Đằng sau cuộc chiến tranh chống khủng bố

Tác giả: Harrison Koehli

Nguồn: Sott.net
Dịch bởi Dấu hiệu thời đại

Quan hệ giữa người với người chứa đầy sự sợ hãi. Rất thường xuyên, quá trình này bắt đầu từ mối quan hệ đầu tiên với cha mẹ chúng ta. Quá vị kỷ để nhận ra những gì đứa trẻ thực sự cần ở mình, nhiều bậc cha mẹ phản bội sự yếu ớt và phụ thuộc của chính đứa con họ – nhu cầu cần được sự thoải mái, an ninh, tin tưởng và sự chấp nhận đầy thương yêu của những người gần gũi nhất với nó. Sau khi bỏ lỡ các giai đoạn phát triển quan trọng này, đứa trẻ, bây giờ đã trở thành cha (hoặc mẹ), có thể lại cảm thấy bị đe dọa bởi nhu cầu tình cảm của đứa con mình và trở nên phụ thuộc vào con cái và vợ mình để nhận được những gì anh ta chưa bao giờ được nhận. Chu kỳ ác nghiệt này cứ tiếp tục, và các đứa con của anh ta lại học cách kiềm chế nhu cầu, chối bỏ cảm xúc và sống như những cái gương trống rỗng phản xạ lại nhu cầu tình cảm của cha chúng. Khi một đứa trẻ phải đáp ứng nhu cầu tình cảm của cha mẹ nó chứ không phải ngược lại, quan hệ cha mẹ – con cái bị đảo ngược. Stephanie Donaldson-Pressman và Robert Pressman gọi đây là “cơ chế gia đình vị kỷ”, và các vấn đề nó gây ra có liên quan trực tiếp đến những vấn đề địa chính trị to lớn mà thế giới đang đối mặt với.

Những đứa trẻ như vậy, cũng như cha mẹ chúng, tìm kiếm một nguồn an ủi, một cảm giác an tâm, nhưng không biết phải tìm ở chỗ nào và phải tìm cái gì, họ thường tìm ở những chỗ sai: con cái họ, người yêu của họ, công việc của họ, hay một số lý tưởng tôn giáo hay chính trị. Mặc dù họ chối bỏ nó nhưng họ bị thúc đẩy bởi chính nỗi sợ mà họ trải qua khi còn bé – sợ phải ở một mình, bị lạc lõng, không được đảm bảo, không được yêu thương, bị bối rối, bị bỏ rơi. Họ tìm sự trú ẩn khỏi nỗi đau ở những cánh tay vỗ về ôm ấp, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thế nhưng, theo một cách nào đó, các thứ đó vẫn không cảm thấy trọn vẹn, như sự “an toàn” của một con tàu đang chìm hay sự “vững chãi” của một tòa lâu đài xây trên cát. Không muốn buông bỏ để lại phải đối mặt với nỗi đau ấy, họ củng cố sự phòng vệ, để mang lại cho tinh thần rời rạc của họ một cảm giác an toàn. Nhưng sự che đậy như vậy được xây dựng trên và phụ thuộc vào sự dối trá hay những thứ mà họ chỉ thấy lờ mờ qua tấm kính của cảm xúc bị chối bỏ và bóp méo. Chúng ta có thể phủ nhận chúng ta đang có mối quan hệ với một kẻ thái nhân cách, một kẻ mà, bất chấp sự lạm dụng và tra tấn về mặt tinh thần mà hắn áp đặt lên chúng ta, cho chúng ta một cảm giác an tâm và ổn định trong cuộc sống. Hoặc chúng ta có thể chối bỏ sự phản bội của chúng ta đối với nhu cầu tình cảm của những người chúng ta yêu thương: đứa con mà chúng ta mắng mỏ và làm biến dạng theo những lý tưởng méo mó của chúng ta hay người yêu mà chúng ta đòi hỏi phải là một hình mẫu nào đó mà họ không phải.

Tôi thấy cực kỳ thú vị làm sao các động thái tinh thần trong một con người lại phản ánh những ảo tưởng diễn ra với số đông tốt đến vậy. Cũng như việc chúng ta tập trung sức mạnh tinh thần để cố bám lấy sự cân bằng mà chúng ta đang sợ mất đến tuyệt vọng, chúng ta tập trung quân đội để bảo vệ chúng ta khỏi kẻ thù không tồn tại, che đậy đi những vấn đề bên trong nước còn lớn hơn nhiều những vấn đề ở “ngoài kia”. Làm thế nào nó lại thành như vậy? Cho đến giờ, trong loạt bài này, tôi đã mô tả kẻ thái nhân cách – những cá nhân không có lương tâm, không có khả năng hối hận, và thèm khát quyền lực – và sự thâm nhập của chúng vào doanh nghiệp và chính trị – hai trung tâm quyền lực trong thế giới hiện đại.

Thao túng cảm xúc của công chúng, đặc biệt là sự sợ hãi, là cách hoạt động của chúng. Người ta thường nói rằng các chính trị gia lợi dụng sự sợ hãi, nhưng điều mà câu nói hiển nhiên này không mang lại là sự hiểu biết chính xác cái gì thúc đẩy chúng làm vậy, tại sao chúng lại làm giỏi như vậy và mức độ mà chúng sẽ thực hiện. Kẻ thái nhân cách rất hiểu hành vi con người, thường là tốt hơn cả chúng ta hiểu chính bản thân mình. Trong bài viết trước, tôi đã trích một kẻ thái nhân cách được chẩn đoán, Sam Vaknin, mô tả cách hắn sử dụng sự lăng mạ và bạo lực tinh thần để đánh quỵ các nạn nhân của hắn. Đấy chỉ là một ví dụ về kiến thức tâm lý đặc biệt mà kẻ thái nhân cách sở hữu, trau dồi sau cả một đời quan sát và tương tác với “bọn kia”, những người bình thường mà các phản ứng tình cảm của họ trông thật xa lạ, hài hước và nực cười đối với chúng. Khi kiến thức đặc biệt này được đưa lên tầm cỡ toàn cầu, bạn sẽ có địa chính trị cùng tất cả các chiến dịch tuyên truyền và những lời dối trá đi kèm với nó.

Vâng, kẻ thái nhân cách thèm khát quyền lực và sẽ làm bất cứ điều gì chúng có thể để giữ lấy nó, nhưng ngay cả điều đó cũng không đi được vào trọng tâm của vấn đề. Nếu một kẻ thái nhân cách không sinh vào một vị trí đầy ảnh hưởng và quyền lực, nơi mà hắn có thể làm bất cứ điều gì hắn muốn mà không phải chịu hậu quả gì, hắn sẽ cảm thấy như một nô lệ trong một hệ thống mà hắn không thể hiểu được. Hắn bị cản trở bởi những luật lệ không thể hiểu nổi, những phong tục xã hội tùy tiện và những quy tắc giao thiệp vô nghĩa lý đối với hắn. Hắn không được tự do là chính hắn. Đối với một kẻ thái nhân cách, tự do thực sự đơn giản là được phép lợi dụng, lạm dụng và tra tấn người khác – về thể chất, tình cảm và tài chính. Bất cứ trở ngại nào đối với đòi hỏi quyền lợi quá mức ấy đều bị coi là sự phiền toái mà hắn luôn mơ có thể loại bỏ bằng cách lập ra hệ thống xã hội của riêng hắn. Đây mới là định nghĩa thực sự của “chủ nghĩa toàn trị”, “chủ nghĩa phát xít” hay “trật tự thế giới mới” – một hệ thống chính quyền nơi mà kẻ thái nhân cách không bị bắt giữ vì đánh vợ, giết chết kẻ thù, tàn hại tinh thần của gia đình và người thân quen của hắn, rình rập những người biết bản chất thật của hắn và đe dọa tiết lộ nó cho “bọn kia”, những người vẫn luôn hành hạ hắn. Trong thế giới của chúng ta, “cuộc chiến tranh chống khủng bố” là phương tiện để đạt đến mục đích này. Những từ ngữ mới như “cực đoan hóa nội địa” (homegrown radicalization), và “bắt giữ đặc biệt” (extraordinary rendition) được phát minh ra, đồng thời những từ ngữ quen thuộc bị chiếm đoạt để sử dụng cho những ý nghĩa đặc biệt bên cạnh ý nghĩa bình thường vẫn được hiểu bởi mọi người.

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1989 với tựa đề “Hồi ức của 23 năm phục vụ nước Mỹ”, đại tá Fletcher Prouty, một người trong cuộc ở Lầu Năm Góc, mô tả cách mà thời kỳ chiến tranh truyền thống đã đi vào dĩ vãng. Những cuộc chiến tranh mới sẽ là về kinh tế, và kẻ thù mới sẽ là khủng bố. Đây chính là những gì đã xảy ra (xem cuốn Học thuyết Sốc (The Shock Doctrine) của Naomi Klein). Nhưng như nhiều người đã biết, có nhiều thứ đằng sau “Cuộc chiến tranh chống khủng bố” hơn là vẻ bề ngoài. Hoa Kỳ có một lịch sử lâu dài những hoạt động kiểu COINTELPRO, trong đó các nhóm được coi là có tiềm năng “bất đồng chính kiến” bị thâm nhập và lái theo hướng có lợi cho hoạt động An ninh Quốc gia. Với những hoạt động này cùng hoạt động giám sát ECHELON đối với bất cứ ai bị coi là “mối đe dọa tiềm năng” bởi những kẻ thái nhân cách chính trị nắm quyền, chúng ta có thể tuyệt đối chắc chắn rằng bất cứ nhóm “khủng bố” tiềm năng nào tại Hoa Kỳ đều đã bị xác định, quan sát và thâm nhập bởi các cơ quan tình báo và hành pháp Hoa Kỳ. Trên thực tế, điều này cũng đúng trên toàn thế giới.

Sau Đại chiến Thế giới II và với sự ra đời của cuộc “Chiến tranh Lạnh”, nhiều nhóm “ở lại” được thành lập tại các nước Châu Âu (xem Đội quân Bí mật của NATO (NATO’s Secret Armies) bởi Daniele Ganser). Những nhóm này tạo thành cơ sở cho các phong trào toàn quốc chống lại mối đe dọa Cộng sản lên nắm quyền. Mặc dù không được biết ngay cả bởi nhiều người tham gia, các phong trào đó được tài trợ chủ yếu bởi NATO và CIA. Khi nó trở nên rõ ràng rằng mối đe dọa xâm lược của Cộng sản là rất nhỏ (những phong trào này hoạt động mạnh ở các nước như Ý, Pháp, Bỉ và Tây Đức), sự tập trung được chuyển từ các mối đe dọa bên ngoài sang các mối đe dọa tiềm năng bên trong – những người Cộng sản địa phương và mối “đe dọa” mà họ gây ra đối với cơ cấu quyền lực khi đó. CIA tài trợ và hỗ trợ nhiều nhóm cánh hữu cực đoan nhằm mục đích này. Các nhóm Quốc xã mới và các nhóm cực đoan khác bị thâm nhập và kiểm soát bởi CIA và cơ quan mật vụ của nhiều nước châu Âu.

Kết quả là gì? Một loạt vụ tấn công khủng bố vào thường dân những quốc gia đó. Các chính phủ đổ lỗi lên các nhóm và cá nhân cánh tả và củng cố quyền lực của họ với sự ủng hộ của đám dân chúng đang khiếp hãi và cầu mong chính phủ mang lại sự “giúp đỡ” và “an ninh” cho họ. Những cuộc tấn công ấy thực ra được tiến hành bởi chính những nhóm đã bị thâm nhập, kiểm soát và bảo vệ bởi chính phủ, như vụ đánh bom ở Milan vào năm 1969 giết hại 16 người, hay vụ đánh bom đường sắt vào đầu thập kỷ 70. Tương tự, như cựu phóng viên ở Trung Đông của BBC Alan Hart đã quan sát (xem cuốn Chủ nghĩa Zion: Kẻ thù Thực sự của người Do Thái (Zionism: The Real Enemy of the Jews) của ông), Israel và tổ chức tình báo Mossad của họ từ lâu đã thâm nhập vào tất cả các chính phủ Ả rập và các tổ chức “khủng bố”. Trên thực tế, nhân viên Mossad đã bám theo nhiều trong số những kẻ mà sau đó bị cáo buộc là không tặc trong vụ 11 tháng 9 hàng tháng trời trước khi vụ tấn công đó xảy ra (xem cuốn Sự Bí ẩn Khủng bố (The Terror Enigma) của Justin Raimondo). Đấy là chưa kể đến thực tế là Osama Bin Laden là nhân viên CIA cho đến ngày trước vụ 11 tháng 9, cũng như nhiều đồng bọn Mujaheddin của hắn trong cuộc chiến chống lại Liên Xô.

Khi bạn đặt những sự kiện này lại với nhau, chúng vẽ nên một bức tranh ấn tượng. Các cơ quan tình báo phương Tây từ lâu đã thâm nhập vào bên trong các nhóm “khủng bố” và sử dụng chúng trong một chiến lược mà họ tự gọi là “chiến lược căng thẳng”. Vậy mà hiện nay Hoa Kỳ và các đồng minh lại đang tham gia trong một cuộc chiến không có hồi kết chống lại những băng nhóm mơ hồ mà trên thực tế nằm dưới sự kiểm soát của CIA? Tại sao? Như Hermann Goering đã nói với những người đã bắt hắn tại Nuremberg, “Việc lôi kéo dân chúng vào chiến tranh luôn luôn là một vấn đề đơn giản… Có tiếng nói hay không, dân chúng luôn có thể được điều khiển để làm theo những gì các nhà lãnh đạo muốn. Điều đó rất dễ dàng. Tất cả những gì bạn phải làm là bảo rằng họ đang bị tấn công, và kết tội những người mong muốn hòa bình là không yêu nước, là gây nguy hại cho đất nước. Cách làm ấy giống nhau ở mọi quốc gia.” Nói một cách khác, tiến hành vài vụ tấn công vào dân chúng, nói với họ rằng họ đang bị bọn “cộng sản” hay “khủng bố” tấn công, rồi buộc tội những người có tư tưởng tự do, yêu hòa bình là “có cảm tình với khủng bố”.

Nếu chúng ta xem xét kỹ bất cứ cuộc “tấn công khủng bố” nào trong 10 năm qua – ngay cả những vụ bị thất bại, chúng ta sẽ thấy một danh sách dài những thành viên liên quan đến các tổ chức tình báo, nhân viên FBI đóng giả làm nhân viên mồi chài của Al Qaeda, người cung cấp thông tin và kẻ giơ đầu chịu báng; tất cả bị thao túng để tạo nên vụ “tấn công khủng bố”. Trong những năm gần đây, Anh, Israel, Hoa Kỳ đều đã bị bắt quả tang thực hiện những vụ “khủng bố” như vậy. Nói một cách đơn giản, những kẻ thái nhân cách chính trị đang kiểm soát các chính phủ trên khắp thế giới. Bị thúc giục bởi sự khinh thị với đạo đức con người, sự thèm khát quyền lực và ảnh hưởng, và mong muốn tạo ra thế giới nơi mà chúng nắm quyền, những kẻ thái nhân cách chính trị đã xây dựng nên kẻ thù bên ngoài để làm ông ngáo ộp gây nỗi khiếp sợ trong trái tim người dân. Nỗi khiếp sợ ấy cộng với những nỗi sợ đã có sẵn khiến dân chúng dễ dàng bị chúng khai thác. Khủng bố không tồn tại, ít nhất là không tồn tại theo cái cách mà các chính phủ và phương tiện truyền thông mô tả. Từ lâu, các nhóm khủng bố đã bị thâm nhập, kiểm soát, hay thậm chí được tạo ra bởi những kẻ thái nhân cách chính trị. Chúng giết hại dân thường và đổ lỗi cho một kẻ thù viễn tưởng để có được sự ủng hộ của dân chúng trong một cuộc chiến không thể chiến thắng được. “Cuộc chiến tranh chống khủng bố” là một cuộc chiến không có hồi kết bởi vì những kẻ thái nhân cách không bao giờ từ bỏ quyền lực của chúng. Và trong khi chúng ta tố giác “những tên khủng bố ác độc” hay “những phần tử cực đoan nội địa” cho các nhà chức trách, những kẻ thái nhân cách chính trị chỉ đơn giản coi chúng ta như những thằng khờ, những con rối trong vở kịch mà chúng tạo ra. Chúng giống như một kẻ lừa đảo tự nhủ, “Nếu mấy thằng ấy ngu đến mức tin mình thì bọn nó đáng bị như thế!”

Nếu chúng ta muốn thay đổi bất cứ điều gì, nếu chúng ta muốn có hy vọng kết thúc “cuộc chiến” vô lý và nực cười này, hai điều là cần thiết. Thứ nhất, chúng ta cần thực hiện các bước theo hướng loại bỏ những kẻ thái nhân cách chính trị khỏi vị trí quyền hành và khiến bọn thái nhân cách không bao giờ đạt được bất cứ vị trí quyền lực nào về chính trị, doanh nghiệp hay kinh tế nữa. Trao quyền lực và ảnh hưởng cho những kẻ thái nhân cách và trông đợi chúng trở thành các nhà lãnh đạo đúng mực cũng giống như trông đợi một người mù lái xe buýt. Những kẻ thái nhân cách thực sự mù về các vấn đề liên quan đến sự phồn vinh của nhân loại. Thứ hai, chúng ta phải thấu hiểu lịch sử thật của chúng ta, cái gì thực sự ở đằng sau “cuộc chiến tranh chống khủng bố” hiện nay. Chúng ta đang bắt giữ, tra tấn và giết hại những người vô tội cùng với những kẻ giơ đầu chịu báng trong khi những kẻ điều hành thì không bị sao cả vì chúng hoạt động từ sau hậu trường. Không có hiểu biết về phương thức hoạt động của các thế lực tà ác, mọi thứ chỉ có thể tồi tệ hơn mà thôi.

Lan Anh (Dấu hiệu thời đại)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Đằng sau cuộc chiến tranh chống khủng bố”:

  1. Tien viết:

    Bai so 1 o dau toi tim ma khong thay ban bien tap?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề