Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi: Đề nghị có qui định chế tài “giật tít câu view

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong vai trò đại biểu quốc hội cho rằng cần phải có quy định thêm chức năng của báo chí là phản biện lại những thông tin bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp, các cá nhân…

Việc giật “tít” “treo đầu dê, bán thịt chó” cần được quy định thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Hoà Bình): quy trình thủ xin phép, cấp phép quản lý nhưng việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nội dung của các bài báo, các sản phẩm báo chí không rõ ràng.

Theo đại biểu này, tiêu đề của một bài báo rất quan trọng nhưng lại càng quan trọng hơn trong thời đại thông tin điện tử, internet phát triển như hiện nay. Vì thế, có hiện tượng đặt tiêu đề bài báo nhưng không hề ăn nhập, phù hợp với nội dung bài báo. Như vậy là sai với chuẩn mực của báo chí.

Theo bà Hải, đề đặt tiêu đề không đúng với nội dung có lẽ cũng có nét nào đó giống với câu: “Treo đầu dê, bán thịt chó”. Và việc đó ảnh hưởng đến nội dung bài báo.

Bà Hải cho rằng: Việc đưa vào luật một yêu cầu về tiêu đề rất khó nhưng có lẽ ở phần quy định về nội dung cần phải đề cập đến việc đặt tiêu đề cho bài báo.

Đại biểu Nguyễn Thị Doan (tỉnh Hà Nam) cho rằng chức năng đưa thông tin thì tốt nhưng phản biện thông tin thì chưa tốt.

Ngoài chức năng đưa tất cả những thông tin theo quy định của Nhà nước thì báo chí còn có trách nhiệm phản biện những thông tin chống phá đường lối cách mạng của Đảng và Nhà nước, những thông tin bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bôi nhọ doanh nghiệp, bôi nhọ các cá nhân…

Vì thế, đại biểu này cho rằng cần phải có quy định thêm chức năng của báo chí là phản biện lại những thông tin bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp, các cá nhân…

Có cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Doan cho rằng việc đặt tiêu đề cho bài báo không đúng với nội dung bài báo cần phải được chấn chỉnh. Tuy nhiên, trong dự thảo luật không thấy có quy định đó.

Bà Nguyễn Thị Doan nói tiếp: “Không chỉ ở Việt Nam mà cả ở trên thế giới, việc hành hung nhà báo rất nhiều. Vừa qua, báo chí đã giúp rất nhiều, mổ xẻ thông tin, đi đến tận cùng của vấn đề, tôi cho rằng cần phải tuyên dương báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh. Nhưng có những nhà báo dũng cảm như thế lại bị hành hung.

Mới đây là trường hợp của nhà báo Nguyễn Ngọc Quang ở Thái Nguyên là một ví dụ. Rõ ràng, chúng ta đã có Luật Hình sự, Luật Dân sự bảo vệ nhưng ở đây nên chăng có thêm quy định về bảo vệ những nhà báo”.

Theo bà Doan, trong dự thảo luật, quyền tự do báo chí đã được trình bày rõ nhưng quyền tự do ngôn luận thì chưa được rõ ràng.

Ngoài ra vị đại biểu này cũng cho rằng cần phải quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan chủ quản các cơ quan báo chí. Ai cũng chịu trách nhiệm trước pháp luật thì chung chung quá.

Có nên chỉ quy định báo chí cần đưa thông tin trung thực?

Tại buổi thảo luận ở tổ, đại biểu Lê Văn Tân (tỉnh Hà Nam) đã có ý kiến về trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận của công dân trên báo chí.

Ông Tân nói: “Có quy định công dân được quyền tự do ngôn luận trên báo chí có nghĩa biểu đạt được tất cả những thông tin của mình gửi trên báo chí nếu thông tin đó không vi phạm quy định của pháp luật.

Tôi hình dung như công dân như tôi chẳng hạn, gửi bài đến cơ quan báo chí thì trách nhiệm của báo chí là phải đăng. Nếu không đăng thì đúng quy định là phải thông báo lại cho tôi là vì sao không đăng. Tuy nhiên, nếu trường hợp báo chí không đăng mà cũng không thông báo vì sao không đăng thì trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận của tôi như thế nào?

Thứ hai, việc trả lời trên báo chí, khi công dân đặt ra vấn đề cấp thiết thì báo chí có quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức trả lời công dân trên báo chí hoặc báo chí yêu cầu phỏng vấn thủ trưởng cơ quan ban ngành nào đó thì thủ trưởng các cơ quan đó phải có trách nhiệm trả lời.

Dù được quy định như vậy nhưng trên thực tế, nhiều cơ quan cũng không trả lời đơn thư của công dân, cũng không trả lời phỏng vấn theo yêu cầu của cơ quan báo chí để rộng đường dư luận. Vậy việc không trả lời như vậy thì trách nhiệm của Nhà nước trong việc tự do báo chí như thế nào?

Qua hai điều này (và các điều 12, điều 13, điều 38 của dự thảo), tôi đề nghị có quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận công dân”.

Ông Tân nói tiếp: Liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ của báo chí, dự thảo có đề cập là thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới, phù hợp với lợi ích đất nước và nhân dân. Thông tin trung thực là điều đương nhiên, không trung thực thì phải xử lý.

Nhưng còn về nội dung phù hợp với lợi ích đất nước và nhân dân thì hơi trừu tượng. Lợi ích này đôi khi phụ thuộc dưới góc độ của người quản lý hay những người làm tư tưởng. Ví dụ, những vấn đề tiêu cực của xã hội phản ánh lên báo, nhân dân có thể rất mong muốn nhưng lãnh đạo chưa chắc đã mong muốn.

Nếu lãnh đạo không muốn phản ánh những tiêu cực như thế thì lại cho là không phù hợp với lợi ích của đất nước, nhân dân. Vấn đề này cần được định lượng như thế nào? Đó là điều hơi khó. Nếu khó thì bỏ, chỉ cần quy định báo chí đưa tin cần phải trung thực”.

Nguồn motthegioi.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề