Dầu xuống 40 USD/thùng, nguy cơ “bốc hơi” 1% tăng trưởng GDP!

Tổ công tác liên Bộ đánh giá, nếu giá dầu bình quân 50-60 USD/thùng thì không gây nhiều xáo trộn đến sản xuất và tiêu thụ dầu của Việt Nam, song nếu giá xuống 40 USD/thùng thì tăng trưởng 2015 dự kiến là 6,2% sẽ giảm chỉ còn 5,2%.

Ngày 22/1/2015, tại trụ sở Bộ Công Thương, Tổ công tác liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô tổ chức phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm thảo luận để đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh giá dầu thô giảm.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, tại phiên họp, Tổ công tác liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô tập trung bàn thảo các vấn đề đang được quan tâm đó là: hoạt động khai thác, đầu tư đối với dầu thô; tác động giá dầu xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; tác động giá dầu giảm đến thu ngân sách Nhà nước năm 2015; ảnh hưởng giá dầu đến lạm phát CPI của Việt Nam. Đồng thời, Tổ công tác cũng trình bày trước Thủ tướng, Phó Thủ tướng để có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi Chính phủ trình kịch bản thu chi ngân sách để trình Quốc hội thông qua trong năm 2015, dự kiến trong dự toán này là xuất khẩu dầu thô ở mức 100 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện nay giá dầu đang giảm dưới 60 USD/thùng, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng. Việc giá dầu giảm mạnh và khó lường không theo thị trường cung cầu.

Tổ công tác đưa ra 3 kịch bản giá dầu trong năm 2015 dựa trên những đánh giá phân tích của các tổ chức kinh tế thế giới cũng như các chuyên gia kinh tế, ở các ngưỡng: khoảng 60 USD/thùng; khoảng 50 USD/thùng và khoảng 40 USD/thùng. Đây là các mức giá xem xét tính toán các phương án, vì hiện nay giá dầu thô của Việt Nam xuất khẩu do chất lượng tốt hơn nên thường xuyên cao so với bình quân giá thế giới khoảng 5 USD/thùng.

Xem xét giá dầu giảm tác động ở các lĩnh vực, đầu tiên là tác động trực tiếp đến khai thác, xuất khẩu dầu mỏ. Nếu 60 USD/thùng thì sản xuất, xuất khẩu giảm nhưng không đáng kể, sẽ chỉ phải xem xét tiết giảm sản lượng tại các lô có giá sản xuất cao. Nếu 50 USD/thùng thì sẽ giảm khai thác nhiều hơn. Nếu ở mức 40 USD/thùng thì sẽ giảm 1,8 đến 2 triệu tấn dầu khai thác.

Kế hoạch năm nay của Bộ Công Thương phải sản xuất và xuất khẩu 14,74 triệu tấn trong năm nay. Tổ công tác đánh giá, nếu giá dầu bình quân 50-60 USD/thùng thì không gây nhiều xáo trộn đến sản xuất và tiêu thụ dầu của Việt Nam, mặc dù ảnh hưởng lĩnh vực khác nhưng không tác động nhiều lắm về mặt sản xuất. Giá xuống 40 USD/thùng sẽ có nhiều ảnh hưởng xáo trộn, đồng thời ảnh hưởng cả đến những dự án mới đang dự kiến đầu tư.

Xem xét tác động đến tăng trưởng kinh tế, Tổ công tác tính toán, nếu giá dầu thô là 60 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,21 điểm phần trăm so với dự kiến. Nếu giá 50 USD/thùng thì giảm khai thác còn ở mức độ 14,4 triệu tấn, giảm tăng trưởng có khoảng 0,56 điểm phần trăm. Nếu giá dầu thô giảm mạnh còn 40 USD/thùng thì chỉ khai thác xuất khẩu khoảng 13,08 triệu tấn, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đến 1 điểm phần trăm. Khi đó tăng trưởng năm 2015 dự kiến là 6,2 % thì sẽ giảm chỉ còn 5,2%.

Giá giảm mạnh, lo buôn lậu xăng dầu bùng phát trở lại

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Việt Nam không chỉ xuất khẩu dầu mỏ mà còn nhập khẩu xăng dầu thành phẩm với số lượng lớn hơn so với xuất khẩu. Chính vì vậy, tác động của giá dầu sẽ diễn ra ở hai chiều.

Khi giá dầu thô giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước cũng giảm theo và hai yếu tố quan trọng là giá đầu vào cho sản xuất hàng hóa giảm và giá vận tải giảm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh giảm giá cước vận tải tương ứng và phải giảm trước Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Tuy nhiên, hiện nay giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và chỉ cao hơn Singapore và Malaysia, là hai nước có trợ giá về xăng dầu.

Nếu giá xăng dầu giảm tiếp thì có thể lợi cho sản xuất tiêu dùng nhưng lại làm gia tăng buôn lậu xăng dầu. Chính vì vậy, Tổ công tác kiến nghị cần phải cân nhắc, so sánh giá bán lẻ trong nước với các nước trong khu vực để quản lý tốt, không để xảy ra tình trạng tuồn xăng dầu lậu sang các nước bạn.

Trước đó, ngày 17/12, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 4 Bộ gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng chủ trì phiên họp liên Bộ lần thứ nhất nhằm triển khai “Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, phiên họp chiều 22/1 nhằm đưa ra các giải pháp phục vụ cho Báo cáo trình bày trước Chính phủ trong Phiên họp thường kỳ tới đây vào ngày 30/1/2015.

Hiện giá điện Việt Nam cũng đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực, vì vậy, tại cuộc họp này, Tổ công tác đã đề nghị việc điều chỉnh giá điện theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, giá thành điện cũng cần tính toán lại một cách chính xác và đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tổ công tác cũng khẳng định từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi chưa bàn đến tăng giá. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định vào sau Tết.

Thủ tướng cũng đánh giá, tiêu hao điện năng ở Việt Nam còn lớn, năng suất lao động chưa cao, nên cần phải giảm chi phí giá điện để có được giá thành hợp lý hơn. Trên cơ sở đó, EVN phải công khai giá thành một cách hợp lý để Việt Nam có cơ sở thu hút đầu tư thành phần sản xuất, nguồn điện, tiếp cận cơ chế thị trường.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề