Địa Trung Hải: Khởi sự giai đoạn 2 chiến dịch chống buôn người
Người phát ngôn chiến dịch, đại úy Fabio Iannello, xác nhận với AFP, đợt hai chiến dịch chống buôn người tại Địa Trung Hải, mang tên EuNavfor Med, sẽ khởi sự từ ngày mai, 07/10/2015, tại vùng biển ngoài khơi Libya, quốc gia Bắc Phi, nơi xuất phát của rất nhiều tàu chở người vượt biển. Nhiều nhà quan sát cho rằng, chỉ có hòa bình trở lại tại Libya mới có thể chặn đứng được làn sóng di cư ồ ạt và nạn buôn người.

Ít nhất sáu tàu chiến của Châu Âu đã đến sát vùng lãnh hải Libya. Còn thêm khoảng ba tàu chiến khác của hải quân Slovenia, Anh và Bỉ sẽ đến khu vực này trước cuối tháng 10. Tổng cộng 1.318 quân nhân tham gia chiến dịch. Toàn bộ lực lượng này được triển khai bên ngoài lãnh hải Libya.

Trong những tuần qua, trong đợt thứ nhất của chiến dịch chống buôn người được khởi sự từ tháng 6/2015, hải quân Châu Âu đã xác định được 20 tàu bị tình nghi, gồm 17 tàu Libya và ba tàu Ai Cập. Các tàu này sẽ là đích ngắm của lực lượng này kể từ khi giai đoạn 2 khởi sự.

Trên thực tế, toàn bộ vùng ven biển phía tây bắc Libya, giáp với Tunisia, đã bị khóa chặt, ngoại trừ khu vực đối diện với Tripoli, để tránh cho Libya lâm vào tình trạng bị phong tỏa hoàn toàn. Đây chính là nơi xuất phát của phần lớn các tàu vượt biển sang Châu Âu, và cũng là đích ngắm của chiến dịch EuNavfor Med.

Một sĩ quan tình báo Châu Âu thừa nhận, cho dù chiến dịch EuNavfor Med có được một số cộng tác viên trên đất Libya, tuy nhiên, còn rất thiếu những người tiếp cận sát với các mạng đưa người vượt biên.

Đối phó với áp lực nhập cư: Biên phòng Châu Âu yêu cầu tăng viện

Từ đầu năm đến nay, Liên Hiệp Châu Âu đối mặt với làn sóng nhập cư tăng vọt, với khoảng 630.000 người nhập cư bất hợp pháp, theo Frontex, cơ quan biên phòng Châu Âu. Để có thể thực thi nhiệm vụ, Frontex yêu cầu các quốc gia thành viên khu vực tự do đi lại theo hiệp ước Shengen, bổ sung thêm 775 nhân viên.

Yêu cầu này là nhằm chuẩn bị cho việc mở một loạt các hotspot, trung tâm đón tiếp dọc theo đường biên giới các nước tuyến đầu của vùng Schengen, để phân loại ngay từ đầu người tị nạn với các dân nhập cư với động cơ khác.

Trong số các nhân viên được yêu cầu, có các cảnh sát biên giới, chuyên gia, và cả thông dịch viên. Đợt yêu cầu tăng viện này được coi là chưa từng có trong lịch sử của Biên phòng Châu Âu.

RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề