Đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy mạnh dân sự hóa Trường Sa

“Nên tổ chức cho nhân dân ra Trường Sa du lịch bằng hàng không, đường biển, thậm chí vận động các nhà đầu tư xây một số khách sạn trên các rạn san hô”, Đại biểu Đặng Ngọc Tùng đề nghị.

Phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội sáng 3/11, đại biểu Đặng Ngọc Tùng đề nghị thời gian tới Chính phủ cần chú trọng phát triển nền kinh tế biển, đặc biệt là mạnh dạn dân sự hoá quần đảo Trường Sa.

Theo ông Tùng, cần phải xây âu tàu cho ngư dân trú biển ở những đảo lớn như Song Tử Tây, Đá Nam, Tốc Tan… Đồng thời, cung cấp các dịch vụ hậu cần, nước, xăng dầu, thu mua sản phẩm…để ngư dân không phải đi ra, đi vào mà yên tâm đánh bắt và trú ngoài đảo. Đó là dân sự hoá đồng bộ và thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản cho ngư dân.

“Nên tổ chức du lịch cho nhân dân ra Trường Sa bằng hàng không, đường biển, thậm chí vận động các nhà đầu tư xây một số khách sạn trên các rạn san hô”, ông Tùng đề nghị và nhấn mạnh, Việt Nam cần xây kéo dài đường băng ở đảo Trường Sa lớn.

dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-dy-manh-dan-su-hoa-truong-sa

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng.

Trong phiên thảo luận chiều hôm qua, đại biểu Phan Văn Quý cũng đề nghị phát triển kinh tế biển cần tăng cường nguồn lực cho các doanh nghiệp đóng tầu quân đội bởi theo nhiều chuyên gia, kinh tế biển là lĩnh vực đặc thù nên việc tổ chức thực hiện cũng phải có cơ chế đặc thù.

Tại Kỳ họp thứ 3 khi góp ý về Luật biển, ông Quý đã đề nghị cần san bớt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển cho một số doanh nghiệp cùng ngành của Bộ quốc phòng. Sau đó, tại buổi chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư năm 2012 và kỳ họp thứ 5, ông tiếp tục đề nghị san sẻ nhiệm vụ kinh tế biển cho các doanh nghiệp quốc phòng có năng lực.

Đại biểu này cho biết, sở dĩ ông kiên trì nhiều lần đưa ra vấn đề trên vì nhiều lý do. Trước hết là an ninh biển đảo. Vấn đề phát triển kinh tế biển đi đôi với công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh là một quy trình hợp lý mà doanh nghiệp quân đội đóng vai trò quan trọng. Thứ 2, là từ kinh nghiệm quốc tế. Công ty FT Ending thuộc tập đoàn Temasek của Singapore có khoảng 35.000 cổ đông, nhà nước chiếm khoảng 50%, nhưng trong 5 năm gần đây doanh thu trung bình mỗi năm của đơn vị này khoảng 5 tỷ USD, xếp số 1 của Đông Nam Á về công nghiệp quốc phòng và kinh tế biển.

“Thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp quân đội của nước ta được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống từ cơ quan bộ đến các đơn vị thành viên, do vậy khi xảy ra bất ổn, xử lý rất nhanh”, ông nói và cho rằng, việc tăng nguồn lực cho doanh nghiệp quân đội để đóng tàu, đổi mới công nghệ, dẫn dắt ngành đóng tàu cả nước góp phần tăng cường khai thác kinh tế biển và đảm bảo an ninh là cần thiết, hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh thêm, tình hình biển Đông nguy hiểm khó lường và lòng dân chưa yên nhưng trong Báo cáo của Chính phủ khi đề cập đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh chỉ nêu một câu rất ngắn gọn: “Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và kết hợp tốt giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế – xã hội”.

“Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ báo cáo sát thực hơn diễn biến phức tạp tình hình biển Đông, với những hành vi ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cần làm rõ hơn chủ trương, biện pháp đấu tranh của Đảng và Nhà nước ta để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc”, đại biểu Nguyễn Thái Học nói.

Theo vnexpress


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề