Công nghiệp hỗ trợ: Có thúc mới chóng lớn

“Nếu chính quyền TPHCM cam kết hỗ trợ lãi suất vay vốn trong thời gian dài thì doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ sẵn sàng đầu tư, yên tâm ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với khách hàng. Lâu nay vì vốn ít, lãi vay cao, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ rất khó… cựa quậy”. Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, với TBKTSG sau khi ông được nghe lãnh đạo UBND TPHCM cho biết tại một triển lãm về công nghiệp hỗ trợ mới đây, rằng từ tháng 9 này sẽ hỗ trợ lãi vay để doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Ưu đãi vay vốn và lãi suất

Theo ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TPHCM, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất với mức hỗ trợ 50-70% hoặc 100% lãi suất trong thời gian 5-7 năm để giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đầu mối giới thiệu cho doanh nghiệp biết thêm thông tin về chương trình kích cầu hỗ trợ lãi vay này là Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM – đơn vị vừa được công bố thành lập ngày 26-8 vừa qua.

Theo ông Cang, TPHCM dù đã phát triển công nghiệp mấy chục năm nhưng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn còn “non trẻ”. Chính quyền thành phố sẽ tiếp tục tập trung khuyến khích đầu tư ngành điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa dược, cao su, dệt may, da giày. Ông Cang cho biết trong vài năm tới, thành phố sẽ chọn lọc một số sản phẩm công nghiệp tiêu biểu và công nghiệp hỗ trợ của một số ngành cơ khí, điện tử, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, cao su…, để vừa cung ứng trong nước vừa xuất khẩu ra nước ngoài, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Minh nhận định đa số doanh nghiệp tại TPHCM có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, phù hợp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhưng rất tiếc lâu nay doanh nghiệp thiếu thông tin, thiếu nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, lúng túng về khâu tiêu thụ sản phẩm… Sự kết nối cung – cầu giữa các doanh nghiệp còn rời rạc và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cảm thấy hụt hẫng trong cuộc chơi.

Theo ông Minh, thời gian qua, nguồn vốn và lãi suất là hai yếu tố làm cho tư tưởng tiến công của doanh nghiệp bị hạn chế, nhất là khi đầu tư trung hạn và dài hạn cần điều kiện về lãi suất ổn định. “Lãi suất ở Việt Nam hiện quanh quẩn ở mức 10%, nếu so với doanh nghiệp một số nước lân cận có thể huy động vốn với mức lãi suất chỉ khoảng 2-3%, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước vẫn khó cạnh tranh”, ông Minh phân tích thêm.

Hiện Sở Công Thương TPHCM đang xây dựng danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển. Một số tiêu chí lựa chọn sản phẩm ưu tiên như sản phẩm có công nghệ sản xuất phù hợp; có nhu cầu thị trường hiện tại và tương lai; có tiềm năng sử dụng vật liệu Việt Nam; có tiềm năng xuất khẩu; có tiềm năng phục vụ cho các doanh nghiệp FDI đóng tại Việt Nam; có tiềm năng huy động nguồn nhân lực kỹ năng trong nước; sản phẩm của doanh nghiệp có định hướng gia nhập thị trường trong và ngoài nước.

Cơ khí: cần nhiều hỗ trợ bên cạnh vốn

Trao đổi với TBKTSG, ông Đỗ Phước Tống, Phó chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, thừa nhận mấy chục năm qua công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí như “đứa con nuôi hoài không lớn” bởi nguồn vốn hạn chế, không có tiền thuê đất xây nhà máy, đầu ra sản phẩm hẹp…

Ông Tống cho biết Hội Cơ khí TPHCM có khoảng 100 doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp làm ra sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như Lập Phúc, Mida, Duy Khanh, Tiến Tuấn…

Theo ông Tống, muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển thì ngoài chuyện hỗ trợ lãi suất vay vốn, chính quyền thành phố cần sớm có những giải pháp khuyến khích khác như cho nợ dài hạn tiền sử dụng đất xây nhà xưởng, hỗ trợ tiền thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất, tạo thêm thị trường. Bên cạnh đó nên có chính sách bắt buộc chủ đầu tư các dự án hạ tầng lớn (các tuyến metro chẳng hạn) sử dụng những vật liệu, thiết bị trong nước làm được, giảm thuế VAT đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí xuống còn 0% để cả người mua lẫn người bán sản phẩm cùng có lợi. Ngoài ra, cũng cần công khai danh mục sản phẩm mà các doanh nghiệp FDI có nhu cầu, mở thêm các trường lớn đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cơ khí.

Cao su, nhựa, da giày… đều mong được giúp sức

Theo các doanh nghiệp ngành cao su nhựa tại thành phố, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp ngành nhựa đang “khát vốn” lãi suất thấp. Ngành cao su nhựa nếu chịu mức lãi vay khoảng 10% như hiện nay là khá cao, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng ngành, bởi tỷ suất lợi nhuận của ngành này chỉ khoảng 10%, vừa đủ trang trải lãi vay nên rất khó có lãi.

Đại diện các doanh nghiệp da giày, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, cho rằng ngoài chính sách hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ ổn định và dài hạn, chi phí thuê mặt bằng sản xuất phù hợp, nhiều doanh nghiệp ngành da giày cần bước đột phá về kết nối đầu vào – đầu ra sản phẩm giữa các doanh nghiệp để bắt nhịp với các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực. Để giải quyết phần gốc mang tính dài hơi, Nhà nước cần nhanh chóng bỏ tiền đầu tư phát triển vùng nguyên phụ liệu cho ngành da giày để thỏa mãn quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do khi doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm da giày sang các thị trường lớn.

Theo Cục Thống kê TPHCM, năm 2014, TPHCM có đến 97% doanh nghiệp cơ khí là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ phân bố rải rác trong khu dân cư; 95% doanh nghiệp chế biến tinh lương thực thực phẩm là nhỏ và siêu nhỏ nằm trong và ngoài khu công nghiệp; 88% doanh nghiệp da giày là nhỏ và siêu nhỏ phân bố ngoài khu và cụm công nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong ngành dệt may cũng chiếm tỷ lệ đến 90%. Điều này cho thấy quy mô doanh nghiệp các ngành công nghiệp quan trọng của thành phố vẫn khá nhỏ lẻ, phân tán và manh mún.

Hiện ngành da giày TPHCM có khoảng 520 doanh nghiệp, trong đó, khoảng 125 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ như sản xuất da, đế giày, vải dệt, vải không dệt, carton, nguyên phụ liệu khác… với tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu đạt xấp xỉ 40%.

Theo kinh nghiệm các nước, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù ở TPHCM, cộng đồng doanh nghiệp này chiếm đến 95% nhưng thời gian qua chưa có định hướng, thiếu cơ chế chính sách phù hợp thúc đẩy nên chậm phát triển.

Mới đây, chính quyền TPHCM đặt ra kế hoạch cụ thể hơn. Giai đoạn 2015-2020, thành phố sẽ dành 500 héc ta đất để thu hút các dự án đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ tại các khu công nghiệp Hiệp Phước, Lê Minh Xuân, khu công nghiệp Ô tô, và khu công nghệ cao.

Ngoài ra, thành phố sẽ thí điểm xây 100.000 mét vuông diện tích sàn nhà xưởng cao tầng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Năm 2016 sẽ xây dựng nhà xưởng cao tầng tại Công ty cổ phần Sản xuất – Thương mại – Xuất nhập khẩu Indira Gandhi (3,7 héc ta); xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may rộng 89 héc ta tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Sắp tới, ngân sách thành phố cũng sẽ dành khoảng 1.000 tỉ đồng để hỗ trợ bù lãi vay cho các dự án đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng cao tầng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Mục tiêu của thành phố trong năm năm tới là phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố tăng bình quân 7%/năm.

theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề