Công ty phương Tây mất cảnh giác với mua sắm trực tuyến tại TQ

Sau gần 30 năm phát triển ổn định tại Trung Quốc, Unilever – tập đoàn của Anh và Hà Lan chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng – bắt đầu chứng kiến doanh thu tại thị trường này sụt giảm mạnh từ năm ngoái.

Tháng 10-2014, các nhãn hàng xà phòng Dove, dầu gội Lux và bột giặt Comfort của Unilever đều cảnh báo doanh thu quí 3-2014 tại Trung Quốc giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và quí 4-2014 tiếp tục giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Unilever đưa ra lý do doanh thu giảm là do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, người tiêu dùng bắt đầu thắt chặt chặt chi tiêu.

Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ xu hướng bán lẻ tại Trung Quốc sẽ không khó phát hiện doanh thu của Unilever giảm còn do bị ảnh hưởng bởi hàng trăm triệu người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển sang mua sắm trực tuyến – theo hai tác giả Laurie Burkitt và Peter Evans của báo Wall Street Journal.

Phản ứng quá chậm với những thay đổi trên thị trường

Unilever không phải là công ty phương Tây duy nhất đề cao các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Công ty thực phẩm Nestle (Thụy Sỹ) cũng than phiền bán không được cà phê hòa tan. Gần đây, Nestle cho báo Wall Street Journal biết không thể nắm bắt đầy đủ tốc độ và phạm vi thay đổi của hoạt động bán lẻ tại Trung Quốc.

Nhãn hàng chăm sóc răng miệng và chăm sóc tóc Colgate-Palmolive và nhãn hàng chăm sóc da Nivea (của công ty Beiersdorf AG, Đức) cũng cho biết sản phẩm bị tồn đọng quá nhiều.

Giám đốc tài chính của Unilever, ông Jean-Marc Huet, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4-2015 rằng các công ty tiêu dùng tại Trung Quốc phản ứng quá chậm với những thay đổi trên thị trường.

Làn sóng mua sắm trực tuyến tăng mạnh

Người tiêu dùng rời các cửa hàng truyền thống là cú sốc đối với các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn thế giới. Năm ngoái, giao dịch thương mại điện tử toàn cầu vượt 1.300 tỉ đô la Mỹ.

Tại Trung Quốc, làn sóng mua sắm trực tuyến càng mạnh mẽ hơn, một trong những lý do là tỷ lệ phổ biến của điện thoại thông minh tại Trung Quốc rất cao.

Hiện, khoảng 461 triệu người tiêu dùng Trung Quốc (chiếm 1/3 dân số) đang mua sắm trực tuyến, con số này chỉ đạt 46 triệu người trong năm 2007, khi thương mại điện tử bắt đầu phát triển. Năm 2013, Trung Quốc vượt Mỹ thành thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Năm ngoái, thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc tăng 49% so với năm trước đó. Mức tăng trong ba năm trước nữa lần lượt là 59%, 51% và 70%. Doanh thu bán hàng trực tuyến của Trung Quốc đạt 453 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái, chiếm 11% tổng doanh thu bán lẻ.

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen khảo sát 30.000 người tiêu dùng Trung Quốc cho thấy gần một nửa số người tiêu dùng lên mạng để mua tạp hóa, cao hơn so với tỷ lệ 1/4 của toàn cầu. Nielsen cho biết năm ngoái, 42% doanh thu của các sản phẩm chăm sóc da đạt được trên mạng Internet.

Toàn Trung Quốc đều cảm nhận được sự thay đổi này. Một dạo, các trung tâm bán hàng điện tử tại làng Trung Quan, thủ đô Bắc Kinh, luôn chen chúc các nhà buôn và người mua hàng. Giờ đây, nơi này trở nên vắng lặng.

Một số nhà phân tích cho rằng sự phát triển của “làng Taobao” (những người bán hàng trên trang web Taobao) đến mức độ nào đó sẽ kích hoạt tình trạng thiếu lao động. Trước đó, cư dân “làng Taobao” thường đến các thành phố để làm một số công việc có tay nghề thấp, giờ đây, họ đều ngồi ở nhà kinh doanh các cửa hàng trực tuyến trên Taobao hoặc xử lý giao hàng. Đồng thời, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba (sở hữu trang web Taobao) có kế hoạch thực hiện dịch vụ giao hàng “ngày hôm sau” tại 50 thành phố trước khi kết thúc năm nay sẽ càng thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Rời thị trường Trung Quốc

Một số gã khổng lồ bán lẻ xuyên quốc gia tại Trung Quốc đã rời bỏ hoặc đang xét lại mục tiêu tại thị trường Trung Quốc. Năm ngoái, công ty Best Buy đã bán tất cả các cửa hàng còn lại tại Trung Quốc. Giám đốc điều hành (CEO) nhà bán lẻ sản phẩm điện tử Best Buy nói với các nhà đầu tư rằng công ty khó cạnh tranh với các đối thủ bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc. Trước đó vào năm 2013, nhà bán lẻ Metro AG đã rời khỏi thị trường Trung Quốc với lý do người tiêu dùng thiết bị điện tử dần chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Trong khi đó, công ty Wal-Mart, vào Trung Quốc năm 1996, không còn phấn đấu trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Trung Quốc và cho biết công ty cần ra sức cho chiến lược bán hàng trên mạng. Trong ba năm qua, lượng khách đến cửa hàng Wal-Mart tại Trung Quốc giảm dần. Tháng 4-2015, Wal-Mart cho biết lượng khách đến cửa hàng trong quí 1-2015 giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi doanh thu chỉ tăng nhẹ.

Wal-Mart hiện đang nỗ lực mô phỏng chiến lược của các đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc, thử nghiệm phần mềm ứng dụng liên kết cửa hàng trực tuyến Yihaodian của Wal-Mart với các cửa hàng truyền thống, để người tiêu dùng có thể đặt hàng qua điện thoại, sau đó chọn đến cửa hàng truyền thống lấy hàng hoặc yêu cầu giao hàng. Yihaodian là đối thủ cạnh tranh nhỏ trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc nhưng đứng vững trong việc bán trực tuyến các sản phẩm sữa.

Vũ Văn (Theo TBKTSG)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề