Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger: Với biển Đông, nên theo cách Đặng Tiểu Bình

Mỹ và Trung Quốc nên làm theo phương pháp của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, không nên ‘nóng vội’ khi giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, ông Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Richard Nixon, cho biết.

“Ông Đặng Tiểu Bình từng nói không phải mọi vấn đề cần phải được giải quyết trong thế hệ hiện tại, có lẽ chúng ta nên đợi cho thế hệ sau giải quyết nhưng đừng làm vấn đề tồi tệ hơn”, ông Kissinger (91 tuổi), trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg (Mỹ) khi dự lễ truy điệu ông Lý Quang Diệu ngày 29.3 tại Singapore.

Vì thế, Mỹ và Trung Quốc không nên nôn nóng khi giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, theo ông Kissinger.

Ông Kissinger là người có chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc vào năm 1972, mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đề xuất làm theo cách của ông Đặng Tiểu Bình có nghĩa là thế hệ sau sẽ có thể đưa ra quyết định và thương lượng tốt hơn khi căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông đã hạ nhiệt, giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc ở thủ đô Canberra (Úc), nhận định.

“Ông Đặng rất đúng, không phải mọi vấn đề có thể được giải một sớm một chiều và tất cả các bên có tranh chấp lãnh thổ và những bên ủng hộ không nên làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn”, giáo sư Thayer nhất trí về với đề xuất của ông Kissinger trong việc áp dụng biện pháp của ông Đặng.

Washington từng tuyên bố hòa bình trên biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ, đồng thời đảm bảo với đồng minh ở châu Á là Mỹ sẽ hậu thuận họ.

Căng thẳng liên tục leo thang trên biển Đông khi Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần cả biển Đông.

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra hàng loạt chính sách được cho là nhằm thách thức vị trí thống trị của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo Bloomberg.

Ông Tập đã từng tuyên bố tái xây dựng con đường tơ lụa, một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng đã từ hàng nghìn năm qua nối châu Á với châu Âu, đồng thời khởi xướng một “con đường tơ lụa trên biển” khắp khu vực Ấn Độ Dương, cùng với việc thành lập ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á do Trung Quốc dẫn đầu, hiện thu hút nhiều nước tham gia.

Giáo sư Rosita Dellios, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Bond (Úc), cho rằng đề xuất của ông Kissinger là nhằm chỉ trích các chính sách của ông Tập.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau vào tháng 9 năm nay, và Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác với Mỹ để “giải quyết các bất đồng giữa hai bên”, ông Tập nói với ông Kissinger khi ông này đến Bắc Kinh đầu tháng 3.

Cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (1904 -1997) - Ảnh: Reuters

Cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (1904 -1997) – Ảnh: Reuters

Trung Quốc thay đổi chiến lược?

Phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao 2015 tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) hồi 28.3, ông Tập có đề cập đến việc xây dựng “một trật tự khu vực” đảm bảo mang đến nhiều lợi ích hơn cho châu Á, theo Bloomberg.

“Trung Quốc kiên định theo đuổi những chính sách ngoại giao hòa bình độc lập và tự chủ, theo đuổi lộ trình phát triển hòa bình, một chiến lược mở đảm bảo lợi ích chung và nguyên tắc thắng – thắng (không có bên nào thua cuộc – NV)…”, ông Tập nói.

Bất kỳ sự bất ổn hay cuộc chiến nào đều không phải là lợi ích tốt nhất của người dân Trung Quốc, ông Tập cho biết thêm.

Giáo sư Bo Zhiyue, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Victoria (Úc), cho biết ông Tập cũng nỗ lực tăng cường sức mạnh và hiện đại hóa quân đội mà ông tin rằng không thể chiến đấu hay thắng trận. “Bề nổi, nhiều người nghĩ rằng động thái này của Trung Quốc là ngày càng trở nên quyết đoán hơn, nhất là đối với biển Đông và biển Hoa Đông”, theo giáo sư Zhiyue.

“Chính sách của ông Tập đã thay đổi kể từ tháng 6.2014, ông Tập đã bắt đầu nhấn mạnh vào lợi ích chung, thắng – thắng cho tất cả”, chứ không còn tập trung chỉ riêng vào lợi ích cốt lõi của riêng Trung Quốc như trước đây, giáo sư Zhiyue nhận định.

Tuy nhiên, giáo sư Chong Ja Ian, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định việc giải quyết căng thẳng biển Đông không phải dễ dàng. “Liệu Bắc Kinh có sẵn sàng tự kiềm chế, ngừng xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông?”, giáo sư Ian đặt câu hỏi.

Thanh Niên


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề