Đệ Nhất Cường Quốc Kinh Tế: Cuộc sống khốn khổ của công nhân vệ sinh ở Trung Quốc

Xã hội Trung Quốc vẫn tồn tại thái độ kỳ thị đối với công nhân vệ sinh. Họ không chỉ coi thường mà còn tấn công, thậm chí giết những người lao động cùng cực nhất xã hội.

Tuần trước, trận tuyết đầu tiên trong mùa đông năm nay xảy ra ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Tuyết rơi dày đồng nghĩa với việc công nhân vệ sinh đường phố phải làm việc gian khổ hơn.
Quét dọn đường phố là công việc vất vả, lương thấp. Đời sống các công nhân bấp bênh. Tháng trước, những hình ảnh về lao công ở vùng đông bắc Trung Quốc ăn tuyết để đỡ khát xuất hiện trên Internet khiến cộng đồng mạng rất xúc động, theo Ecns.

Ngày 28/1, nhân viên giám sát của công ty vệ sinh môi trường Gold Medal bắt gặp Ding Quan, một công nhân 58 tuổi, đang sưởi ấm cạnh đám lửa bên đường để tay bớt tê cóng. Ngày hôm sau, họ sa thải ông vì “vi phạm các quy định của công ty”. Theo họ, việc ông không dập tắt đám cháy gây nguy hiểm và các nguy cơ đối với môi trường.

Ông Ding vốn sống ở một tỉnh lân cận. Ông đến thành phố Tây An để giúp vợ chồng con trai chăm sóc cháu gái. Để kiếm thêm thu nhập, người đàn ông 58 tuổi nhận công việc quét đường phố vào buổi sáng sớm với mức lương 1.550 nhân dân tệ (khoảng 5,4 triệu đồng) mỗi tháng. Ông rất ngạc nhiên khi công ty đưa ra quyết định đuổi việc mà không báo trước. Tuy nhiên, Ding Quan không kiến nghị.

Một người dùng trên trang Sina Weibo đã đăng bài chỉ trích quyết định của công ty Gold Medal là độc ác và vô nhân đạo. Dưới áp lực dư luận, ngày 1/2, người đại diện của Gold Medal đã lên tiếng xin lỗi ông Ding trên trang web của họ đồng thời thừa nhận quyết định của công ty “không phù hợp”. Họ đang làm việc với ông để hòa giải.

Vì những công nhân không có tay nghề và nhận mức lương thấp như ông Ding thiếu nhận thức về quyền lợi của bản thân, các công ty dễ dàng tuyển dụng và sa thải họ.

Công nhân vệ sinh đường phố thường xuyên phải làm việc vất vả nhưng chỉ nhận mức lương thấp. Ảnh: Xinhua

Công nhân vệ sinh đường phố thường xuyên phải làm việc vất vả nhưng chỉ nhận mức lương thấp. Ảnh: Xinhua

Ông Ding khá may mắn khi trường hợp của ông thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Nó cũng khiến dư luận hướng tâm điểm vào những rắc rối mà công nhân Trung Quốc đang gặp phải và đặt ra yêu cầu cần bảo vệ lợi ích cho các nhóm người lao động nghèo tốt hơn.

Tình trạng thiếu bảo hộ

Ở Trung Quốc, các công nhân như ông Ding đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng như kỳ thị xã hội và thiếu sự bảo vệ từ pháp luật. Cuộc sống của họ luôn trong tình trạng bất ổn. Trong một xã hội mà người dân vẫn khinh thường những người lao động bình thường, công nhân vệ sinh gần như sống nơi tận cùng đáy xã hội. Người ta thường xuyên tấn công, thậm chí giết họ.

Theo số liệu từ thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, từ 2011, 109 vụ tai nạn xảy ra liên quan đến công nhân vệ sinh đường phố với 17 người thiệt mạng, 50 người bị thương nặng và nhiều người khác bị quấy rối hoặc tấn công.

Người dân Trung Quốc thường kỳ thị những công nhân vệ sinh, thậm chí tấn công và giết họ. Ảnh: Chinasmack

Người dân Trung Quốc thường kỳ thị những công nhân vệ sinh, thậm chí tấn công và giết họ. Ảnh: Chinasmack

Những công nhân như vậy thường là người lớn tuổi, trình độ giáo dục thấp và nhận mức lương rẻ mạt. Họ không thể đấu tranh cho quyền lợi của bản thân. Theo một cuộc khảo sát do Đại học Quý Châu tiến hành vào năm 2014, 72% công nhân vệ sinh chỉ tốt nghiệp tiểu học.

Các quy định về bảo hộ người lao động thường mơ hồ và khó thực hiện. Wang Jinshan, giảng viên Đại học Kinh tế và Luật Hà Nam, chỉ trích chính phủ chưa làm hết khả năng để bảo vệ họ.

Lu Jiaobin, trưởng phòng vệ sinh môi trường thành phố Đại Liên, mong muốn chính phủ đầu tư thêm vào việc cải thiện điều kiện làm việc của những người lao động trình độ thấp, có thể bằng cách xây nhà tạm trú cho họ. Ông kêu gọi người dân tỏ thái độ tôn trọng hơn với các công nhân vệ sinh, những người “làm công việc mệt nhọc nhất của xã hội”.

Nguyễn Sương (theo HNPĐ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề