Coi chừng Trung Quốc làm càn ở Biển Đông khi Nga – Mỹ ‘bận bịu’ ở Syria

Chúng ta cần nhớ, Trung Quốc là bậc thầy của nghệ thuật chờ thời. Sự kiện HD – 981 mà Trung Quốc gây ra vào tháng 5/2014 xảy ra ở thời điểm Mỹ – Nga đối đầu nhau ở chiến trường Ukraina và dư luận thế giới tập trung về đó. Năm nay, mặt trận Syria chống IS cũng đang có dấu hiệu bất đồng giữa Nga và Mỹ nên, một kịch bản về một hành động ngang ngược tiếp theo trên Biển Đông mà Trung Quốc có thể lên phương án.

Trả lời Báo điện tử Petrotimes, Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy – Nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc (giai đoạn 1987 – 1991), nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu đã chỉ rõ những âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian tới.

– Phóng viên: Thưa ông, là một chuyên gia trong ngành ngoại giao và có thời gian công tác tại Trung Quốc trong thời gian dài, ông có nhận định như thế nào về những diễn biến mới đây về cục diện Biển Đông cả trên thực địa lẫn bình diện ngoại giao mà Bắc Kinh đang tạo ra?

– Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Trước hết chúng ta phải nhìn vào lịch sử của vấn đề đầy phức tạp này.

Yêu sách “Đường lưỡi bò 9 đoạn” thực ra đã được chính quyền Quốc Dân Đảng ở Trung Quốc vẽ ra từ năm 1947. Tuy nhiên, giai đoạn sau đó thì chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa công bố và thừa nhận kế hoạch này.

Mãi cho tới năm 2009, chính quyền Trung Quốc mới chính thức công bố bản yêu sách đầy phi lý này ra quốc tế nhằm âm mưu “nuốt trọn” hơn 80% diện tích Biển Đông, chồng lấn với vùng lãnh hải của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù là một nước lớn và ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhưng dường như nước này cố tình “lờ đi” các quy định của luật pháp quốc tế. Kèm theo đó là vô số những hành động ngang ngược nhằm hiện thực hóa “Đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông. Điển hình là hành động bồi đắp, xây dựng 7 thực thể ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo phục vụ mục đích quân sự.

Dã tâm thôn tính Biển Đông của Trung Quốc là bất biến vì họ cũng đã có thời gian chuẩn bị rất dài. Hiện nay, họ đã đủ thế và lực để thực hiện âm mưu của mình trên biển. Tuy nhiên, các bước đi của Trung Quốc vẫn luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế.

Đáng chú ý là sự can dự của một số cường quốc vào Biển Đông như Mỹ, Nhật… cũng làm cho Bắc Kinh có phần cẩn trọng trong từng bước đi của mình.

– Trước thông tin hải quân Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch đưa tàu chiến tuần tra vùng 12 hải lý quanh một số hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông trong thời gian tới, truyền thông Trung Quốc cũng đã có đòn “phản pháo” lại truyền thông Mỹ về kế hoạch trên. Dưới góc nhìn chuyên gia, ông bình luận gì về vấn đề này?

– Phải nhấn mạnh lại rằng, về mặt pháp lý thì Trung Quốc không hề có đủ quyền lợi sở hữu bất cứ thực thể nào ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vì đều đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Điều này cho thấy, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo, tự tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý và vùng trời quanh các đảo nhân tạo trên Biển Đông cũng là không có giá trị. Tàu thuyền của các nước, kể cả Mỹ đều có quyền đi vào khu vực này hoạt động tuần tra bình thường.

Theo tôi, nếu Mỹ điều tàu chiến tuần tra ở khu vực này, đây là một động thái đáng hoan nghênh vì nó phù hợp với luật pháp quốc tế. Philippines cũng đã lên tiếng ủng hộ việc tàu Mỹ vào Biển Đông.

Phản ứng về thông tin được cho là “đòn ngoại giao” mà đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Arston Carter và Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố mới đây tại Úc, ngày 15/10, trên một bài xã luận đăng trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc cũng lu loa rằng Trung Quốc cần tập trung lực lượng và vũ khí hiện đại ra Trường Sa để chống lại tàu chiến Mỹ.

Truyền thông vốn là một trong số các con bài đắc lực mà Bắc Kinh luôn sử dụng trong chiến lược bành trướng lãnh thổ lãnh hải của mình. Việc xảy ra “khẩu chiến” giữa truyền thông Mỹ – Trung mỗi khi có dấu hiệu căng thẳng về ngoại giao đang diễn ra theo chiều hướng tăng dần.’

– Dựa theo các diễn biến về mặt ngoại giao, ông dự đoán như thế nào về diễn biến Biển Đông trong thời gian tới?

– Trong thời gian qua, đã có rất nhiều các sự kiện ngoại giao quan trọng mà liên quan tới cả 3 nước Việt – Trung – Mỹ.

Tháng 7 và tháng 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lần lượt tới Mỹ và Nhật.

Tháng 9 diễn ra chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ, cùng thời điểm mà Giáo Hoàng Francis tới xứ cờ hoa.

Theo dự kiến, Việt Nam cũng sẽ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ B. Obama lần lượt trong tháng 10 và tháng 11 tới.

Chúng ta cần nhớ, Trung Quốc là bậc thầy của nghệ thuật chờ thời.

Sự kiện HD – 981 mà Trung Quốc gây ra vào tháng 5/2014 xảy ra ở thời điểm Mỹ – Nga đối đầu nhau ở chiến trường Ukraina và dư luận thế giới tập trung về đó.

Năm nay, mặt trận Syria chống IS cũng đang có dấu hiệu bất đồng giữa Nga và Mỹ nên, một kịch bản về một hành động ngang ngược tiếp theo trên Biển Đông mà Trung Quốc có thể lên phương án.

Trong số đó, rất có thể Trung Quốc sẽ lợi dụng việc Mỹ đưa tàu vào Biển Đông để có thể “lấy cớ” lập Vùng nhận dạng phòng không tại đây.

Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc hoàn thành xây dựng 3 đường băng quân sự trên quần đảo Trường Sa làm chỗ đáp máy bay.

Vốn trung thành với “giấc mơ Trung Hoa” và chiến lược “Một vành đai, một con đường” nhằm đối chọi với chiến lược “xoay trục” sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, chắc chắn Trung Quốc sẽ hành động một khi có điều kiện thuận lợi.

Để đối phó với mọi diễn biến của tình hình, Việt Nam cần hết sức tỉnh táo và có đối sách phù hợp theo đúng tinh thần của luật pháp quốc tế.

– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Trí Lê (Theo NĂNG LƯỢNG MỚI)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề