Cuộc chiến “mồm nhôm” trên bán đảo Triều Tiên

Hai ngày sau khi Hàn Quốc tái khởi động chương trình phát thanh tuyên truyền bằng hệ thống loa phóng thanh đặt dọc theo biên giới, lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm, ngày 17/8, CHDCND Triều Tiên đã đáp trả bằng một hệ thống loa tương tự. Đâu là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến “mồm nhôm” này?

Ngày 17/8, một nguồn tin quân sự của CHDCND Triều Tiên cho biết quân đội nước này đã bắt đầu tái khởi động hệ thống loa phát thanh công suất lớn nhằm “đáp trả mọi luận điệu tuyên truyền của Hàn Quốc” ở một số điểm thuộc khu vực đường giới tuyến quân sự (MDZ). Đặc biệt, Triều Tiên còn phát chương trình ở khu vực bờ biển phía đông, nơi có các bãi tắm, với mục đích tăng khả năng nhận thức cho những người dân thuộc tầng lớp thượng lưu của CHDCND Triều Tiên về các chương trình tuyên truyền của Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng nói rằng, chương trình phát thanh tuyên truyền của Hàn Quốc khiến căng thẳng bị đẩy lên thành một sự tuyên chiến. Nếu Hàn Quốc không ngưng ngay lập tức chương trình phát thanh này sẽ dẫn đến “hành động quân sự toàn lực của công lý đập tan mọi phương tiện chiến tranh tâm lý chống phá Triều Tiên”- theo một tuyên bố của quân đội CHDCND Triều Tiên.

Tuyên bố cảnh cáo: “Hành động quân sự này có thể bao gồm các cuộc tấn công không phân biệt nhắm đến ngay cả những khả năng thách thức và leo thang phản ứng”.

Đây là sự đáp trả mới nhất việc Seoul lần đầu tiên khôi phục chương trình phát thanh tuyên truyền cách đây hơn một thập niên. Trước đó, hai miền Triều Tiên đã đạt thỏa thuận cùng ngừng sử dụng hệ thống loa phát thanh công suất lớn để phát các chương trình chiến tranh tâm lý chống lại nhau ở khu vực phi quân sự để tổ chức cuộc hội đàm quân sự cấp cao hai miền vào tháng 6/2004.

Gần 100 nghìn binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung từ ngày 17/8.

Gần 100 nghìn binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung từ ngày 17/8.

Nguyên nhân sâu xa của những cuộc ăn miếng trả miếng này bắt nguồn từ một vụ nổ mìn làm bị thương 2 binh sĩ Hàn Quốc tại khu phi quân sự. Và xa hơn nữa là cuộc tập trận Mỹ – Hàn đang diễn ra. Ngày 4/8, 2 binh sĩ Hàn Quốc đang trong hành trình thực hiện sứ mệnh tìm kiếm thông thường tại khu phi quân sự thì đạp phải mìn khiến bị thương rất nặng ở chân và đã lập tức được đưa đến bệnh viện.

Seoul lập tức cho đây là sự khiêu khích của Bình Nhưỡng. CHDCND Triều Tiên bác bỏ cáo buộc của Seoul rằng, “miền Bắc” đã gài những quả mìn đó. DMZ là một vùng đệm rộng 4 km, dài 250 km chia cắt hai miền Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Nơi này được bố trí rất nhiều mìn và hàng rào dây thép gai chằng chịt kéo dài dọc bán đảo Triều Tiên, cùng hơn 1 triệu binh sĩ và được canh gác vô cùng nghiêm ngặt.

Hàn Quốc nghi ngờ CHDCND Triều Tiên vì nước này đang phản đối dữ dội cuộc tập trận Mỹ – Hàn, diễn ra từ ngày 17/8, với sự tham dự của 50.000 binh sĩ Hàn Quốc và 30.000 binh sĩ Mỹ. Như thường lệ, mục tiêu của cuộc tập trận là nhằm nâng cao khả năng chiến đấu và hợp tác của binh sĩ đôi bên trong trường hợp bị Bình Nhưỡng tấn công.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc tập trận năm nay còn đặc biệt chú trọng đến an ninh tình báo để tăng cường theo dõi ở vùng biên giới phân chia Nam – Bắc.

Phản ứng từ phía Bình Nhưỡng là lời tuyên bố gọi cuộc tập trận không khác gì một hành động tuyên chiến, là chủ mưu gây hấn, đe dọa của Mỹ và Hàn Quốc, và phía Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa bằng quân sự mạnh mẽ nhất.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 15/8 tuyên bố sẽ kiên quyết đáp lại bất cứ hành vi gây hấn nào của Bình Nhưỡng. Trong bài diễn văn đánh dấu 70 năm chấm dứt ách xâm lăng của quân phiệt Nhật trên bán đảo Triều Tiên, bà Park nói: “Triều Tiên phải thôi mơ mộng hão huyền rằng họ có thể duy trì chế độ bằng gây hấn và đe dọa. Những hành động đó chỉ dẫn đến cô lập và hủy hoại”.

Ngày 16/8, CHDCND Triều Tiên đã lên tiếng phản đối. Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên cho rằng, bài phát biểu của bà Park ngày 15/8 đã vu cáo CHDCND Triều Tiên và gây ra sự phẫn nộ trong công chúng. Ủy ban trên còn tuyên bố bà Park phải chịu trách nhiệm vì đã làm cho mối quan hệ liên Triều trở nên xấu đi, đồng thời thách thức hệ thống cầm quyền Bình Nhưỡng khi nói về các vụ “thanh trừng” và “khiêu khích”.

Dịp này, CHDCND Triều Tiên cũng khẳng định: Bình Nhưỡng không chấp nhận lời kêu gọi cho những người bị ly tán do Chiến tranh Triều Tiên được đoàn tụ với gia đình.

Một trong những động thái gây căng thẳng nữa giữa hai miền Triều Tiên lần này là việc Bình Nhưỡng đổi múi giờ mới. Vào nửa đêm 14/8/2015 khi múi giờ mới có hiệu lực, những tiếng chuông đã vang lên tại thủ đô Bình Nhưỡng. Múi giờ mới của Triều Tiên sớm hơn 8 tiếng 30 phút so với giờ GMT và chính là múi giờ đã được Triều Tiên áp dụng trước Chiến tranh thế giới thứ 2. Trước khi thay đổi múi giờ, Triều Tiên có chung múi giờ với Hàn Quốc và Nhật Bản, sớm hơn 9 tiếng so với giờ GMT.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho rằng, việc CHDCND Triều Tiên đổi giờ là một quyết định tạo thêm cản trở cho việc thống nhất hai miền. Bên cạnh đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng nói rằng, việc đổi giờ đó cũng gây khó khăn cho hoạt động của trung tâm công nghiệp Kaesong, nằm trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên, nơi có hàng trăm công ty Hàn Quốc hoạt động.

Phải công nhận đây là một yếu tố gây phiền phức nữa trong danh sách ngày càng dài những điểm khác biệt giữa hai nước Triều Tiên, trong đó có những dị biệt không nhỏ như việc miền Bắc không dùng Dương lịch, mà dùng lịch đặc biệt, với năm đầu tiên là năm sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 1912.

24

Tuy nhiên, giờ mới của CHDCND Triều Tiên sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến trao đổi thương mại của Bình Nhưỡng với các láng giềng khác, chẳng hạn Trung Quốc. Theo giới quan sát, đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, việc đổi múi giờ giúp ông khẳng định thế vượt trội của Bình Nhưỡng về mặt ý thức hệ đối với Seoul.

Khi thông báo quyết định đổi giờ, Bình Nhưỡng đã khẳng định rằng họ muốn xóa bỏ một tình trạng nhục nhã do Nhật Bản gây ra từ năm 1912, khi trong tư thế là nước đang đô hộ Triều Tiên, Nhật Bản đã áp đặt trên bán đảo múi giờ của mình, tức là giờ của Tokyo. Bình Nhưỡng đã bác bỏ các chỉ trích của Hàn Quốc và tố cáo ngược lại là Seoul đã chứng tỏ thái độ “luồn cúi đối với Nhật Bản”.

Giờ mới cho phép Bình Nhưỡng xem Seoul, vốn vẫn giữ giờ Tokyo, như “một chư hầu của Nhật Bản”. CHDCND Triều Tiên trong tình huống này trở nên người đại diện chính đáng duy nhất cho tinh thần độc lập của Triều Tiên. Đây cũng là yếu tố then chốt trong tuyên truyền của Bình Nhưỡng.

Trí Lê (Theo CAND)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề