Đơn hàng dệt may dồi dào

Hôm nay 15-2, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may bắt đầu khởi động sản xuất trở lại sau gần nửa tháng nghỉ tết. Nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 2, thậm chí với một số doanh nghiệp, lịch sản xuất đã lên kín đến cuối năm và đây là tín hiệu lạc quan để ngành dệt may “chinh phục” mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 30 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016.

“Không như các năm, một tín hiệu vui đối với Garmex Saigon là đơn hàng xuất khẩu đã kín đến cuối năm 2016. Năm nay chúng tôi lên kế hoạch doanh thu tăng 20% so với năm 2015”, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phẩn sản xuất thương mai may Sài Gòn (Garmex Saigon), trao đổi với TBKTSG Online sáng nay, 15-2.

Tín hiệu lạc quan

Trong năm 2015, Garmex Saigon đạt doanh thu 1.530 tỉ đồng, và những thuận lợi ban đầu về số lượng đơn hàng xuất khẩu ký kết đến giờ này cho phép Garmex Saigon đặt kế hoạch doanh thu trong năm 2016 tới 1.800 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2015, ông Chủ tịch HĐQT Garmex Saigon đặt kỳ vọng.

Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho hay phần lớn doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng sản xuất hết quý 1, quý 2, một số doanh nghiệp có đơn hàng đến cuối năm.

“Đơn hàng và thị trường xuất khẩu ngay những tháng đầu năm 2016 này tương đối ổn định. Tuy nhiên, vấn đề của nhiều doanh nghiệp dệt may sau tết vẫn là vừa tái khởi động sản xuất vừa nghe ngóng tình hình công nhân quay trở lại làm việc”, ông Hồng nói.

Trên phạm vi cả nước, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam trong năm 2015 đạt 27 tỉ đô la Mỹ và mục tiêu năm 2016 là cao hơn 10% so với năm 2015 với kim ngạch khoảng 30 tỉ đô la Mỹ, theo ông Phạm Xuân Hồng.

Tín hiệu lạc quan đối với ngành dệt may đối với nhiều doanh nghiệp không phải không có cơ sở khi thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, ngay trong tháng 1-2016 ngành dệt may đã đạt tốc độ tăng trưởng khá với chỉ số sản xuất toàn ngành dệt tăng 12%, và chỉ số sản xuất ngành trang phục tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Riêng sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên tháng 1 đạt gần 30 triệu m2, tăng gần 10% so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo trong tháng đầu năm cũng tăng 6,5% với 63,3 triệu m2, quần áo mặc thường đạt 305,8 triệu cái, tăng 9,2%… Tổng quan, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong tháng 1-2016 đạt 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhưng DN cần thay đổi phương thức kinh doanh

Thuận lợi trước mắt trong mục tiêu nhắm đến kim ngạch xuất khẩu 30 tỉ đô la Mỹ của toàn ngành trong năm nay dù đã có, nhưng nói về sự phát triển lâu dài của ngành dệt may, ông Lê Quang Hùng cho rằng nếu doanh nghiệp dệt may – đặc biệt là doanh nghiệp nội – không sớm thay đổi phương thức kinh doanh thì sắp tới dù hội nhập sâu đến mấy, doanh nghiệp nội vẫn mãi kiếp “làm thuê”, lợi thế hội nhập sẽ không có nhiều ý nghĩa.

Ông Hùng dẫn chứng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2015 đạt khoảng 27 tỉ đô la Mỹ, trong đó riêng ngành may chiếm 80%. Dù doanh nghiệp FDI chỉ chiếm số lượng 30% tổng số doanh nghiệp may cả nước nhưng nắm đến 70% doanh thu toàn ngành, còn doanh nghiệp nội dù số lượng chiếm đến 70% nhưng doanh thu chỉ có 30%.

Phân tích sâu hơn, ông Hùng cho rằng có đến 85% doanh nghiệp dệt may nội làm gia công và giá gia công doanh nghiệp nhận về chỉ chiếm 25% giá thành sản phẩm dệt may.

“Từ những con số phân tích trên cho thấy khi nói đến kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may hàng chục tỉ đô la Mỹ nghe rất lớn, rất hoành tráng, nhưng thực tế thu nhập doanh nghiệp nội thực bỏ túi được là rất nhỏ. Nếu doanh nghiệp nội không thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh thì vẫn mãi kiếp làm thuê”, ông Hùng nhận định về tương lai ngành dệt may.

Trên thực tế, theo các chuyên gia ngành dệt may, để doanh nghiệp dệt may trong nước tự thân xoay xở thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh không hẳn là việc quá khó nếu có thêm chính sách ưu đãi tín dụng, sự hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về kinh doanh, kỹ thuật, phát triển mẫu, nguyên phụ liệu… Với những hỗ trợ này, doanh nghiệp có thể đạt mục tiêu chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hiệu riêng).

Hầu hết doanh nghiệp dệt may trong nước xác định cần có bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc hội nhập để có thể tăng cường xuất khẩu sang các thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, trong đó Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường lớn nhất cũng là hai nước thành viên trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thuế suất xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào các thị trường thành viên TPP sẽ về mức 0% (thuế suất hàng may mặc xuất đi thị trường Mỹ hiện nay từ 17 – 32%) khi TPP dự kiến có hiệu lực một vài năm tới, và đây là lợi thế để hàng dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh so với hàng từ các nước Trung Quốc, Bangladesh…

Theo thesaigontimes.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề