Đến với bài thơ hay

Đến với bài thơ hay : ĐỨA CON NGƯỜI LÍNH ĐẢO
(Cao Vân bình và giới thiệu )

Cao Vân đã tốt nghiệp trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội ,là kỹ sư nông nghiệp ,ngành tài chính.Hiện nay Vân đang làm việc ở tỉnh Hưng Yên.Công việc làm kế toán đòi hỏi sự chính xác,cẩn thận tỷ mỷ trái ngược với sự lãng mạng ,trưù tượng của thơ ca.Vậy mà chẳng hiểu sao cô kỹ sư nông nghiệp lại rất yêu thích thơ .Một lần tình cờ thấy bài thơ của mình đăng trên trang Việt nam Thư quán .nét và trên trang FB. Cao Vân đã đọc và có bài cảm nhận rất hay gửi tặng mình.

Xin phép cô kỹ sư NN cho chị giới thiệu bài viết này của em nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt nam 22.12, Cao Vân nhé.

* * *
ĐỨA CON NGƯỜI LÍNH ĐẢO

Trận Gạc Ma, cha nằm lại biển khơi
Nhận tin dữ giữa thời khắc ấy
Mẹ bàng hoàng, không thể gượng dậy
Trong cơn đau, con vùng vẫy chào đời…

Vừa sinh ra, con đã mồ côi
Cha vĩnh viễn chẳng bao giờ về nữa
Lời ru cột tang góa bụa
Sẫm trong mắt mẹ quầng sâu…

Thắt vành khăn trắng nhưng nhức, mẹ cầu
Cha hiển linh, cho con mang tên đảo:
Hoàng Trường Sa như phong ba chắn bão
Sẽ trung kiên, hiếu thảo với mẹ hiền!

26 năm, chẳng thể quên
Cha đã khắc tên vào lịch sử
Cùng đồng đội đan “Vòng tròn bất tử”*
Anh dũng hy sinh, gìn giữ lá cờ hồng…

Và hôm nay lại trào sóng biển Đông
Quân bành trướng lăm le bờ cõi
Cha yêu ơi! Con thấy mình cứng cỏi
Quyết lên đường giữ đảo, nối nghiệp cha…

Mẹ thắp hương, mắt đẫm lệ nhạt nhòa
Trao đứa con duy nhất cho Tổ quốc
Cả mảnh cờ đào kỷ vật mẹ có được
Thấm máu cha xưa, vì nước quên thân!

Con sẽ đặt kỷ vật đó thật gần
Nơi trái tim thanh tân trong ngực trẻ
Hãy truyền con sức mạnh cha nhé
Chiến thắng kẻ thù, giành lại Hoàng Sa

Con sẽ cùng mẹ thả những vòng hoa
Cho đồng đội và Cha yên nghỉ
Dưới lòng đại dương bao la, hùng vĩ
Canh biển trời giữ đất Mẹ Việt Nam!

Kiev, 04/6/2014
Vũ Thương Giang

Vào thời điểm cả đất nước Việt nam ta đang sống trong không khí sục sôi ,cuồn cuộn sóng từ biển Đông,từ lòng dân phẫn uất , căm thù quân bành trướng xâm lược ngang nhiên mang giàn khoan Haiyang Shiyou-981 “đỏ như bọng máu” ,cắm sâu vào thềm lục địa thuộc đặc quyền khai thác kinh tế của Việt nam .Hành động ăn cướp trắng trợn của gã “hàng xóm “ khổng lồ tham lam xấu tính ấy khiến cộng đồng thế giới bất bình ,còn hơn 90 triệu dân Việt nam bừng bừng lửa giận ,nhất loạt trỗi dậy lòng yêu nước tưởng như đang chìm vào giấc ngủ đông, .Bà con Việt Kiều ở khắp nơi trên thế giới nhuộm đỏ mầu cờ sắc áo trong các cuộc tuần hành biểu tình kéo đến tòa Đại sứ quán Trung quốc ở các nước sở tại để lên án hành động xâm lược của Trung Quốc đồng thời gây sự chú ý ủng hộ từ dư luận và bạn bè Quốc tế.Mỗi người dân Việt đều tự thấy mình có nghĩa vụ , trách nhiệm góp phần bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc khi lâm nguy bằng mỗi cách khác nhau.Có rất nhiều bức tranh biếm họa thâm thúy , có biết bao nhiêu bài báo,bài thơ ra đời ca ngợi lòng yêu nước khơi gợi niềm tự hào dân tộc cũng như lên án,phản đối hành động sai trái của nhà cầm quyền Trung quốc….Tất cả tạo thành khối sức mạnh đoàn kết động viên tinh thần ý chí chiến đấu cho các chiến sỹ Hải quân, các chiến sỹ Cảnh sát biển ,những người ngư dân bám biển đang ngày đêm đang đối mặt với kẻ thù , với sóng gió và vô vàn hiểm nguy bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất Mẹ Việt nam. Chính thời điểm này tình cờ hay là do cơ duyên may mắn tôi đã gặp bài thơ ĐỨA CON NGƯỜI LÍNH ĐẢO trên trang Thư Quán của tác giả Vũ Thương Giang khiến tôi rất xúc động như được đọc một câu chuyện về lịch sử với cốt truyện có thực mang đến bao cảm xúc nghẹn ngào .Một bài thơ đã lấy đi những giọt nước mắt của nhiều độc giả và gây ấn tượng mạnh cho tôi ngay ở tựa đề của nó.

Khi nhắc tới cụm từ “người lính đảo” thường khiến ta liên tưởng tới những chiến sỹ Hải quân da nâu sạm nhuộm nắng gió, hiên ngang giữa ngàn trùng mênh mông sóng nước vây quanh đảo trúc san hô với những loài chim biển làm bầu bạn. Đó là hình ảnh đẹp và tự hào vô cùng.Thế nhưng tại sao bài thơ của Vũ Thương Giang lại hướng chúng ta đến hình ảnh là “đứa con” mà không phải là người lính ấy?Vâng!Cái điều đặc biệt nằm ở đây.Bởi lẽ ” Đứa con người lính đảo” chính là một sự kết nối về thời gian giữa hai thế hệ, hình như cả về không gian giữa nơi đảo xa và đất Mẹ. Phải chăng chính cái tên của bài thơ không chỉ ẩn chứa hai chữ chủ quyền thiêng liêng mà còn mang đến cho người đọc sự một sự tò mò về hoàn cảnh xuất xứ của “đứa con”?

Mở đầu bài thơ ,tác giả đã dẫn dắt người đọc sống lại những ngày tháng lịch sử đau thương trong trận Gạc ma đẫm máu của 26 năm về trước và hoàn cảnh ra đời của đứa con người lính khiến cho chúng ta phải lặng đi …

Trận Gạc Ma, cha nằm lại biển khơi
Nhận tin dữ giữa thời khắc ấy
Mẹ bàng hoàng, không thể gượng dậy
Trong cơn đau, con vùng vẫy chào đời…

Giống như một thước phim quay chậm sống động về một gia đình có ba thành viên ở ba bi kịch khác nhau nhưng đều dồn tất cả thương đau đổ hết lên đôi vai người vợ trẻ của người lính đảo ở quê nhà.Nỗi đau ấy còn được nhân lên khi người vợ “Nhận tin dữ giữa thời khắc ấy”. Cái “thời khắc” chị đang mang thai đứa con ,kết quả ngọt ngào từ tình yêu với người chồng là chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ngoài hải đảo xa, đã khiến chị ”bàng hoàng, không thể gượng dậy”. Ở đây tác giả sử dụng từ “bàng hoàng” mang hàm ý : Vừa bất ngờ , vừa sửng sốt vừa đột ngột lại vừa đau đớn tột cùng khiến người mẹ đổ gục . Có phải sự “bàng hoàng” của người vợ trẻ ở quê nhà cũng chính là sự bàng hoàng của cả dân tộc ta khi nhận “tin dữ” : -Đảo đá Gạc Ma đã bị kẻ thù cưỡng chiếm?Trong tột cùng nỗi đau riêng là nỗi đau chung bao trùm lên cả nước trước tổn thất mất mát quá lớn của các chiến sỹ đã anh dũng hi sinh mà đảo vẫn rơi vào tay kẻ thù?

Trong cái khoảng lặng mênh mông tưởng chừng như không thể phá vỡ ấy dường như có sự hối thúc vô hình nhưng hết sức mạnh mẽ .Nó “vùng vẫy” một cách quyết liệt để bám sống trước nghiệt ngã số phận , một khát khao sinh tồn bản năng. “Đứa con” ở đây có thể vẫn còn nằm trong bụng mẹ vì chưa đủ tháng đủ ngày sinh.Thế nhưng nhờ sợi dây máu mủ đã linh báo để cho đứa trẻ cảm nhận được nỗi đau của mẹ và cả “trọng trách “ của mình sẽ phải thay cha ở bên mẹ ,làm nguồn vui điểm tựa cho mẹ …Cho nên như có phép mầu kỳ diệu đã đứa trẻ tự mình “vùng vẫy” giúp mẹ trong cơn đau để chào đời.

Sinh ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt . Người mẹ cùng lúc ấy gánh chịu hai nỗi đau : một nỗi đau tinh thần và một nỗi thể xác cố dồn hết sinh lực còn lại , rách mình để cho được con chào đời , khiến người đọc vưà cảm phục ,vừa xót xa . Nhất là tiếng khóc chào đời của con lại có “vành khăn trắng”, cùng “lời ru cột tang goá bụa” của mẹ.

Vừa sinh ra, con đã mồ côi
Cha vĩnh viễn chẳng bao giờ về nữa
Lời ru cột tang góa bụa
Sẫm trong mắt mẹ quầng sâu…
Thắt vành khăn trắng nhưng nhức, mẹ cầu
Cha hiển linh, cho con mang tên đảo:
Hoàng Trường Sa như phong ba chắn bão
Sẽ trung kiên, hiếu thảo với mẹ hiền!

Xót xa quá khi đứa con :”Vừa sinh ra con đã mồ côi”.Đêm đêm mẹ quầng sâu đôi mắt ầu ơ vỗ về thức ru bằng “Lời ru cột tang góa bụa” hỏi ai không nghẹn đắng trong lòng?.

Đành rằng khi nhắc đến hình ảnh “vành khăn trắng” chúng ta thường liên tưởng đến cảnh tang tóc phân ly tử biệt buồn bã thê lương…Nhưng Vũ Thương Giang khéo léo nhắc đến vành khăn tang trong câu thơ rất tinh tế mà đau đáu xót thương : “Thắt vành khăn trắng nhưng nhức, mẹ cầu” .Tác giả sử dụng từ láy “nhưng nhức” gợi lên cái đau nhức nhối âm ỉ trong cơ thể, sự nhức nhối thổn thức không thể nguôi ngoai trong lòng người thiếu phụ trẻ. Vành khăn trắng của con là thờ cha, là nỗi niềm của đứa con mồ côi, là khát khao tình phụ tử. Bất giác tôi nhớ tới lời trong một bài hát vô cùng xúc động về mẹ: “…Thời gian trôi qua Vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng Nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang…”. Vết thương lòng của mẹ mãi còn “nhưng nhức” theo năm tháng cuộc đời. Và liệu có phải “lời ru cột tang goá bụa” là một lời ru đặc biệt, không chỉ có sự ngọt ngào của tình mẫu tử mà còn ướt sũng niềm tủi hờn, xen lẫn nhớ thương đau khổ đượm nghĩa tình thuỷ chung của người vợ trẻ khóc chồng thương con?

Tác giả đã mượn hình ảnh cây phong ba – một loài cây đặc biệt mang biểu tượng của sự trường tồn ,mạnh mẽ chịu đựng ở điều kiện khí hậu khắc nghiệt và có sức sống mãnh liệt bền bỉ để so sánh với hình ảnh đứa con người lính đảo! Lối so sánh ẩn dụ thật tuyệt vời bởi từ “phong ba “còn mang nghĩa đen : sóng to gió lớn vẫn kiên cường bất khuất như tinh thần của dân tộc Việt nam chúng ta nữa. Chưa dừng ở đó,tác giả mang đến cho chúng ta cảm xúc đặc biệt trong khổ thơ này là cái tên Hoàng Trường Sa. Đứa con được mang họ Hoàng của Cha và tên gọi là quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi mà cha đã ngã xuống năm xưa. Cái tên không phải ngẫu nhiên mà có .Một cái tên thôi nhưng người mẹ đã phải trăn trở rồi thắp hương khấn nguyện chồng xin đặt cho con thật ý nghĩa biết nhường nào! Nó mang sứ mệnh của lịch sử để nhắc cho người con nhớ đến nơi người cha và đồng đội đã nằm lại đó.Nhớ đến quần đảo mà kẻ thù đã dùng sức mạnh cưỡng chiếm .Từ đó ta có thể hiểu danh từ “Mẹ” ở đây không còn hạn hẹp ở nghĩa đơn thuần là người mẹ đã sinh ra đứa con mang tên Hoàng Trường Sa, mà vĩ đại to lớn hơn thế là người Mẹ Tổ quốc thiêng liêng. Hoàng Trường Sa cũng không chỉ còn riêng là con của mẹ .Đó cũng là tên gọi chung của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ,là máu thịt của đất mẹ Việt Nam. Vẫn lối so sánh đầy hình ảnh ẩn dụ để toát lên sự gắn bó mẫu tử thiêng liêng giữa tình riêng với tình chung của dân tộc.

26 năm, chẳng thể quên
Cha đã khắc tên vào lịch sử
Cùng đồng đội đan “Vòng tròn bất tử”*
Anh dũng hy sinh, gìn giữ lá cờ hồng…

Và hôm nay lại trào sóng biển Đông
Quân bành trướng lăm le bờ cõi
Cha yêu ơi! Con thấy mình cứng cỏi
Quyết lên đường giữ đảo, nối nghiệp cha…

Mốc lịch sử 26 năm đã trôi qua kể từ “thời khắc” ấy con giờ đã trưởng thành, đã hiều về cái “Vòng tròn bất tử” *mà cha và đồng đội đã đan vào nhau tạo lên chắn giữ lá cờ đào ,khẳng định chủ quyền của Việt nam trên đảo đá Gạc Ma năm xưa. Sự hy sinh anh dũng của cha và những người đồng đội đã”khắc tên vào lịch sử “ và thôi thúc người con cũng như lớp lớp thế hệ trẻ hăng hái lên đường xung phong ra biển đảo để bảo vệ quê hương.

Trong câu thơ “Cha yêu ơi ! Con thấy mình cứng cỏi” ta bắt gặp cụm từ “cứng cỏi” sao mà thân thương và cảm động đến thế!

Vâng! Đứa con chào đời đúng ngày mẹ hay tin cha hy sinh và vừa chào đời đã mồ côi ấy giờ đã lớn khôn trưởng thành .Hơn thế là đã cứng cỏi để chống chọi với hiểm nguy ,gian khó và thử thách .Đã đủ dũng và trí để đi đến quyết định” Lên đường nối nghiệp cha” .
Hình ảnh “mẹ thắp hương, mắt đẫm lệ nhoà” được tác giả gửi gắm trong khổ thơ này khiến tôi đặc biệt trăn trở.

Đôi mắt của mẹ đã “đẫm lệ nhoà” hay chính khoé mắt của những người đọc như tôi đang nhoà đi bởi sự đau thương, niềm khâm phục và lòng biết ơn vô bờ bến với người mẹ..Mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người con anh hùng, những người con đang ngày đêm “Canh giữ biển trời giữ đất Mẹ Việt Nam”.

Mẹ thắp hương, mắt đẫm lệ nhạt nhòa
Trao đứa con duy nhất cho Tổ quốc
Cả mảnh cờ đào kỷ vật mẹ có được
Thấm máu cha xưa, vì nước quên thân!

Càng đọc bài thơ tôi càng nhận ra một điều:- Có thể nói tác giả là người Việt mang giá trị truyền thống mang cốt cách tâm hồn thuần Việt bởi rất am hiểu và giữ nguyên giá trị văn hóa truyền thống cũng như đời sống tâm linh . Đã hơn một lần chúng ta bắt gặp hình ảnh người mẹ thắp hương trong bài thơ “ Đứa con người lính đảo” của Vũ Thương Giang . Thường thì người Việt ta mỗi khi dâng hương đều liên quan đến những sự việc quan trọng :- dâng hương như một sợi dây máu thịt để kết nối với vong linh người đã khuất, với các đấng linh thiêng để bày tỏ lòng thành kính, cầu mong những điều may mắn và đôi khi chỉ đơn giản là làm ta thêm ấm lòng như có cảm giác được trò chuyện tâm sự với người thân đã khuất đang hiện hữu bên cạnh . Riêng hình ảnh mẹ dâng hương mà “mắt đẫm lệ nhoà” trong bài thơ là sự xúc động , lo lắng mơ hồ trước tình huống xấu nhất có thể xảy ra…Có người mẹ nào không khóc ,không phập phồng lo âu với đứa con yêu quí của mình?Đối với “Đứa con người lính đảo “này lại càng đặc biệt hơn vì người mẹ 26 năm dồn hết tình thương yêu dành cho đứa con duy nhất –báu vật cuối cùng từ tình yêu của người chồng để lại . Giờ lại ngậm ngùi “trao đứa con duy nhất cho Tổ Quốc!” và kỷ vật quí giá là mảnh cờ đào thấm máu chồng và đồng đội năm xưa cũng trao cho con mang theo bên mình để cầu mong con bền lòng vững chí tiếp tục sự nghiệp của người Cha.Hành động trao lại kỷ vật là mảnh cờ đào thấm máu ấy còn mang một ý nghĩa tâm linh khác : -Mong người con được luôn bình an và được người Cha anh linh phù hộ chở che,giữ tròn bổn mạng cho con mình. Bằng nghệ thuật nói giảm (nói tránh) tinh tế đến tuyệt vời qua động từ “thắp nhang” ý tứ thơ dường như uyển chuyển hơn,sự đau đớn dường như được xoa dịu. Nhưng chính sự kín đáo tinh tế này của tác lại giả khiến tôi lặng người và trào lên một niềm cảm xúc lan toả, đan xen trong tâm hồn. Nếu như ở khổ thơ đầu tiên mẹ đã “bàng hoàng” khi hay tin cha nằm lại khơi xa ,thì ở đây mẹ lại có sự chuẩn bị về tinh thần. Một sự chủ động khiến người đọc vừa xót xa vừa xen lẫn mến thương cảm phục .Sự hy sinh cao cả và lòng yêu nước đó không có từ ngữ nào diễn tả hết và không phải ai cũng dễ dàng làm được.

Con sẽ đặt kỷ vật đó thật gần
Nơi trái tim thanh tân trong ngực trẻ
Hãy truyền con sức mạnh cha nhé
Chiến thắng kẻ thù, giành lại Hoàng Sa

Người con dường như cũng đọc được những suy nghĩ của mẹ khi trao kỷ vật thiêng liêng ấy cho mình nên thầm hứa sẽ luôn đặt kỷ vật ấy ngay sát trái tim mình để cầu mong người Cha truyền cho minh sức mạnh chiến thắng kẻ thù .

Con sẽ cùng mẹ thả những vòng hoa
Cho đồng đội và Cha yên nghỉ
Dưới lòng đại dương bao la, hùng vĩ
Canh biển trời giữ đất Mẹ Việt Nam!

Nếu nhưng cả bài thơ đã lấy đi rất nhiều nước mắt thương cảm xót xa của người đọc thì khổ thơ cuối cùng ta bắt gặp những giọt nước mắt hạnh phúc .Trong giấc mơ, người con đã chiến thắng kẻ thù và nguyên lành trở về với mẹ để rồi đưa mẹ ra biển thả những vòng hoa cho Cha và đồng đội .Một kết thúc có hậu của bài thơ sau những gút thắt đau đớn lo lắng đến nghẹt thở để rổi cuối cùng là tháo gỡ mở gút thắt ấy ở khổ thơ cuối cùng làm cho ta thở phào nhẹ nhõm .

Cám ơn tác giả Vũ thương Giang đã có những bài thơ hay được viết trên câu chuyện có thực đầy xúc động.Giờ thì tôi hiểu tại sao khi bài thơ của tác giả đăng lên đã có gần 100 lời nhận xét ,hai TBT của hai trang báo mạng đưa về đăng trên trang báo của họ . Một nhạc sỹ bắt gặp bài thơ hay đã phổ nhạc để gửi đi dự thi ngay sau đó. Bên cạnh đó nhà báo Đỗ Trọng Phụng cũng có bài nhận xét cũng rất hay về bài thơ “ Đứa con người lính đảo”.

Cá nhân tôi chỉ là kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành kế toán hoàn toàn không liên quan đến văn vẻ thơ ca.Một công việc tính toán suốt ngày loay hoay với những con số hết sức khô khan cứng nhắc. Thế nhưng lâu lắm mới bắt gặp bài thơ hay , tự nhiên cảm xúc trong tôi ùa về rất khó tả,nó thôi thúc tôi cầm bút viết lên những cảm xúc của lòng mình. Tôi tìm đọc trên trang Truyền Hình quốc gia thấy bài thơ này đã tác giả gửi đi dự thi .Dù thông báo không kêu gọi vận động mọi người ủng hộ bằng cách like nhưng những người yêu vẻ đẹp đích thực của những bài thơ mang giá trị nhân văn vẫn tìm đến đọc và đánh giá cao tác phẩm.

Một bạn đọc có nick : Cô Đơn Nhớ Ngườixa đã nhận xét rằng: .Bài thơ “ĐỨA CON NGƯỜI LÍNH ĐẢO” tái hiện một câu chuyện về sự hy sinh của người lính biển nhưng ngay chính trong ngày nhận tin người cha anh dũng hy sinh thì người con chào đời …Đó là một sự tiếp nối hoàn hảo..Một câu chuyện rất hay và cảm động.Cám ơn tác giả Vũ Thương Giang..Dù tác phẩm có đạt giải hay không thì mình vẫn đánh giá đây thực sự là một thi phẩm hay mang tính nhấn văn cao

Nhà thơ Lưu Thế Quyền đã viết thế này::Đọc hai bài thơ của nhà thơ Vũ Tuyết Nhung ( Vũ Thương Giang ) mà trong lòng trào dâng bao nhiêu xúc động…

Đó cũng là sự hy sinh lớn của người mẹ Việt Nam kính dâng cả đứa con trai yêu quý duy nhất của mình cho Tổ quốc, cho chủ quyền biển đảo. Và trong mỗi người dân Việt bao giờ cũng thao thức nao nao gọi Hoàng Sa, nối với Trường Sa:
Hai bài thơ dự thi của Vũ Thương Giang đã thể hiện được lòng tự tôn dân tộc, khẳng định chủ quyền đất nước với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hai bài thơ ấy đã đọng lại trong lòng tôi, thao thiết, nao nao gọi Hoàng Trường Sa ơi!
Còn ông Vu Duc Truong- TBT báo Doanh nghiệp Odessa thì khen rằng: Bài thơ rất hay, anh xin phép cho đăng lên báo DN ODESSA cho bạn bè rộng rãi đọc nhé…

Pv Le Na nhận xét rằng: Cả hai bài thơ của chị đều rất hay và cực kỳ ý nghĩa. Cám ơn những tình cảm của chị gửi gắm trong thơ. Cám ơn chị đã nói thay lời của hơn 90 triệu người con đất Việt.

“Đứa con người lính đảo” không còn là một bài thơ đơn thuần mà với tôi ,nó như một thước phim xúc động về lịch sử chiến tranh có tiết tấu nhanh, kịch tính cuốn hút ngay từ những hình ảnh đầu tiên. Là câu chuyện kể về đứa con của người lính đảo Gạc Ma năm xưa nhưng chính người mẹ lại mang đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Mẹ đã sinh ra những trái tim quả cảm và lặng lẽ dâng cho đời bản hùng ca bất tử. Mẹ chính là hiện thân của “Mẹ Việt nam anh hùng”.

Để “…đất nước nở hoa Ngày Độc Lập “, mang lại cuộc sống bình yên như hôm nay ,chúng ta không bao giờ được quên ơn công lao to lớn của cha anh đi trước.Họ đã hy sinh xương máu để gìn giữ và bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc . Đảng và Chính phủ cũng đã lấy ngày 27/7 trong năm để tưởng niệm và ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã vì nước hy sinh..

Chúng ta hãy cùng nhau thắp nén tâm nhang cho những người chiến sỹ đã hy sinh và cũng thành tâm cầu nguyện cho những người chiến sỹ đang ngày đêm đối mặt với hiểm nguy được bình an trở về với gia đình và người thân .

Cầu mong cho ước mơ bình dị của “đứa con ngườilính đảo” sẽ trở thành hiện thực: Chiến thắng kẻ thù xâm lược , giành lại được Trường Sa và trở về quê đưa mẹ ra Biển thả những vòng hoa cho Cha và đồng đồng đã hy sinh trong ngày kỷ niệm các anh hùng thương binh liệt sỹ !
Đó cũng là mong muốn khát khao chung của cả dân tộc ta .Cầu cho quân bành trướng Trung Quốc sớm rút cái giàn khoan ra khỏi thềm lục địa Việt nam.Trả lại quần đảo mà chúng đã cưỡng chiếm 26 năm về trước cho đất mẹ Việt nam thân yêu!

Tháng 7/2014
Cao Vân- KSNN Hưng Yên
(Kỹ sư nông nghiệp tỉnh Hưng Yên)
https://www.facebook.com/phuong.vanquynh
phuong.vanquynh@facebook.com

p/s:

Thật bất ngờ khi Vũ Thương Giang nhận được thư của nhạc sỹ Ngọc Quang Nhạc Sĩ gửi kèm theo đường link bài hát mà nhạc sỹ vừa mới phổ nhạc từ bài thơ ĐỨA CON NGƯỜI LÍNH ĐẢO của Vũ Thương Giang được ca sỹ Minh Khương biểu diễn tại liên hoan âm nhạc các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam tối 03/9/2014 tại TP Tuy Hòa. Trân trọng mời mọi người cùng thưởng thức nhé https://www.youtube.com/watch?v=nZaZFYAeKLo ( đây là đường link truyền hình trực tiếp phát sóng trên ti vi  bài hát Đứa con người lính đảo)

Đây là đường link bản thu âm ko bị lẫn tạp âm ngoài sân khấu nghe sẽ chuẩn hơn : https://www.youtube.com/watch?v=5LOSU8SLEQg

Dưới đây là bài viết của trang Lính Biển Việt Nam giới thiệu về bài hát này!

Theo dõi · 17 Tháng 8 ·Lính Biển Việt Nam rất xúc động khi được Nhạc sĩ Ngọc Quang gửi tặng bài hát ĐỨA CON NGƯỜI LÍNH ĐẢO mà anh vừa sáng tác với lời thơ của Vũ Thương Giang do ca sĩ Minh Khương trình bày. Bài hát đã đưa thời gian trở lại ngày 14/3/1988 lịch sử trên vùng biển Gạc Ma với “Vòng tròn bất tử” được tạo nên bởi những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam kiên cường bất khuất, quên thân mình vì biển đảo quê hương. Và một trong các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma bi tráng ngày đó là Anh hùng LLVTND – Liệt sĩ Trần Văn Phương. Ngày anh hi sinh, cô con gái duy nhất của anh, Trần Thị Thủy, mới tròn tháng trong bụng mẹ. Giờ đây, Trần Thị Thủy đã tiếp bước cha, trở thành sĩ quan Hải quân nhân dân Việt Nam để tiếp tục sự nghiệp giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Được sự nhất trí của Nhạc sĩ Ngọc Quang và bạn Trần Thị Thủy, Lính Biển Việt Nam dựng lại Clip bài hát ĐỨA CON NGƯỜI LÍNH ĐẢO với những hình ảnh lịch sử của ngày 14/3/1988 và những hình ảnh của gia đình Liệt sĩ Trần Văn Phương.

Lính Biển Việt Nam xin trân trọng cảm ơn Nhạc sĩ Ngọc Quang, Nhà thơ Vũ Thương Giang, Ca sĩ Minh Khương và xin hân hạnh giới thiệu cùng các bạn trên Facebook này!

P/S: Nhờ Thuy Tran chuyển tới mẹ Hoa và mọi người quanh em bài hát đầy xúc động và tự hào này em nhé!
— cùng với Ngọc Quang Nhạc Sĩ, Thuy Tran, Lính Biển Việt Nam và Trần Công Thi


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề