Độc lập cho nhà thờ chính thống giáo Ukraina

Lời nói đầu:
Không có ai tự dưng mang độc lập đến tặng cho ai cả, ngoại trừ một hai trường hợp đâu đó ở Indonesia hay Malaysia. Người Ukraina đã phải liên tục chiến đấu hàng trăm năm để dành lấy độc lộc cho dân tộc mình. Cuộc chiến đấu ấy đâu chỉ riêng ở Donbass, cuộc chiến đấu ấy diễn ra trên khắp các mặt trận: vì một sự độc lập tự chủ về khí đốt, vì một thị trường xuất khẩu hàng nông sản đa phương, vì một tiếng nói và chữ viết quốc gia mình,…
Nhưng ít ai hiểu được rằng cuộc chiến đấu giành độc lập tự chủ cho tín hữu và Nhà thờ Chính thống giáo Ukraina mới cam go làm sao.
Sau 332 năm bằng quyết định tại Constantinople (Istanbul) tuần này đã khôi phục lại sự công bằng. Nhà thờ Chính thống giáo Ukraina đang tiến tới gần mục tiêu thắng lợi của mình. Hay như đài BBC đã bình luận “Putin có thể chiếm giữ được Crimea và chiếm giữ một phần miền đông Ukraina, nhưng không thể nắm được linh hồn Kyivan Rus của đất nước này nữa”.
Trong khoảng hai năm nay Nhà thờ đạo Chính thống giáo ở Ukraina là một chủ đề nóng của tất cả các phương tiện truyền thông nước bạn. Trên trang Ukraina – Thế giới chúng tôi đã đăng một số bài nói về Tomos, về cuộc đấu tranh của Nhà thờ Chính thống giáo Ukraina chống lại ảnh hưởng của Nhà thờ Chính thống giáo Nga mà cơ quan đầu não của nó là Toà thượng toạ Moskva vì quyền độc lập-tự trị chính đáng của mình. Đấy là chủ đề khá phức tạp và khó hiểu cho số đông người Việt ta. Tôi xin tổng kết các tư liệu và hệ thống hoá thành các bài giới thiệu giúp bà con nắm được bản chất vấn đề.
Tôi xin phép không đi sâu vào các nội dung thần học phức tạp mà chỉ tập trung vào các khái niệm chung và các khía cạnh lịch sử.
Tôi sẽ bắt đầu bằng các khái niệm chung về Kito giáo, đạo Chính thống giáo Phương đông, Chính thống giáo Nga và cuối cùng là giới thiệu về Đạo Chính thống giáo Ukraina.
Tôi cũng xin nhường lại phần tin tức, sự kiện mới về vấn đề này cho các tay viết của nhóm.

Phần I: KHÁI NIỆM CHUNG VỀ KITO GIÁO

Ukraina là nước theo đạo Kito Chính thống giáo, vậy đạo Kito là gì?
Kitô giáo là dòng đạo thờ Đức chúa Jesus. Kitô giáo (theo thuật ngữ phiên âm) hay Cơ Đốc giáo (theo thuật ngữ Hán Việt) là một tôn giáo có số tín đồ đông đảo nhất -2,3 tỉ người [chiếm hơn 32% dân số thế giới năm 2015; theo sau là Hồi giáo với 1,6 tỉ (23%); Ấn Độ giáo có 1 tỉ (15%); Phật giáo có gần 500 triệu (7%); có hơn 400 triệu người (6%) theo các tín ngưỡng dân gian hay bản địa], với diện tích địa lí ảnh hưởng rộng lớn nhất. Bất cứ một quốc gia nào cũng đều có cộng đồng Kito giáo. Tôn giáo này có ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống chính trị của Thế giới ngày nay.
Kitô giáo bắt nguồn từ Do Thái giáo ở Trung Đông và do Giê-su sáng lập. Kitô giáo theo thuyết độc thần thể hiện ở quan điểm về Chúa Ba Ngôi: Đức Chúa Cha – Đấng Tạo hóa; Đức Chúa Con (Jesus Christ) – Đấng Chuộc tội và Đức Chúa Thánh Thần – Đấng Thánh hoá. Jesus Christ bị hành hình bằng cách đóng đinh trên cây thập tự, từ đó cây thập tự trở thành biểu tượng thiêng liêng của tín đồ Kitô giáo và theo niềm tin của tín đồ Kitô giáo, Chúa phục sinh là bằng chứng về việc Jesus là Con Thiên Chúa, Jesus được phái đến để giải phóng con người khỏi ách quỷ Satan. Con người không chỉ là tôi tớ của Chúa, kẻ được cứu rỗi, mà còn là con của Chúa, do vậy con người có bổn phận noi gương Chúa trong tình yêu cuộc sống, tình yêu đồng loại, con người phải sống thánh thiện và đạt đến cuộc sống vĩnh hằng. Từ khi ra đời và trong giai đoạn đầu, Kitô giáo bị ngược đãi, đàn áp nhưng dần dần đã được truyền bá rộng rãi trên thế giới. Đây là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới và là tôn giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nền văn minh phương Tây.

Ba nhánh chính hiện nay của Kitô giáo là:

⁃ Công giáo La Mã

⁃ Chính thống giáo Đông phương

⁃ Tin lành

Số lượng người theo các dòng Kito giáo được phân bổ như sau:

⁃ Công giáo La Mã: khoảng 1,1 tỉ tín hữu
⁃ Tin lành: khoảng hơn 700 triệu
⁃ Anh giáo: 85 triệu
⁃ Chính thống giáo: khoảng 300 triệu
⁃ Các giáo hội “ngoại vi” (Nhân chứng Jehovah, Giáo hội Cơ Đốc Phục lâm An thất nhật, Giáo hội Mormon…) có hơn 40 triệu tín hữu.

Cả ba Nhánh Kitô Giáo trên đây ngay từ thuở ban đầu đều thuộc Kitô Giáo (Christianity). Trải qua hai thiên niên kỷ, các bất đồng về thần học và giáo hội học đã dẫn đến sự chia rẽ của đạo Kito. Đã có những biến cố gây ra tình trạng rạn nứt hay ly giáo (schisms) hoặc những cải cách (reformations) đáng tiếc xảy ra khiến Kitô Giáo bị phân chia thành 3 nhánh chính. Ngoài ra, còn một nhánh Kitô Giáo nữa là Anh Giáo (Anglican Communion) do vua Henri VIII (1491-1547) của nước Anh chủ xướng năm 1534 để lập một Giáo Hội riêng cho nước Anh, tách khỏi Rôma chỉ vì Tòa Thánh Rôma (Đức Giáo Hoàng Clement VII) không chấp nhận cho nhà vua ly dị để lấy vợ khác.
Tin lành hay còn gọi là đạo kháng cách (Protestantism), nói chung, là Nhánh Kitô Gíao đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo sau những cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther, một linh mục Dòng thánh Augustinô, chủ xướng vào năm 1517 tại Đức và lan sang Pháp với John Calvin và Thụy sỹ với Ulrich Zwingli và các nước Bắc Âu sau đó.
Công giáo La Mã là nhánh đạo Kito phổ biến nhất, còn được gọi là Catholique, với cơ quan lãnh đạo tối cao là Toà thánh Vatican và Giáo hoàng Francisco. Ở Ukraina nhiều bà con ta là tín hữu của dòng đạo Kito này…(còn nữa)

 

Chan Vu (theo Ukraina-Thế giới)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề