quốc công nghiệp (G7).

Hội nghị G7 dự kiến sẽ diễn ra tại Đức vào tháng 6 tới.  Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 12/4 cho rằng Nga sáp nhập bán đảo Crimea “bất hợp pháp” nên G7 không thể giữ quan hệ bình thường với Moscow.

Ông cũng bày tỏ mong muốn được Nga giúp đỡ giải quyết các cuộc xung đột căng thẳng ở Syria, Yemen và Libya nhưng nhấn mạnh G8 vẫn chưa thể tái lập lúc này.

Từng có quan điểm tương tự, Thủ tướng Đức Angela Merkel trong bài phỏng vấn đăng trên báo Allgemeine Zeitung hồi giữa tháng 1/2015 nhấn mạnh: “Nhóm G7 tôn trọng những giá trị chung. Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và những sự kiện ở miền Đông Ukraine đã vi phạm nghiêm trọng những giá trị này”.

Vào thời điểm đó, bà Merkel cũng tái khẳng định quan điểm của mình rằng châu Âu chưa thể cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga.

“Vào mùa xuân, chúng tôi sẽ bàn bạc về các lệnh trừng phạt trên. Còn trong tình hình hiện nay, trừng phạt vẫn giữ nguyên”.

Hồi năm ngoái, để phản đối Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 tổ chức hội nghị thượng đỉnh mà không có sự tham dự của Tổng thống Putin.

Từng trao đổi với Đất Việt, ông Ngô Duy Ngọ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Hungary cho biết, trong Liên minh châu Âu (EU), Đức đươc hưởng lợi nhiều nhất trong mối quan hệ làm ăn với Nga. Có khoảng 6.000 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Nga và hầu như các hãng xe hơi lớn của Đức đều có mặt tại Nga.

“Trong quan hệ Nga với EU, quan hệ Nga-Đức tốt nhất, từ trước thời bà Merkel nhưng hiện nay Đức lại là quốc gia chống Nga mạnh mẽ nhất. Cũng dễ hiểu bởi nước Đức là lá cờ đầu của EU. Tuy nhiên, Đức là đối tác lớn nhất của Nga trong EU, mỗi năm Đức nhận 36 tỷ m3 khí đốt trực tiếp từ Nga mà hoàn toàn không phụ thuộc vào nước khác.

Điều này có thể lý giải rằng Nga cần có nơi bán khí đốt, họ không thể sản xuất khí đốt mà không có chỗ bán, như thế Nga sẽ chết vì không có tiền (…). Tổng thống Putin nói rằng Nga chưa bao giờ cắt khí đốt đối với châu Âu, kể cả trong thời kỳ xấu nhất là Chiến tranh lạnh, nước Nga vẫn là nhà cung cấp tin cậy nhất”.

(Theo Đất Việt)

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề