Cuộc sống ảm đạm của hàng triệu người nghèo ở Nhật

Hai triệu người Nhật Bản xin trợ cấp xã hội vào năm ngoái và phần lớn những người đó vẫn đối mặt với tương lai bấp bênh dù nền kinh tế đang phục hồi.

Người dân trong quận Kotobuki, thành phố Yokohama sống khá gần những cửa hàng lộng lẫy và nhà hàng sang trọng. Yokohama là thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản và tiếp giáp thủ đô Tokyo. Nhưng Kotobuki là một thế giới khác hẳn so với phần còn lại của thành phố. Với khung cảnh tồi tàn, nó là điểm dừng cho những người Nhật trên hành trình tới sự cùng cực.

Những người đàn ông ở Kotobuki sống trong các nhà trọ rẻ. Họ đã mất công việc và gia đình. Một số người tồn tại bằng những công việc vặt hàng ngày, nhưng nhiều người chẳng có việc để làm. Một khu cư trú với 250 giường “chiếm lĩnh” trung tâm của quận Kotobuki. Nó là một phần trong mạng lưới nhà ở công cộng – với khoảng 40 khu – mà chính quyền xây dựng trong thập kỷ qua. Mạng lưới ấy giúp 18.000 người lang thang có chỗ để trú ngụ.

Năm ngoái chính phủ Nhật Bản thông báo tỷ lệ dân nghèo trên cả nước là 16%, mức cao nhất từ trước tới nay. Theo chuẩn của Nhật Bản, công dân nghèo là những người có mức thu nhập dưới một nửa so với thu nhập trung bình của quốc gia. Tỷ lệ người nghèo tăng đều đặn với mức 1,3% từ giữa thập niên 80 tới nay. Cũng theo chuẩn ấy, một nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thực hiện cho thấy Nhật Bản xếp thứ sáu từ dưới lên trong số 34 nước thành viên giàu nhất của họ. Tại những hiệu sách, những tác phẩm bán chạy là sách chỉ dẫn cách tồn tại với khoản thu nhập dưới 2 triệu yên (16.700 USD) mỗi năm – mức thu nhập thuộc diện nghèo của vài triệu người dân Nhật Bản.

Nhật Bản luôn tự hào về việc không công dân nào của họ rơi xuống dưới đáy xã hội. Những thành phố ngăn nắp, không có khu ổ chuột của Nhật Bản dường như chứng minh thực tế ấy. Số vụ phạm tội trên đường phố luôn ở mức thấp, kể cả ở những quận nghèo như Kotobuki. Tỷ lệ người thất nghiệp chỉ ở mức dưới 4%, và nền kinh tế đang tạo ra việc làm do Thủ tướng Shinzo Abe nỗ lực thúc đẩy kinh tế bằng những chính sách nới lỏng tiền tệ.

“Nhưng chất lượng thấp của những công việc mới khiến thảm cảnh của tầng lớp người lao động nghèo trở nên tồi tệ hơn”, Kaori Katada, một nhà xã hội của Đại học Hosei tại thành phố Tokyo, bình luận. Từ khi Abe nhậm chức vào cuối năm 2012, số lượng người lao động thời vụ đã tăng lên mức trên 1,5 triệu. Thu nhập của họ chưa bằng một nửa so với những người có hợp đồng lao động dài hạn. Số lượng người làm những công việc ngẫu nhiên và bán thời gian tăng tới con số 20 triệu.

“Chúng ta không thể thấy những tác động của tình trạng số người đảm nhận công việc thời vụ tăng. Sự rộng lượng của phụ huynh là một lý do. Hàng triệu thanh niên vẫn sống cùng bố, mẹ nên không phải chi tiền để thuê nhà. Nhưng sau khi thế hệ người Nhật từng góp phần tạo nên sự bùng nổ kinh tế sau Thế chiến II qua đời, tình trạng nghèo sẽ trở nên rõ ràng hơn”, Katada khẳng định.

Ông Abe đang thúc những tập đoàn giàu của Nhật Bản thuê thêm người và tăng lương. Nỗ lực của ông đã mang tới một số kết quả tích cực. Trong vài tuần qua, một số doanh nghiệp lớn nhất đất nước thông báo kế hoạch tăng lương cho những người lao động xuất sắc. Song những người bên lề xã hội lại mất mát nhiều hơn khi nền kinh tế phục hồi. Số lượng người xin trợ cấp xã hội rơi xuống mức thấp nhất (882.000) vào năm 1995, nhưng sau đó lại tăng dần và đạt mức kỷ lục là 2.000.000 vào năm ngoái.

Mức nợ công của Nhật Bản đang gấp gần 2,5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Để giảm mức nợ công, chính phủ cắt nhiều khoản trợ cấp vào mùa hè 2014. Tom Gill, một nhà nhân chủng, nói rằng chủ trương ấy đẩy thêm nhiều người vào diện nghèo. Yokohama là một trong những địa phương phải vật lộn với thâm hụt ngân sách. Những nam giới đang tá túc trong các trung tâm bảo trợ người vô gia cư từng làm việc trên các công trường hay trong xưởng chế tạo xe hơi. Họ từng đóng góp tiền thuế vào ngân sách địa phương và quốc gia. Ngày nay, hoạt động xây dựng đã trở nên sôi động trở lại, song quy mô các công trình nhỏ hơn nhiều so với trước đây và lương cũng thấp hơn. Một số nam giới đã có việc, nhưng phần lớn người trong độ tuổi lao động ở Kotobuki vẫn là gánh nặng của xã hội.

Lan Hương (Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề