Du lịch Việt Nam tuột dốc không phanh

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm trong chín tháng liên tiếp kể từ tháng 6-2014, trong đó có nhiều tháng giảm ở mức hai con số so với cùng kỳ một năm trước đó, trong khi ở hầu hết các nước khác trong khu vực, lượng khách vẫn gia tăng đều đặn.

Trước một thực tế đáng báo động như vậy, các cơ quan quản lý du lịch vẫn chỉ “lặng lẽ quan sát” mà chưa cho thấy có một động thái nào để cải thiện tình hình; hay nói cách khác, không có một chiếc phanh hữu hiệu nào để chặn đà tuột dốc.

Vì sao khách giảm?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng khách quốc tế đến giảm liên tục trong thời gian qua là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan của ngành du lịch, và yếu tố cốt lõi nhất chính là sự cạnh tranh về giá cả.

Theo một số doanh nghiệp vừa tham gia các đợt hội chợ du lịch quốc tế ở Úc, Đức và Nga, các đối tác nước ngoài cho rằng những bất ổn tại châu Âu đã ảnh hưởng mạnh đến thu nhập và sức mua của khách du lịch. Thêm vào đó, sự mất giá của các đồng tiền như đồng rúp của Nga, euro của châu Âu, yên của Nhật và đồng đô la Úc so sánh với đồng đô-la Mỹ (và đồng tiền Việt Nam) đã khiến cho giá tour đến Việt Nam dành cho khách đến từ những khu vực này thêm đắt đỏ.

“Việc bán các series tour từ châu Âu đến Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm 2013 và năm 2014 có nguyên nhân chính từ yếu tố này (yếu tố tỷ giá), bên cạnh một nguyên nhân khác là trong khu vực có một số điểm đến mới nổi lên, hấp dẫn hơn như Myanmar đang thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế,” ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đưa ra nhận định.

Trong khi những thị trường châu Âu, Nhật Bản, và đặc biệt là thị trường khách Nga đang khó khăn thì những thị trường chính khác như Trung Quốc và thị trường tiếng Hoa vẫn chưa thể phục hồi sau sự cố căng thẳng trên biển Đông hồi tháng Năm năm ngoái. Sự cạnh tranh trên thị trường du lịch thế giới và khu vực cũng căng thẳng hơn và du lịch Việt Nam với sức cạnh tranh kém hơn càng bị sụt giảm.

Trong tình hình kinh doanh đang biến động về nguồn khách, về chi tiêu… thì những điểm nghẽn từ lâu năm của du lịch như quảng bá chưa chuyên nghiệp, điều kiện đi lại, thủ tục nhập cảnh chưa thông thoáng và giá dịch vụ du lịch vẫn cao và biến động thất thường lại tiếp tục gây cản trở cho việc thu hút khách.

Một doanh nhân kể rằng, chuyến tham gia một hội chợ nước ngoài trong tháng qua là một kỳ hội chợ đầy thất vọng bởi trong tình hình “dầu sôi lửa bỏng” mà cơ quan quản lý du lịch vẫn chưa có bất cứ sự thay đổi nào trong cách tiếp thị.

“Vẫn là tổ chức cho đoàn văn nghệ biểu diễn, tổ chức cuộc gặp với doanh nghiệp nước ngoài, nhưng đến ngày trước khi cuộc gặp diễn ra, chúng tôi mới biết chương trình cụ thể và nhận được yêu cầu là mời đối tác đến. Quảng bá, tiếp xúc đối tác như vậy thì làm sao có khách,” doanh nhân này nói.

11
Cần ứng phó nhanh

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, ngành du lịch nên có những phản ứng tức thì để đối phó thì mới góp phần ngăn chặn đà sụt giảm, trước mắt là cho mùa du lịch vào cuối năm nay. Trước hết, phải tạo ra được những sản phẩm có giá mềm hơn để thích hợp với túi tiền của du khách.

Hiện nay, cạnh tranh ngay trên thị trường của các đối tác nước ngoài cũng rất khốc liệt. Những đối tác này đều đòi hỏi các tour đến Việt Nam phải có giá tốt hơn, có các chính sách khuyến mãi ngắn hạn và dài hạn để thu hút khách hàng.

“Có quá nhiều điểm đến tham gia bán hàng và vấn đề là phải làm sao để người tiêu dùng (nước ngoài) thấy, biết, chọn và trả tiền cho món hàng du lịch Việt Nam,” ông Tài của Saigontourist nói.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nhân, trong tình hình chi phí dịch vụ du lịch trong nước còn gia tăng bất cập như hiện nay thì để doanh nghiệp ngay lập tức đưa ra sản phẩm có giá tốt, cho đối tác và cả người tiêu dùng là khó có thể thực hiện hiệu quả. Điều này, cần vai trò điều hành của cơ quan quản lý, sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp,… để đưa ra mức giá cạnh tranh và sản phẩm tốt hơn.

Với việc sức mua giảm sút liên tục thì một chương trình kích cầu là cần thiết. Tuy nhiên phải là kích cầu thực sự, có những chính sách cụ thể để doanh nghiệp tạo nên những sản phẩm có sức cạnh tranh chứ không phải chỉ là kêu gọi khách đi du lịch, kêu gọi doanh nghiệp tham gia làm tour giảm giá, kích cầu và hứa hẹn những chính sách ưu đãi chung chung.

Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty Du lịch Ánh Dương, chuyên về thị trường Nga, nêu ra một ví dụ về chuyện cạnh tranh. Bà Phong Thu cho biết, thị trường Nga đang sụt giảm nghiêm trọng nhưng lượng khách Nga đến Ai Cập vẫn tăng tốt bởi chính phủ nước này quyết định hỗ trợ tiền xăng cho các chuyến bay thuê bao đưa khách du lịch đến. Du khách có đến thì nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch, cửa hàng lưu niệm mới tăng được sức mua, hoạt động tốt để góp phần đưa nền kinh tế tăng trưởng.

“Liệu Việt Nam có những chính sách tương tự như thế này không để đối phó ngay khi thị trường khó khăn. Dù có ít tiền hơn nhưng du khách vẫn có nhu cầu đi du lịch và nếu có sản phẩm giá tốt thì họ sẽ mua tour ngay,” bà nói.

TBKTSG


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề