Đặc nhiệm Mỹ có làm nên chuyện ở Syria?

Khi Tổng thống Mỹ bất ngờ thay đổi chính sách Syria, đưa một nhóm đặc nhiệm đến đất nước này, ông lập tức hứng nhiều chỉ trích từ phe Cộng hòa.

Ông Obama tuyên bố sẽ đưa chưa tới 50 người tới miền bắc Syria để “cố vấn và trợ giúp” các chiến binh Ảrập và người Kurd chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Các thành viên Cộng hòa cho rằng, hành động này là không đủ.

“Tôi nghĩ chúng ta có một vị tổng thống không biết mình đang làm gì”, ông Donald Trump nói với hãng tin CNN. Còn Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mac Thornberry, một thành viên Cộng hòa ở Texas, cảnh báo “những bước đó chứng tỏ là quá ít, quá muộn”.

Vậy một nhóm ít ỏi binh sĩ như thế, dù là lính tinh nhuệ, sẽ làm được gì ở Syria?

Nhà Trắng khẳng định, nhóm binh sĩ trên có đủ năng lực đánh giá tình hình thực địa và giúp quân địa phương về kế hoạch hoạt động, chiến thuật và hậu cần.

“Tổng thống thực sự kỳ vọng họ có thể mang lại hiệu quả tăng cường chiến lược của chúng ta, gây dựng năng lực cho các lực lượng địa phương bên trong Syria, để họ chiến đấu chống IS ở chính đất nước mình”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh.

Nicholas Heras thuộc Chương trình An ninh Trung Đông của Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận định viễn cảnh trên có thể thành hiện thực và trong trường hợp này, một nhóm nhỏ sẽ có tác động tối đa nếu việc triển khai nằm trong chiến lược rộng lớn hơn.

Theo Heras, đợt triển khai này là bước thử nghiệm đầu tiên để tìm hiểu liệu quân Mỹ có thể “đóng một vai trò phối hợp hiệu quả trên thực địa”.

Chuyên gia này nhận định, bằng cách đưa đặc nhiệm vào các nhóm Sunni chống IS ở địa phương, chính quyền Obama hy vọng sẽ tạo dựng được một liên minh Syria dân chủ đa sắc tộc, khơi thông hợp tác với các chiến binh Kurd để cùng chiến đấu chống IS.

“Nó sẽ không cho kết quả ngay trong một đêm hay vài tuần”, ông Heras lập luận và chỉ ra những chia rẽ xã hội – chính trị phức tạp giữa các lực lượng người Kurd và Syria ở địa phương.

Ông Heras cho rằng, 50 lính đặc nhiệm là quá đủ để sát hạch xem chiến lược phối hợp đó có phải là một mô hình hiệu quả để tiếp tục hay không.

Đặc biệt, việc triển khai quân sẽ giúp cho các quan chức quốc phòng nắm được liệu bộ binh Mỹ có thể vun đắp sự hợp tác chiến lược giữa các nhóm Kurd và Syria tới mức đủ để khống chế IS và giành lại lãnh địa quanh Raqqa, mở ra cơ hội tiến đánh thành trì IS này.

Một trong những mục tiêu cơ bản của Mỹ là giành được thành phố chiến lược này, một sứ mệnh mà các quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định cần được thực hiện trước hết bởi các lực lượng chiến đấu ở địa phương.

Heras cho biết thêm, sứ mệnh của Mỹ còn có thể bao gồm việc tố chức các cuộc tập kích nhằm vào các mục tiêu IS giá trị cao.

Dakota Wood, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ hiện đang là thành viên của Quỹ Heritage, nhất trí rằng các cố vấn quân sự Mỹ có kinh nghiệm chiến đấu sẽ giúp tăng cường tính hiệu quả của các lực lượng người Kurd ở nơi IS đang cố tiến quân.

Tuy nhiên, theo Wood, về mục tiêu diệt trừ IS thì 50 binh sĩ sẽ không làm được gì nhiều trong ngắn hạn.

Trí Lê (Theo VietNamnet)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề