Cuộc chiến Syria hiển hiện nguy cơ quốc tế hóa
RFI – Cuộc chiến Syria đang trở nên hỗn loạn và căng thẳng cao độ. Trong khi Matxcơva đẩy mạnh không kích lực lượng đối lập với chế độ Assad, thì bên kia Thổ Nhĩ Kỳ cũng tích cực pháo kích tấn công lực lượng người Kurdistan bị Ankara coi là khủng bố nhưng lại được Hoa Kỳ ủng hộ. Hồ sơ Syria được nhật báo Le Figaro đề cập một cách rộng rãi với nhiều bài viết trên 3 trang báo.

Le Figaro nhấn mạnh đến căng thẳng giữa Matxcơva và Thổ Nhĩ Kỳ với hàng tựa lớn trang nhất « Syria: Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bên bờ xung đột ». Tình hình hiện nay trên chiến trường Syria được xã luận Le Figaro nhìn nhận như là « sự rối loạn thế giới mới » thay cho « trật tự thế giới mới ».

Theo tờ báo, « các nước phương Tây đang can dự một cách thụ động vào một trong những tình huống nguy hiểm nhất mà thế giới biết đến từ nhiều thập kỷ qua ». Trong cuộc chiến Syria rối ren hiện nay, « Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở rất sát một cuộc đụng độ trực tiếp. Nga thì tấn công lực lượng đối lập với Bachar al-Assad tạo điều kiện giành thêm đất cho các nhóm quân người Kurdistan, lực lượng vẫn bị Ankara coi là mối nguy hiểm chiến lược ». Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ dọa đưa quân can thiệp trên bộ khiến Matxcơva phải lên tiếng cảnh cáo về một nguy cơ của « chiến tranh thế giới mới ».

Nhìn rộng ra hơn, xã luận báo Le Figaro ghi nhận: « ván bài thực địa đã thay đổi căn bản trong vòng 6 tháng Nga can thiệp » vào Syria. Nếu như mục tiêu ban đầu của tổng thống Vladimir Putin chỉ là giúp chế độ Assad có thể thương lượng trên thế mạnh, nhưng từ đó đến nay nhiều lợi ích khác đã nảy sinh chồng chéo lên nhau ở chiến trường Syria.

Tờ báo phân tích: Chiến lược của Nga, đã được thử nghiệm ở Tchetchenia, tỏ ra có hiệu quả ở Syria. Cuộc chiến khốc liệt đã gây ra làn sóng di dân Syria ồ ạt tạo thành áp lực lớn đối với châu Âu. Qua việc đối đầu trực diện với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã nắn gân NATO một cách có hiệu quả hơn trường hợp Ukraina. Mỹ và châu Âu tỏ rõ sự lúng túng trước chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Le Figaro, « Putin đang khai thác lợi thế để làm thất bại những ý đồ muốn áp đặt « trật tự thế giới » của phương Tây cho nước Nga ». Tờ báo cho rằng: « Washington đã để nước Nga làm chủ cuộc chơi ở Syria và để mặc cho châu Âu tự xoay sở với khủng hoảng người tị nạn ».

Trong khi đó Le Figaro có bài viết khác đánh giá, trong hồ sơ Syria đến lúc này « Pháp nhận thấy mình bất lực », tựa của bài báo.

Theo Le Figaro, tại Syria, ảnh hưởng của Pháp bị co hẹp lại từ tháng 8 năm 2013, thời điểm mà Paris phải rút ý định tấn công chế độ Damas bị nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học tàn sát dân, bởi khi đó, tổng thống Barack Obama thoái lui ở phút chót. Từ đó đến nay cục diện ngày càng thay đổi theo chiều hướng Pháp bị đẩy ra khỏi bàn cờ Trung Đông.

Nhưng điều đáng lo ngại là: « Từ đầu cuộc chiến Syria, chưa bao giờ nguy cơ quốc tế hóa xung đột lại lớn như bây giờ; ảnh hưởng của các nền dân chủ phương tây cũng trở nên mảnh mai hơn », le Figaro nhận định.

Kremlin ngạo nghễ với thắng lợi quân sự

Để minh họa cho thấy thế thượng phong của Nga trên bàn cờ Syria, vẫn trong hồ sơ này, Le Figaro có bài viết: « Kremlin kiêu ngạo với thắng lợi hiển hiện về mặt quân sự đầu tiên ».

Bài báo cho biết ở Nga lúc này, báo chí truyền thông đều lớn tiếng ca ngợi việc quân đội của chế độ Assad trong những tuần qua đánh chiếm Aleppo và giành thêm đất chính là thành công quân sự của Nga. Giới bình luận thân cận với chính quyền đều đánh giá đó là bước ngoặt không thể tranh cãi trong việc giải quyết khủng hoảng Syria.

Một thành công khác của Kremlin ở đây, theo bài viết, « việc sử dụng vũ khí Nga trong chiến đấu gần đây đã gây ấn tượng mạnh cho các khách hàng vũ khí quen thuộc của Nga ». Le Figaro cho biết là trong chuyến thăm Nga hai ngày đầu tuần này, bộ trưởng Quốc Phòng Iran có thể đã thương lượng một hợp đồng mua vũ khí Nga lên tới 7 tỷ đô la.

Teheran đặc biệt chú ý đến kho vũ khí mà Nga đã sử dụng trên chiến trường Syria như xe tăng T-90. Hồi tháng Giêng, Algerie cũng đã đặt mua 12 máy bay ném bom thế hệ mới Su-34, đã được thử nghiệm tại Syria. Indonesia cũng đang nhắm tới loại chiến đấu cơ Nga Su-35S.

Châu Âu: Kế hoạch B đối phó với khủng hoảng tị nạn

Một thời sự khác cũng được các báo Pháp dành cho một dung lượng lớn đó là hồ sơ tị nạn tại châu Âu. Le Figaro có bài: Tị nạn: châu Âu đành chấp nhận « kế hoạch B ». Kế hoạch B để đối phó với làn sóng di dân không thể kiểm soát nổi có thể sẽ là Liên Hiệp Châu Âu để mặc cho các nước tự lo nếu không thể thống nhất với nhau về một chính sách chung.

Le Figaro nhận thấy thủ tướng Hungary Viktor Orban, người từng thách thức cả Liên Hiệp Châu Âu khi dựng hàng rào thép gai ngăn chặn dòng người tị nạn Syria, chẳng bao lâu nữa sẽ thắng trong cuộc đối đầu với thủ tướng Đức Angela Merkel trên hồ sơ tị nạn.

Dư luận nay đã đổi chiều. Liên Hiệp Châu Âu tỏ cho thấy không có khả năng kiểm soát được làn sóng người tị nạn vượt biển Egée. Ngày mai, cuộc họp thượng đỉnh nhỏ của 10 nước châu Âu liên quan trực tiếp đến khủng hoảng tị nạn có thể sẽ không còn sự lựa chọn nào khác là phải chấp nhận một « kế hoạch B », cho phép các nước, từ Hy Lạp cho đến Áo, đóng cửa biên giới.

Chiếc bóng khủng bố Hồi giáo lan sang Trung Á

Đó là tiêu đề một bài viết trên mục Ý kiến của báo Libération. Bài báo cho hay, mặc dù đang gặp khó khăn về quân sự ở Syria và Irak, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tiếp tục thu hút các chiến binh thánh chiến từ châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông.

Về mặt quân số mà nói thì đội quân chiến binh thánh chiến của Daech quan trọng nhất vẫn có gốc gác từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Hiện tại, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và Mặt trận al –Nosra có trong hàng ngũ của chúng hàng nghìn chiến binh đến từ các nước Trung Á như Kazakhstan, Kirgyzstan, Uzbekistan hoặc Turkmenistan.

Theo tác giả bài báo, lợi dụng mối đe dọa của các chiến binh đến từ Trung Á trong hàng ngũ thánh chiến, chính quyền nhiều nước trong Liên Xô cũ, chủ yếu vẫn duy trì chế độ độc tài, đã lấy đó làm cái cớ biện minh cho việc trấn áp đối lập.

Bản thân Nga cũng là một nước bị đe dọa bởi sự phát triển các chiến binh thánh chiến, cũng biết tận dụng đó như là lý do để tăng cường sự hiện diện tại Trung Á qua việc gia tăng hiện diện quân sự tại nhiều nước trong khu vực này.

Bài báo kết luận: Nga tận dụng mối đe dọa của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo để cố gắng duy trì ảnh hưởng trong vùng đang yếu dần bởi một thế lực mới muốn chế ngự vùng Trung Á là Trung Quốc.

Xả van tín dụng, một rủi ro tiềm tàng của các ngân hàng Trung Quốc

Đến với nhật báo kinh tế Les Echos, tờ báo quan tâm đến tình trạng gia tăng tín dụng không bảo đảm của ngân hàng Trung Quốc qua bài viết: « Sự gia tăng đáng ngại các rủi ro ngân hàng tại Trung Quốc ».

Theo Les Echos, do khối lượng tiền không cho vay được từ 10 năm nay liên tục tăng đến mức kỷ lục, các ngân hàng Trung Quốc đã phải áp dụng chính sách mềm dẻo hơn trong việc giải ngân tín dụng. Thêm vào đó được chính quyền trung ương thúc đẩy, các ngân hàng đã xả van tín dụng ồ ạt trong một vài tháng gần đây.

Theo Les Echos, trong tháng Giêng, các ngân hàng ở Trung Quốc đã giải ngân tín dụng tới 360 tỷ euro, tức tăng gấp 4 lần so với tháng 12 năm ngoái. Các nguồn tín dụng khác cũng tăng gấp đôi trong một tháng, đạt con số trên 400 tỷ euro.

Nếu như những biến chuyển tài chính như vậy có thể giúp các nhà đầu tư an tâm, thì các ngân hàng có thể sẽ phải trả giá đắt cho « sự rộng lượng » của mình. Bởi vì lãi suất ngân hàng hiện nay đang rất thấp, thêm vào đó là rất nhiều các con nợ hiện nay của các ngân hàng Trung Quốc đang trong tình trạng có thể phá sản.

Chờ đợi Zidane ra mắt đấu trường châu Âu

Tối nay câu lạc bộ bóng đá Real Madrid ra quân trận lượt đi vòng 1/8 của cúp châu Âu Champion’s League gặp câu lạc bộ Ý AS Roma. Sẽ là một trận đấu bình thường của câu lạc bộ thành Madrid, nhưng đây là trận đầu tiên ở đấu trường châu Âu của cựu danh thủ Zinedine Zidane, vừa được chỉ định làm huấn luyện viên của Real Madrid hôm 4 tháng Giêng. Vì thế mà sự kiện mới thu hút nhiều sự chú ý của báo chí. Báo Le Figaro chạy tựa « Châu Âu chờ đợi người tập sự Zidane ».

Thời gian cựu danh thủ người Pháp nhận dẫn dắt câu lạc bộ danh tiếng Real Madrid mới hơn 1 tháng và anh cũng đã gặt được những thành công ban đầu ở La Liga, nhưng người hâm mộ vẫn chờ Zidane thể hiện ra sao tài năng của nhà cầm quân trên sân cỏ châu Âu, sau 10 năm từ giã sự nghiệp cầu thủ đầy hào quang.

Châu Âu hay đúng hơn người hâm mộ bóng đá Pháp đang ngóng đợi thần tượng bóng đá của họ trổ tài trên cương vị mới: Nhà cầm quân.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề